Để nâng cao chất lượng đào tạo đại học thì cách duy nhất là phải đẩy nhanh quá trình tự chủ của hàng trăm trường đại học công lập.
Đó là yêu cầu bắt buộc, là xu thế tất yếu của thế giới hiện đại.
Theo lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì “cử nhân phải ra cử nhân, thạc sĩ phải ra thạc sĩ, tiến sĩ phải ra tiến sĩ”.
Trong cuộc trao đổi mới nhất với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu ra nhiều mâu thuẫn ngay trong luật và các văn bản dưới luật, gây ảnh hưởng tới quá trình tự chủ của các trường đại học, cao đẳng công lập.
Cụ thể, ở Việt Nam, từ năm 2005, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp đã được Luật Giáo dục ghi nhận với nội dung tương tự quan niệm của các nước phát triển.
Tuy nhiên, ngay trong Luật Giáo dục vẫn có những quy định hạn chế quyền tự chủ của cơ sở giáo dục, ví dụ:
Về học thuật, cơ sở giáo dục đại học không được tự quyết định chương trình đào tạo mà phải theo chương trình khung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (Điều 41).
Về tổ chức, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học không phải do tập thể giảng viên, viên chức hoặc Hội đồng của cơ sở đó bầu mà do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm (đối với cơ sở giáo dục đại học công lập) hoặc công nhận (đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập) (Điều 54).
Về chế độ đãi ngộ, nhà giáo và viên chức của cơ sở giáo dục đại học được trả lương theo quy định về ngạch bậc và lương, phụ cấp của Chính phủ (Điều 81).
GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận định, cần phải chấm dứt tình trạng các bộ, UBND các tỉnh quản lý trực tiếp các trường đại học, cao đẳng. ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng theo GS.Nguyễn Minh Thuyết, đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc xác định sứ mạng đóng vai trò rất quan trọng vì đó là lý do tồn tại, quyết định hướng phát triển và khả năng cạnh tranh của mỗi trường.
Tuy nhiên, ngay từ việc phát triển trường theo định hướng nào (nghiên cứu, ứng dụng hay vừa nghiên cứu vừa ứng dụng) cũng do các nhân tố ngoài trường quyết định là chính.
"Việc định hướng phát triển dễ bị chi phối vì lợi ích, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học, kể cả những trường ngoài công lập mà trụ sở, giảng đường còn phải đi thuê, giảng viên cơ hữu chỉ trong khoảng 50 người, đều xác định là cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu.
Nhưng tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học lại do Chính phủ quy định (Khoản 5 Điều 9).
Học để có việc, hay học để...thất nghiệp?(GDVN) - “Trong quá trình xã hội biến đổi mình phải thích ứng, phải theo và làm đến cùng. Thanh niên hiện nay có cái dở là không muốn cố gắng, chỉ muốn được ngay”. |
Điều đó có nghĩa là sứ mạng của trường không còn phụ thuộc vào nguyện vọng của những người sáng lập và tập thể nhà trường nữa", GS. Thuyết chỉ rõ.
Việc cơ quan nhà nước gánh lấy trách nhiệm xếp hạng cơ sở giáo dục đại học vừa gây ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan nhà nước, lại vừa làm mất đi quyền tự chủ của cộng đồng đại học trong hoạt động này.
"Đối với giới chuyên môn, kết quả xếp hạng của những tổ chức xếp hạng có uy tín mới thật sự có giá trị", GS.Thuyết nhấn mạnh.
Chấm dứt tình trạng các bộ, các tỉnh "ôm" các trường
Trong buổi làm việc với Hiệp hội các Trường Đại học Cao đẳng Việt Nam vào chiều 5/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - PGS.TS Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: “Ngày xưa thời bao cấp, thời kinh tế tập trung thì bộ nào, địa phương nào cũng có một trường, nhưng bây giờ kinh tế thị trường thì phải chuyên nghiệp.
Do đó, không có lý do gì mà mỗi bộ ôm một trường, thậm chí nhiều trường. Bây giờ để giải quyết vấn đề này thì phải bằng cách áp dụng các tiêu chí kiểm định, công khai minh bạch, để từ đó phân tầng, xếp hạng”.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ sự ủng hộ với quan điểm này của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Trên thực tế, mỗi cơ sở giáo dục đại học công lập đều thuộc một cơ quan chủ quản cấp bộ hoặc UBND cấp tỉnh (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trực thuộc Chính phủ).
Những cơ quan này quyết định việc thành lập, chia tách, sát nhập, giải thể các trường; bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng. Cơ quan chủ quản cũng quyết định luôn cả biên chế, xếp bậc lương và trả lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức toàn trường.
GS.Thuyết chỉ rõ: "Luật Giáo dục đại học quy định trường đại học có hội đồng trường (ở đại học quốc gia và đại học vùng là hội đồng đại học; ở trường đại học tư thục là hội đồng quản trị).
"Cử nhân phải ra cử nhân, Tiến sĩ phải ra tiến sĩ" |
Hội đồng trường (hội đồng đại học) ở trường công lập, về hình thức, được trao quyền rất lớn, nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm hiệu trưởng (hoặc giám đốc đại học) nên về nguyên tắc hiệu trưởng (giám đốc) không phải chịu trách nhiệm trước hội đồng.
Nhưng trên thực tế, Hiệu trưởng (giám đốc) cũng không phải chịu trách nhiệm trước tập thể cán bộ, viên chức nhà trường vì cơ quan chủ quản chỉ tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm từ một số đại diện cán bộ, giảng viên, viên chức của trường và kết quả thăm dò không được công bố.
Nói cho đúng thì hiệu trưởng (giám đốc) chỉ chịu trách nhiệm trước cấp trên, giống người đứng đầu tổ chức thuộc hệ thống hành chính hơn là người đứng đầu tổ chức tự quản.
Hội đồng trường (hội đồng đại học) thường do hiệu trưởng (giám đốc) làm chủ tịch, do đó, hội đồng đóng vai trò tư vấn hơn là một hội đồng quyền lực.
Mặt khác, ở các cơ sở giáo dục đại học công lập Việt Nam, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam mà đại diện là Đảng ủy mới là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối, từ chiến lược phát triển dài hạn, kế hoạch hằng năm đến tổ chức, nhân sự, tài chính, các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và mọi hoạt động khác của cơ sở giáo dục.
Mối quan hệ giữa tổ chức Đảng với hội đồng trường chưa được Luật Giáo dục đại học quy định rõ nên hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, không có thực quyền".
Những nhận định của GS.Nguyễn Minh Thuyết cũng đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thể hiện trong báo cáo giám sát của năm 2010, nêu rõ:
Trong 440 trường đại học, Cao đẳng chỉ có chưa tới 10 trường có hội đồng trường. Trên thực tế, các hội đồng này gần như không hoạt động, các thành viên ngoài trường hầu như không dự phiên họp nào, không có bất cứ hoạt động gì, trừ sự hiện diện tại phiên họp công bố quyết định thành lập hội đồng.
12 năng lực cần phải có đối với một cử nhân: 1. Kỹ năng làm việc nhóm; 2. Kỹ năng giao tiếp; 3. Kỹ năng thích ứng; 4. Đáng tin cậy; 5. Luôn duy trì được động lực làm việc; 6. Toàn tâm toàn ý với công việc; 7. Có khả năng đưa ra quyết định nhanh; 8. Luôn sẵn sàng đưa ra sáng kiến; 9. Phải tạo ra được các công trình tiêu chuẩn; 10. Biết cách giải quyết vấn đề; 11. Chịu được áp lực công việc cao; 12. Biết tổ chức công việc. ảnh: NQ. |
Từ những vấn đề tồn tại nêu trên, GS.Nguyễn Minh Thuyết nêu một loạt những kiến nghị, chủ yếu tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, bỏ quy định phân tầng đại học. Cơ sở giáo dục đại học có quyền tự xác định hướng phát triển của mình và thay đổi hướng phát triển phù hợp với điều kiện và nhu cầu của mỗi giai đoạn.
Thứ hai, bỏ quy định cơ quan quản lý nhà nước xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Thứ ba, bãi bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”; chấm dứt việc giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục đại học chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ tư, nghiên cứu, giải quyết mối quan hệ giữa hội đồng trường (hội đồng quản trị) với tổ chức, cá nhân có liên quan, trước hết là với Đảng ủy ở trường công lập và nhà đầu tư ở trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận để hội đồng có đủ năng lực và thực quyền quyết định các vấn đề của nhà trường.
Thứ năm, chuyển đổi cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước: Từ cơ chế phân bổ theo các tiêu chí đầu vào sang phân bổ theo các tiêu chí đầu ra, gắn với kết quả kiểm định chất lượng đào tạo và xếp hạng;
Từ cơ chế ưu tiên đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học theo thứ hạng cố định trong Luật sang cơ chế ưu tiên đầu tư theo kết quả xếp hạng trong 5 năm gần nhất;
Từ cơ chế phân bổ ngân sách nhà nước theo tỉ lệ đồng đều đối với tất cả các ngành học sang cơ chế Nhà nước đặt hàng đối với một số ngành nghề đặc thù, mũi nhọn mà Nhà nước và xã hội cần nhưng khó thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo;
“Giáo dục Việt Nam hiện nay như đang đào tạo Voi, Hổ, Bò tót…”(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: “Tôi giật mình khi có đồng nghiệp khoe rằng tham khảo 10 trường ĐH tiên tiến nhất để xây dựng chương trình của riêng mình...”. |
Từ cơ chế hỗ trợ thông qua học phí thấp đối với tất cả học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sang cơ chế cấp học bổng tương xứng với chi phí đào tạo đối với sinh viên thuộc diện được hưởng chính sách xã hội, sinh viên giỏi, sinh viên theo học một số ngành nghề đặc biệt theo yêu cầu của Nhà nước.
Thứ sáu, sửa lại quy định tại Khoản 7 Điều 4 về cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận theo quy định tại Điều lệ trường đại học (ban hành theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ):
Cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận không tổ chức đại hội cổ đông; hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường; đại diện cho các thành viên góp vốn chiếm không quá 20% tổng số thành viên của hội đồng quản trị.
Thứ bảy, Quy định cụ thể hơn về trách nhiệm giải trình (accountability) của cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các nghĩa vụ cung cấp thông tin, lý giải và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà trường.