Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, mặc dù Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các địa phương dừng triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở điều chuyển về dạy mầm non để giao cho trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhưng ngày 9/3, tỉnh Thanh Hóa vẫn khai giảng lớp bồi dưỡng ngắn hạn (trong 6 tuần) đối với các giáo viên trung học cơ sở điều chuyển về dạy mầm non và tiểu học.
Thực tế cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa liên tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này khẩn trương tổ chức bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở được điều chuyển xuống dạy mầm non, tiểu học năm học 2016-2017.
Bộ Giáo dục chỉ đạo trực tiếp tỉnh Thanh Hóa trong việc điều chuyển giáo viên (Ảnh minh họa đăng trên Báo Thanh niên) |
Nhận được thông tin này, ngày 11/3, ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này và các địa phương trong tỉnh thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đó là dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy mầm non khi chưa qua đào tạo.
Ông Nguyễn Bá Minh thông tin: “Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc điều chuyển giáo viên dôi dư căn cứ trên tinh thần tự nguyện của các thầy cô.
Đây là giải pháp tình thế mà Bộ bắt buộc phải đưa ra để giải quyết hậu quả của việc đào tạo và tuyển dụng giáo viên ồ ạt, thiếu tính toán ở một số địa phương.
“Trước thực trạng các địa phương tổ chức bồi dưỡng cho số giáo viên phổ thông xuống dạy mầm non chỉ 5-6 tuần, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy rằng việc làm đó là chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã gửi công văn tới Ủy ban nhân dân các tỉnh yêu cầu dừng việc tổ chức bồi dưỡng lại.
Bộ cũng đã yêu cầu trường Đại học Sư phạm Hà Nội thiết kế một chương trình đào tạo để đào tạo lại bằng văn bằng 2 cho đối tượng này.
Hiện, chương trình đào tạo đó đang được các chuyên gia góp ý, thẩm định từ đó đưa ra để đáp ứng chuẩn đầu ra của giáo viên mầm non”, Thứ trưởng Nghĩa thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Nghĩa, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng các tiêu chí để lựa chọn đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng điều kiện đầu vào, có những năng khiếu như hát nhạc, kể chuyện, mỹ thuật… phù hợp để đứng lớp dạy mầm non.
“Trên cơ sở sàng lọc để đảm bảo điều kiện đầu vào thì khi đào tạo chúng ta mới đảm bảo chuẩn đầu ra. Trong quá trình đào tạo, Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình này.
Bằng việc yêu cầu các địa phương rà soát để đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên và việc kiểm tra giám sát thì chúng tôi cam kết với xã hội hướng tới một đội ngũ giáo viên có chất lượng, đảm bảo việc chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở mầm non”, Thứ trưởng khẳng định.
Cuối năm 2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chi hơn 3 tỷ đồng cho kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở trong diện được điều chuyển dạy Mầm non và Tiểu học năm học 2016 - 2017. |