Bó hoa dại ven đường của học trò đã níu tôi ở lại

13/11/2019 06:13
Thùy Linh
(GDVN) - Thầy Hoàng nhớ lại: "Trải qua một ngày làm việc, đêm đến tôi suy nghĩ mình có nên ở lại đây để làm việc không? Lúc đó ý định bỏ việc đã nảy ra trong đầu...".

Sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Đại Tiến thuộc vùng khó khăn của huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng trong một gia đình không có ai theo nghề giáo, nhưng bố mẹ cậu bé Vi Mộng Hoàng đã mong muốn các con sau này lớn lên không ai mù chữ để thoát khỏi cảnh nghèo.

Chính vì vậy, bố mẹ đã không quản mọi khó khăn, vất vả để chăm lo cho anh em Hoàng được học tập tốt nhất. Và ước mơ trở thành một thầy giáo đã ươm mầm trong cậu bé Vi Mộng Hoàng từ khi còn nhỏ. 

Đặc biệt trong những năm tháng đi học, hình ảnh các thầy cô dạy học trò cái chữ, dạy những bài hát, bài học làm người… học ở ngôi trường làng, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng các thầy cô đã không quản ngại khó khăn để truyền lửa cho các trò. Điều đó đã thôi thúc cậu học trò phải cố gắng để sau này được giống như thầy cô. 

Thế nhưng một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Vi Mộng Hoàng đó là năm tốt nghiệp lớp 9. Lúc đó, mọi người ở quê có suy nghĩ là chỉ cần học xong lớp 9 thôi là đủ nên một số bạn đã quyết định dừng việc học để ở nhà làm ruộng. 

Thật may mắn Hoàng được chọn vào học trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng khóa 2006 - 2009. 

Kết quả 3 năm rèn luyện, Hoàng đã thi đỗ khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc - Thái Nguyên. Hành trình trở thành một giáo viên Âm nhạc ngày càng đến gần với cậu học trò này. 

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp loại Giỏi, Vi Mộng Hoàng đã tham dự kì thi tuyển giáo viên và trúng tuyển! 

Thật hạnh phúc khi ước mơ được trở thành hiện thực, cuộc đời thầy giáo Hoàng bắt đầu bước sang một trang mới!

Thầy Hoàng đã tổ chức một số chương trình theo chủ điểm từng tháng, để các em được tham gia trải nghiệm (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Hoàng đã tổ chức một số chương trình theo chủ điểm từng tháng, để các em được tham gia trải nghiệm (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thầy Hoàng kể: “Ngày 1/11/2012 là ngày đầu tiên nhận quyết định công tác tại Trường Tiểu học Vân An, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - ngôi trường ở trên vùng Lục Khu - nơi biên giới vùng cao của huyện Hà Quảng, cách trung tâm huyện 20 km, cách nhà tôi 50 km, đường núi rất khó đi, có đoạn phải dắt xe đi bộ, đến được đó cũng phải mất gần 3 tiếng. 

Đi trên cung đường đó, tôi cảm thấy nản vì không tưởng tượng được sao lại đi vất vả đến thế. Đến đoạn có biển báo “Vành đai biên giới” có nhiều đường rẽ, tưởng mình lạc sang Trung Quốc, dừng lại hỏi đường thì gặp một người dân không biết nói tiếng Kinh, còn hỏi bằng tiếng dân tộc thì cũng không hiểu nhau do ngôn ngôn ngữ nơi tôi sống nói khác họ, đành phải chờ ai đó biết tiếng Kinh đi qua để hỏi. Sau bao vất vả tìm đường, tôi đã đến được với ngôi trường. 

Ngày đầu tiên đi làm, ra mắt và làm quen với học sinh. Nhìn các em rất hồn nhiên, ngây thơ. Nhớ lại hồi mình còn nhỏ, nghĩ mình khổ nhưng thật sự hoàn cảnh của các em trên này còn khổ hơn mình rất nhiều lần. 

Tôi được biết là ở đây phải hứng nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày! Trải qua một ngày làm việc, đêm đến tôi suy nghĩ mình có nên ở lại đây để làm việc hay không? Lúc đó ý định bỏ việc đã nảy ra trong đầu. Tôi nghĩ rằng sáng mai lên lớp buổi đầu tiên xem sao rồi sẽ quyết định. 

Sáng hôm sau, tôi lên lớp dạy, thấy các em hứng thú và yêu thích môn học, các em quấn quýt, trò chuyện…có em còn ngắt hoa dại ở gần trường đến tặng thầy. Thấy bạn tặng, một số bạn cũng chạy đi ngắt hoa dại đem đến tặng.

Hành động dễ thương đó đã làm cho tôi cảm động. Ý nghĩ bỏ trốn khỏi nơi này đã thật sự tan biến. Cảm ơn các em đã níu tôi ở lại! Tôi chính thức trở thành một thầy giáo”. 

Điều đặc biệt với thầy Hoàng là cũng trong tháng đó, kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thầy được nhận tình cảm của các cô cậu học trò là những bó hoa dại ven đường, hoa cải, được bó bọc bởi những tờ giấy và túi nilon, xếp đầy 2 bàn giáo viên. Thậm chí, thầy còn xuất hiện trong những bài văn tả về người mà em yêu quý! 

