Chiều 8/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có 10 Chương, 121 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 75 điều,
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp về việc Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo đủ trường, lớp cho học sinh học tập, không thi tuyển đầu vào đối với giáo dục phổ cập bắt buộc, các quy định về giáo dục phổ thông tại dự thảo Luật đã được quy định theo hướng học sinh được vào học phù hợp với quy định đầu vào các cấp học của giáo dục phổ thông.
Đảm bảo giáo dục phổ thông đại trà không thi tuyển đầu vào, đảm bảo chính sách đối với đối tượng yếu thế, chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài.
Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, Ban soạn thảo đã rà soát và luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88.
Quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 thành các quy định của Luật.
Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh.
Dự thảo Luật bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Trong báo cáo thẩm tra về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Điều 30), Ủy ban cơ bản đồng tình với việc luật hóa các quy định trong Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa, trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo cung cấp sách giáo khoa cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; về Hội đồng và quy trình thẩm định, bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.