Còn nhớ, trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” gần đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận chỉ rõ, chương trình sách giáo khoa hiện nay được biên soạn theo cách chú trọng truyền thụ kiến thức, thiết kế theo các lĩnh vực khoa học nên nặng tính hàn lâm, quá tải, học sinh không thấy dễ hiểu và không thể tự học.
Nghị quyết 29 đã đi đến một quyết định chiến lược, việc biên soạn Chương trình – SGK mới sẽ theo triết lý giáo dục mới: Đó là chuyển nền giáo dục từ truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất từng cá nhân học sinh.
Việc truyền thụ kiến thức, tri thức trước đây được coi là nhiệm vụ số một của nhà trường thì nay chỉ là khâu trung gian, là công cụ để giúp học sinh từng bước phát triển, bộc lộ, nâng cao trong quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện kỹ năng, phẩm chất con người mới.
Sắp tới Bộ GD&ĐT cũng sẽ không còn độc quyền trong việc xây dựng Chương trình, sách giáo khoa mới.
Ảnh minh họa. VNE |
Những hạn chế trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành đã được Bộ GD&ĐT chỉ rất rõ rằng, chưa đáp ứng được yêu cầu về hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, đặc biệt là chưa đáp ứng được yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết tình huống trong học tập và trong cuộc sống.
Ngoài nặng về trang bị kiến thức, sách giáo khoa và chương trình hiện hành ở một số sách còn chưa cân đối được yêu cầu nội dung kiến thức và hướng dẫn phương pháp dạy và học.
Do đó, cơ sở thống nhất để đổi mới được Bộ GD&ĐT xác định trên 3 phương diện chính: Quán triệt nội dung đổi mới trong Nghị quyết 29 của Ban Chấp hàng Trung ương, tuân thủ Hiến pháp và Luật Giáo dục.
Thứ hai, xác định những gì kế thừa, những gì cần bổ sung, đổi mới của chương trình và sách giáo khoa hiện hành so với Nghị quyết 40 và yêu cầu mới của Nghị quyết 29.
Đề án đổi mới giáo dục phổ thông phải có căn cứ để Quốc hội quyết
(GDVN) - Ông Đào Trọng Thi đề nghị hoàn chỉnh đề án chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là luận giải khoa học, để Quốc hội có đủ căn cứ ban hành Nghị quyết.
Thứ ba, học tập kinh nghiệm làm sách và chương trình của một số nước có nền giáo dục phát triển, có điều kiện tương đồng như Việt Nam để áp dụng trong quá trình triển khai. Theo đó, ở một số nước đều biên soạn một số sách giáo khoa và đa dạng hóa các tài liệu tham khảo để dạy học trên cơ sở một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất.
Vậy, nội dung đổi mới sẽ tập trung vào vấn đề gì? Bộ GD&ĐT cho hay, đổi mới cũng phải dựa trên các nguyên tác như: kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm thành công của nền giáo dục Việt Nam. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các nước, đổi mới chương trình và sách giáo khoa dứt khoát theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Ngoài ra, đổi mới vẫn đảm bảo tiếp nối liên thông giữa chương trình các cấp học, lớp học, các môn học và hoạt động trải nghiệm. Sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ ban hành.
Công việc cụ thể của ngành giáo dục sẽ là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho hợp lý hơn, đổi mới công tác biên soạn sách giáo khoa, đổi mới phương pháp, phương tiện và hình thức tổ chức dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.
Chủ trương đổi mới sẽ là một chương trình và nhiều sách giáo khoa. Điều này được Bộ GD&ĐT khẳng định nếu theo hướng đó sẽ huy động được đội ngũ tác giả gồm nhiều thành phần nên có điều kiện nâng cao chất lượng sách giáo khoa, và có những sách khác nhau để phù hợp nhu cầu và đặc điểm khác nhau của đối tượng sử dụng.
Vậy, tổ chức thẩm định chương trình và sách giáo khoa như thế nào và cơ quan nào thực hiện khi có nhiều bộ sách giáo khoa?
Còn nhớ, ngày 26/5/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc thành lập Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Và việc thẩm định chương trình, sách giáo khoa sẽ do Hội đồng độc lập thuộc Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đảm nhiệm, trong đó thành phần sẽ là các nhân sỹ, trí thức, các ban ngành cùng tham gia.
Bộ GD&ĐT cũng dự toán kinh phí cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ là 778,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 504,4 tỷ và ngân sách địa phương là 274,4 tỷ đồng.
Cụ thể, việc xây dựng chương trình, biên soạn một bộ sách giáo khoa và thẩm định là 462 tỷ đồng, triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới là 316,8 tỷ đồng.
Số kinh phí nêu trên không phải là để viết sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ làm công tác hậu cần, tổ chức trong viết sách.
Các chuyên gia của Bộ sẽ tham gia viết một hoặc vài bộ sách trong số các bộ sách cần thiết. Sự tham gia này, cũng như của các đơn vị khác, không có sự phân biệt nào.