“Điều đó làm tôi tự hào và hạnh phúc”, thầy Hoàng tâm sự. 

Hành trình 7 năm công tác, thầy giáo trẻ Vi Mộng Hoàng tự nhủ với lòng mình là phải thật sự cố gắng, đem nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng tất cả tình thương cho sự nghiệp giáo dục (Ảnh nhân vật cung cấp)
Hành trình 7 năm công tác, thầy giáo trẻ Vi Mộng Hoàng tự nhủ với lòng mình là phải thật sự cố gắng, đem nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng tất cả tình thương cho sự nghiệp giáo dục (Ảnh nhân vật cung cấp)

Đến 8/2014, thầy Hoàng được tổ chức phân công thực hiện nhiệm vụ mới, luân chuyển từ Trường Tiểu học Vân An đến Trường Tiểu học Nặm Nhũng - ngôi trường hiện tại thầy đang công tác. 

Được biết, Trường tiểu học Nặm Nhũng cũng là trường vùng cao biên giới, điều kiện cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Học sinh nơi đây chủ yếu là dân tộc Nùng, ngoài ra có dân tộc Tày, Mông, Dao. 

Khi đến với ngôi trường này, thầy Hoàng bắt đầu có những hành trình mới và thực hiện những nhiệm vụ mới. 

“Đến nay, tôi đã gắn bó được 5 năm tại ngôi trường này với biết bao kỷ niệm đẹp như hằng ngày cùng đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ dạy và học, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, cùng nấu ăn và chăm sóc học sinh bán trú;

Đến tận nhà vận động những em có nguy cơ bỏ học; Thăm hỏi, động viên, tổ chức quyên góp và ủng hộ những bạn có hoàn cảnh khó khăn…

Những buổi chiều, sau khi tan học tôi thường đi bộ theo chân các em đến tận nhà để trải nghiệm con đường đến trường và tìm hiểu hoàn cảnh của các em. Có những lần, vừa đi vừa hái rau, hái quả cùng các em rất là vui vẻ.

Ghé thăm nhà được phụ huynh mời uống nước, cho bó rau, củ khoai, ngô, lạc…được trò chuyện, tìm hiểu văn hóa, học tiếng dân tộc… tình cảm gắn bó tự lúc nào không biết!”, thầy Hoàng chia sẻ. 

Cô giáo kể niềm vui khi dạy trẻ 2 năm một lớp

Vừa là giáo viên âm nhạc vừa là tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, thầy Hoàng đã mạnh dạn đưa các bài dân ca địa phương vào trong giảng dạy, cùng với những bài múa dân gian để giáo dục các em yêu thích dân ca địa phương. 

Thầy kể: “Tôi đã viết một bài hát truyền thống của trường trên nền nhạc dân ca được mang tên: Bài ca Trường Tiểu học Nặm Nhũng".

Theo lời của thầy Hoàng, trong năm 2018, thầy tham gia cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và đạt giải Nhất. Ca khúc lấy nguồn cảm hứng từ phong cảnh rừng núi, tình cảm của người dân vùng cao, từ học sinh thân yêu. 

Trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi, thầy đã tổ chức một số chương trình theo chủ điểm từng tháng, để các em được tham gia trải nghiệm, sáng tạo, rèn các kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, lành mạnh như:

Ngoại khóa trình diễn thời trang tái chế; Chúng em kể chuyện Cổ tích Việt Nam; Vẽ tranh chú bộ đội; Làm thiệp chúc mừng 20/10, 20/11, 8/3…“Chúng em kể chuyện Bác Hồ”; Ngoại khóa Tuyên truyền giáo dục công viên địa chất UNESCO “Non nước Cao Bằng”… 

“Hành trình 7 năm công tác, tôi tự nhủ với lòng mình là phải thật sự cố gắng, đem nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng tất cả tình thương cho sự nghiệp giáo dục, truyền nguồn cảm hứng, nguồn năng lượng tích cực để các em phấn đấu và quên đi những khó khăn, biết vươn lên trong học tập, cũng như trong cuộc sống.

Các em không được chọn nơi mình sinh ra nhưng các em có quyền được đón nhận và tận hưởng từ mọi sự quan tâm”, thầy Hoàng mong muốn. 

Thầy Hoàng đã được khen thưởng:

Lao động tiên tiến: Năm học 2014-2015; 2015-2016.

Chiến sĩ thi đua cơ sở: Năm học 2016-2017; 2017-2018; 2018-2019.

Giáo viên dạy giỏi cấp huyện: Năm học 2016-2017; 2018-2019.

Giáo viên làm tổng phụ trách đội giỏi cấp huyện: Năm học 2014-2015; 2016-2017; 

Đoàn viên công đoàn xuất sắc: Năm học 2016-2017; 2017-2018; 2018-2019.

Bằng khen Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng: Năm học 2017-2018.

Bằng khen Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Cao Bằng: Năm học 2016-2017; 2017-2018; 2018-2019. 

Thùy Linh