Đặc biệt vì Bộ trưởng Christine Antorini muốn xem cách làm giáo dục đối với mô hình giáo dục dành cho những học sinh cá biệt nhất Thủ đô, xem cách làm như thế nào để đào tạo những lớp học sinh hư thành những con người có ích cho đất nước, cho xã hội.
Và cuối giờ chiều ngày 4/3, bà Christine Antorini đã có buổi nói chuyện với học sinh nhà trường, tại đây bà rất “kinh ngạc” về cách làm giáo dục từ một mô hình giáo dục cá biệt này.
Tại Hà Nội, mô hình trường THPT Đinh Tiên Hoàng là một trong những mô hình đào tạo những học sinh hiếu động, học sinh được coi là hư của xã hội, thay mặt toàn trường, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục nhà trường, nguyên hiệu trưởng đã báo cáo với bà Christine Antorini về mô hình giáo dục cộng đồng này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đan Mạch – Bà Christine Antorini lựa chọn ngôi trường phổ thông ngoài công lập để đến thăm và nói chuyện. Ảnh PT |
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho hay, trường THPT Đinh Tiên Hoàng được thành lập từ năm 1989, lúc đó ở Việt Nam mới bắt đầu công nhận nền kinh tế thị trường, trong giáo dục có thêm trường ngoài công lập. Bên cạnh những mặt tích cực của kinh tế thị trường là làm cho Việt Nam phát triển thì bên cạnh đó có mặt trái, làm cho giáo dục bị ảnh hưởng nhiều, nhiều hành vi vi phạm pháp luật hơn trước.
Từ thực trạng đó những đề xuất thành lập trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng để giúp những học sinh khó khăn, cá biệt. TS. Tùng Lâm khẳng định, mô hình của nhà trường là mô hình đặc biệt, thể hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên", tức là ai cũng phải được học hành.
Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng ra đời lấy tên vị vua đầu tiên của nền phong kiến Việt Nam, vua Đinh Tiên Hoàng cũng xuất thân từ một đứa trẻ chăn trâu hết sức nghịch ngợm, nhưng cũng rất thông minh và đã trở thành người thành công, mong muốn của nhà trường là những học sinh tuy có những cá biệt khác nhau nhưng rồi cũng sẽ thành công như vị vua kia.
Bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đan Mạch – Bà Christine Antorini đã nói chuyện với học sinh ở đây và khá ấn tượng với môi trường giáo dục đặc biệt này. Ảnh PT |
Quan điểm của nhà trường, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm trường thường xuyên nhận những học sinh trượt vào các trường công lập mà hàng năm các trường công lập có những học sinh đặc biệt, nghịch ngợm nhà trường vẫn tiếp tục nhận, vẫn phải đảm bảo cho học sinh tốt nghiệp và đi vào các trường đại học, cao đẳng.
Do đó, với mô hình không coi chặt đầu vào nhưng phải đảm bảo chất lượng đầu ra. Cái khó khăn nhất đối với mô hình trường “chuyên tiếp nhận học sinh cá biệt” là trình độ học sinh không đồng đều, thường các em bị mất kiến thức cơ bản ở những lớp dưới, khả năng tự học, tư duy kém hơn các học sinh trường khác của Hà Nội.
Hơn nữa, hiện có 60% học sinh nhà trường là con nhà nghèo, khó khăn, trong đó có 3-4% học sinh chịu cảnh li tán. Đó là mặt trái của kinh tế thị trường, theo đó tỉ lệ học sinh thôi học cao hơn nhiều so với cac trường trong thành phố.
Do đó, với đặc thù như vậy, lãnh đạo nhà trường cho rằng việc giữ học sinh ở lại cũng đã là điều hết sức khó khăn. Khó nữa là giáo viên của trường không được đào tạo để dạy những học sinh cá biệt này, nhưng qua thời gian các thầy cô được bồi dưỡng đào tạo thêm, đủ lông đủ cánh các trường nổi tiếng của Hà Nội lại mời về giảng dạy, do đó nhà trường trong nhiều năm qua luôn luôn phải đào tạo giáo viên thường xuyên.
Tâm sự với bà Bộ trưởng Giáo dục Đan Mạch, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng nói thật rằng, ngay cả cơ sở vật chất nhà trường cũng chưa đủ khang trang, sạch đẹp theo đúng tiêu chuẩn của trường học, học phí của trường ngoài công lập được thu theo học sinh để chi trả cho giáo viên có điều kiện hoạt động.
TS. Nguyễn Tùng Lâm trao tặng nữ Bộ trưởng bức tranh kỷ niệm khi đến Hà Nội. Ảnh PT |
Nhưng những khó khăn trên được lãnh đạo nhà trường chia sẻ đã có những giải pháp bước đầu. Tiêu chuẩn trường học giảng dạy có hiệu quả theo mô hình tiên tiến thế giới, từ đó có 5 tiêu chuẩn riêng để giáo viên có cách dạy phù hợp với học sinh của mình. Từ những đặc thù riêng trên, nhà trường cố gắng tập trung làm tốt nhiệm vụ giúp học sinh biết cách tự học (giúp học sinh thích học, giúp học sinh biết cách học, giúp học sinh có nề nếp học, giúp các em học có hiệu quả).
Đó là những phương pháp giáo dục để tạo động lực cho học sinh. Môi trường giáo dục thuận lợi sẽ là điều kiện quyết định phát triển nhân cách học trò. Những nhân cách này được TS. Nguyễn Tùng Lâm tổng kết thành 5 nguyên tắc ứng xử riêng của học sinh nhà trường, trong đó nhấn mạnh tới việc nhà sư phạm phải biết đưa ra yêu cầu, giúp cho học sinh thực hiện dần từng bước một, chứ không phải thực hiện luôn 100%.
Trong nhiều năm qua, trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều gia đình có con cá biệt theo học. Triết lí của nhà trường được xã hội đồng tình, nguyên hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, với những điều đã làm trong thời gian qua cho học sinh cá biệt, trường có đưa ra 5 bước để giúp cho học sinh tự thay đổi mình.
Trong đó khuyến khích học sinh chia sẻ, có quyền biện hộ cho những việc làm của mình, nhưng đồng thời cũng đặt lại vấn đề như vậy thì làm thế nào để thay đổi. Ngoài ra, chia sẻ thêm với bà Bộ trưởng, TS. Tùng Lâm cũng cho biết trường thường xuyên giáo dục học sinh để tạo nên một thói quen tốt, đưa chương trình giá trị sống và kĩ năng sống vào nhà trường. Ngoài kỉ luật mang tính áp đặt thì trường cũng áp dụng kỉ luật tự giác để mong các em phát triển nhân cách một cách bền vững hơn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đan Mạch – Bà Christine Antorini sau khi nghe chia sẻ về mô hình giáo dục nhân cách cho học sinh cá biệt của Trường THPT DL Đinh Tiên hoàng, bà đánh giá cao mô hình này ở Việt Nam. Những điều mà nhà trường đang làm không chỉ dành cho những học sinh cá biệt mà có thể được áp dụng cho những học sinh bình thường, tất cả các em đều được hưởng mô hình giáo dục tiên tiến như vậy.
Qua đây, bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đan Mạch – Bà Christine Antorini hy vọng sẽ học hỏi được kinh nghiệm và mô hình giáo dục đặc biệt này ở trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, có thể tham khảo và áp dụng tại Đan Mạch.