Bộ sửa chùm thông tư giáo viên mừng nhưng bao giờ thầy cô được hưởng lương mới?

27/05/2022 06:32
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bao giờ chính sách có hiệu lực và nhà giáo có thể nhận được mức lương mới của mình khi chuyển từ hạng cũ sang hạng mới vẫn là câu hỏi khó trả lời trong lúc này.

Kể từ ngày 01/7/2019 cho đến nay, lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước không tăng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 nên đời sống của một bộ phận những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những viên chức ngành giáo dục.

Chính vì thế, những chính sách về chế độ tiền lương đối với nhà giáo bao giờ cũng rất nhạy cảm và nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ giáo viên trên cả nước.

Vậy nên, ngày 20/5/2022 vừa qua, khi Bộ công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, ngày 02/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập đã nhận được sự chú ý rất lớn của đội ngũ nhà giáo.

Song, bao giờ thì chính sách này có hiệu lực và nhà giáo có thể nhận được mức lương mới của mình khi chuyển từ hạng cũ sang hạng mới vẫn là câu hỏi khó trả lời trong lúc này.

Lương giáo viên sẽ thay đổi khi chuyển sang hạng mới (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Lương giáo viên sẽ thay đổi khi chuyển sang hạng mới (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT có nhiều điểm mới về lương giáo viên

Có lẽ, trong các văn bản mà Bộ ban hành thì những văn bản có liên quan đến chế độ tiền lương luôn được giáo viên quan tâm nhiều nhất bởi nó ảnh hưởng thiết thực đến đồng lương hàng tháng của họ.

Đặc biệt, dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20/5/2022 vừa qua đã có nhiều điểm mới so với trước đây và có lợi cho những giáo viên có thâm niên trong nghề thấp.

Chẳng hạn, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0), những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34, 2,67, 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33, 3,66, 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

Như vậy, với cách chuyển từ hệ số lương của hạng cũ sang hạng mới đã đảm bảo được nguyên tắc bậc lương cũ không thấp hơn lương mới và điều cốt yếu nhất là đã rút được khoảng cách về lương giữa những giáo viên có thâm niên cao và những giáo viên có thâm niên ít.

Việc rút ngắn khoảng cách về hệ số lương sẽ góp phần tăng thêm thu nhập đối với những giáo viên có thâm niên ít nên sẽ giúp cho họ yên tâm với nghề khi thu nhập hàng tháng có phần cao hơn một chút so với trước đây vì khoảng cách từ khi giáo viên bắt đầu nhận hệ số lương 3,33 lên đến 3,99 hiện nay là 6 năm trời ròng rã.

Vì vậy, nếu như dự thảo này được ban hành chính thức và đi vào thực hiện thì có lẽ đây là điểm mới nhất và có lẽ phần nhiều giáo viên sẽ đồng ý (kể cả những thầy cô sắp đến tuổi về hưu) vì nó đã rút ngắn khoảng cách về lương giữa các nhà giáo và cải thiện được đời sống của một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay.

Song, vấn đề đặt ra là bao giờ chính sách này mới thực hiện và được áp dụng ở các trường công lập từ cấp mầm non đến trung học phổ thông?

Bởi lẽ, nhìn lại chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập được ban hành ngày 01/2/2021 thì mọi người sẽ tường minh hơn về vấn đề này.

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021 nhưng đến nay (tháng 5/2022) vẫn chưa được áp dụng, hạng và lương giáo viên vẫn đang thực hiện theo chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ.

Trong khi đó, ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT nên mọi thứ có thể còn rất lâu nữa thì mới hoàn tất việc chuyển hạng và xếp lương mới cho giáo viên ở các trường mầm non và phổ thông công lập.

Liệu năm 2022 này giáo viên đã được chuyển hạng và nhận lương mới hay chưa?

Theo thông báo của Bộ, dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01 - 04/2021/TT-BGDĐT sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng và thời điểm kết thúc lấy ý kiến là ngày 20/7/2022 tới đây.

Chính vì thế, sau khi hết thời hạn lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân mà đặc biệt là đội ngũ nhà giáo thì Bộ mới có thể tổng hợp, phân tích các ý kiến và tiến hành xây dựng văn bản chính thức rồi mới ban hành.

Sau khi Bộ ban hành văn bản chính thức thì các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) mới có văn bản hướng dẫn các đơn vị cơ sở tiến hành thực hiện.

Tiếp theo văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) sẽ có các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục, Nội vụ, Tài chính và Ủy ban nhân dân huyện (thị, thành phố), phòng Giáo dục…thì các trường mới có thể triển khai chuyển hạng cho giáo viên và đề nghị cấp trên ra quyết định.

Đó là các bước thực hiện để xếp, chuyển hạng giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập theo hướng dẫn từ chùm Thông tư 01- 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Còn chuyện hưởng lương theo hệ số mới của Thông tư sửa đổi chùm Thông tư số 01 - 04/2021/TT-BGDĐT còn liên quan đến rất nhiều ban ngành khác nữa. Đặc biệt, chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW cũng đã phải hoãn lại mấy lần do khó khăn về kinh tế vì tác động của dịch bệnh Covid-19.

Vậy nên, dù lạc quan nhưng chúng tôi nghĩ nếu nhanh nhất thì cũng phải hết năm 2022 này mới hoàn tất việc xếp hạng cho giáo viên. Nên việc hưởng lương mới của giáo viên đối với chùm Thông tư số 01- 04/2021/TT-BGDĐT có nhanh cũng phải sang năm 2023 mới có thể thực hiện được.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO