Bộ Giáo dục làm việc với Hà Nội, có nội dung gì đáng chú ý?

09/03/2022 06:59
Ngọc Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành phố Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn giáo dục cao hơn cả nước, tiến tới đạt chuẩn quốc tế, phải đầu tư và quan tâm hơn nữa chất lượng giáo dục.

Sáng ngày 8/3 tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác giáo dục, đào tạo của Thành phố Hà Nội năm 2022 và những năm tiếp theo.

Cùng dự về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về phía Thành phố Hà Nội có Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh; Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; cùng đại diện Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố và đại diện các cơ quan, sở ngành có liên quan của Hà Nội.

"Tạm dừng đến trường, không dừng việc học"

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố hiện có có 2.835 trường mầm non, phổ thông… với trên 2,2 triệu học sinh; trên 138.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Các trường đại học, cao đẳng thuộc các các Bộ, ngành trên địa bàn có khoảng 120 trường với gần một triệu sinh viên, học sinh.

Năm 2021, công tác dạy và học của ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và với tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", ngành Giáo dục và Đào tạo kịp thời triển khai việc dạy, học trên truyền hình, dạy học trực tuyến giúp hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh không bị gián đoạn.

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đến nay, thành phố thực hiện tiêm phòng vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi tại các cơ sở giáo dục: Số lượng mũi 1 đã tiêm đạt 99,8% và số lượng mũi 2 đã tiêm đạt 99,5%. Các trường học, cơ sở giáo dục được tổ chức học trực tiếp dựa trên nguyên tắc: Thực hiện theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp tại các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2..

Đối với lộ trình cho học sinh quay lại trường học, Uỷ ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cho học sinh một số cấp học trở lại trường học trực tiếp. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện nay học sinh một số khối lớp thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Tính đến ngày 6/3, cấp tiểu học và khối lớp 6 cấp trung học cơ sở tiếp tục dạy và học trực tuyến, tỷ lệ học sinh tham gia học tập đạt 97,36%. Cấp trung học cơ sở (từ lớp 7 - 9), số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 46,07% và còn lại 53,93% học sinh học trực tuyến. Cấp trung học phổ thông, số học sinh đến trường học trực tiếp chiếm 58,45% và còn lại 41,55% học sinh học trực tuyến.

Đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục và đào tạo

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề cập tới những đặc thù của giáo dục Hà Nội, đó là quy mô lớn, áp lực lớn, đòi hỏi cao, kỳ vọng nhiều và thách thức rất lớn.

Mặc dù còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng, song theo đánh giá của Bộ trưởng, chất lượng giáo dục của Thủ đô vẫn nằm trong nhóm hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, giáo dục Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn của cả nước và tiến tới đạt chuẩn quốc tế, cần đi trực tiếp hơn nữa vào chất lượng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội mạnh dạn thí điểm một số chủ trương, chính sách mới để phát triển giáo dục, đào tạo như hợp tác công tư, tổ chức trường liên cấp, huy động giáo viên, giải pháp kiến trúc, không gian trường học, nâng cao chất lượng dạy và học… Trên cơ sở đó, Bộ sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với thành phố để triển khai thực hiện. Bộ trưởng cũng mong muốn thành phố dành không gian phát triển xứng đáng cho hệ thống các trường đại học trên địa bàn.

Để có các căn cứ phục vụ công tác quy hoạch, đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Hà Nội sớm có đánh giá dự báo về nhu cầu nhân lực của thành phố. Thành phố cũng cần xem xét phát triển mô hình các trường năng khiếu, bên cạnh trường chuyên để chăm sóc, nuôi dưỡng, ươm mầm các tài năng từ sớm nhất, theo hình thức cả công và tư.

Ngoài ra, trong phát triển đô thị thông minh, Hà Nội cần tính đến phát triển không gian học tập, xã hội học tập cho học tập suốt đời, để nơi nào cũng có thể học, thỏa mãn bất cứ nhu cầu nào về học tập. Bởi một đô thị đẳng cấp, chất lượng, đổi mới sáng tạo, đô thị số không thể thiếu việc này.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, xác định rõ vai trò, vị trí của Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, coi phát triển giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.

Nhấn mạnh trong thời gian qua, trước tác động của dịch Covid-19, thành phố càng dành sự quan tâm nhiều hơn, vừa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh, giáo viên, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội luôn dẫn đầu về quy mô, mạng lưới trường lớp, về giáo dục mũi nhọn và duy trì chất lượng cao giáo dục đại trà ở các cấp học.

Tuy nhiên, xác định giáo dục, đào tạo Thủ đô phải phát triển xứng tầm, lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, tìm giải pháp phấn đấu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025.

Nhắc tới một số kết quả đã đạt được và những hạn chế, tồn tại của giáo dục Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần nhìn nhận rõ những kết quả, thuận lợi, khó khăn, tìm hiểu căn cơ nguyên nhân khó khăn, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, sắp tới thành phố sẽ báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương quy hoạch xây dựng thành phố trong thành phố, giáo dục, khoa học công nghệ sẽ lấy hạt nhân là khu Đại học Quốc gia Hà Nội, khu công nghệ cao Hòa Lạc và khu vực Xuân Mai. Hà Nội cũng sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế để khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính để tháo gỡ thủ tục, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng giáo dục và đào tạo.

Ngọc Ánh