Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên trong bối cảnh hiện nay là cần thiết

31/05/2019 06:06
THANH AN
(GDVN) - Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên chắc chắn sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều vì đã đụng chạm đến quyền lợi của hàng triệu con người.

Theo các văn bản hướng dẫn hiện hành thì trong các trường học hiện nay chỉ có hiệu trưởng là công chức, các phó hiệu trưởng, giáo viên đứng lớp và nhân viên trong nhà trường được gọi là viên chức.

Đối với giáo viên hiện nay, đa phần được biên chế hoặc đã ký hợp đồng không xác định thời hạn. Điều này cũng đồng nghĩa là khi đã là biên chế hay hợp đồng không thời hạn sẽ là “viên chức suốt đời”.

Một khi đã là "viên chức suốt đời” thì chỉ trừ những người muốn xin ra khỏi ngành hoặc bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mới phải nghỉ ngang mà thôi.

Bỏ biên chế suốt đời sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu và giảm được gánh nặng ngân sách (Ảnh minh họa: TTXVN)

Bỏ biên chế suốt đời sẽ tạo động lực cho giáo viên phấn đấu và giảm được gánh nặng ngân sách

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Cái lợi của “viên chức suốt đời” là đa phần các nhà giáo được yên tâm công tác, ít phải suy nghĩ về chuyện mất việc giữa chừng để tập trung vào chuyên môn giảng dạy của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi riêng tư của nhà giáo thì việc được biên chế suốt đời cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy.

Những hệ lụy phía sau của cụm từ “biên chế suốt đời”

Thứ nhất: Sức ì của giáo viên càng về già càng lớn hơn bởi họ luôn mặc định mình đã là viên chức được biên chế hoặc đã ký hợp đồng không xác định thời hạn thì đương nhiên không có ai đuổi được mình.

Nhiều giáo viên đã mất ngay động lực phấn đấu sau khi hoàn thành thủ tục thử việc của mình. Bởi, có một số người luôn có suy nghĩ cứ 3 năm tăng một bậc lương, người tích cực cũng như người thụ động thì phấn đấu làm gì.

Cuối năm gần như ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ, ai cũng có danh hiệu lao động tiên tiến thì cần gì phấn đấu. Chính cách đánh giá hàng năm, chính cách suy nghĩ tiêu cực của một bộ phận giáo viên đã dẫn đến sự ì ạch của ngành giáo dục bởi nhiều người không có động lực phấn đấu .

Thứ hai: Chính vì là viên chức suốt đời nên dẫn đến tiêu cực trong tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên. Những năm gần đây, chính vì khó khăn trong việc phân bổ chỉ tiêu nhân sự hàng năm nên nhiều nơi đã dẫn đến tình trạng “chạy việc”.

Bỏ biên chế suốt đời là tốt cho giáo dục, cho thầy cô, còn chần chừ gì nữa!

Mỗi suất hợp đồng không xác định thời hạn lên đến nhiều trăm triệu đồng nhưng vẫn có nhiều người lao vào để chạy.

Bởi, ai cũng muốn đầu tư một lần để vào biên chế là an phận suốt đời không phải lo lắng về công việc, không phải lo mất việc hay bị cắt hợp đồng giữa chừng.

Thứ ba: Chính vì cơ chế xin- cho nên dẫn đến tình trạng thiếu- thừa cục bộ về nhân sự ở nhiều trường học.

Có trường thừa rất nhiều nhưng không thể nào cắt giảm được hợp đồng của giáo viên vì họ vẫn làm tốt nhiệm vụ được phân công. Hơn nữa, những trường thừa giáo viên phần lớn là thành phần gửi gắm của lãnh đạo qua các thời kỳ.

Biết thừa nhưng hàng năm cấp trên vẫn "ấn xuống" sau mỗi lần thuyên chuyển viên chức hoặc tuyển dụng vì đó là con cháu mình hoặc là con cháu của một ai đó đã “gửi gắm”.

Chính vì cơ chế xin cho nên những trường khó khăn thì luôn phải tuyển mới, hết tập sự thì họ lại lo lót chuyển về trường trung tâm, trường thuận lợi. Cái vòng thừa- thiếu giáo viên cứ lặp đi, lặp lại từ năm này sang năm khác.

Dĩ nhiên, dù thừa giáo viên, dù nhiều giáo viên của một số môn học chỉ dạy một nửa số tiết định mức, thậm chí chưa đến một nửa định mức theo quy định nhưng nhà nước vẫn phải trả 100% lương cho họ theo hệ số, theo thâm niên và phụ cấp nghề nghiệp.

Trong khi, nhân sự ngành giáo dục chiếm đến một nửa biên chế cả nước.

Cái lợi khi bỏ biên chế suốt đời

Bỏ biên chế suốt đời có nghĩa là những người nào hoàn thành tốt hơn về nhiệm vụ sẽ tiếp tục công tác, người nào ì ạch, kém năng lực, động lực phấn đấu thì phải “dừng cuộc chơi”.

Biên chế suốt đời làm con người thui chột, đất nước thêm nhiều gánh nặng

Một khi không còn biên chế suốt đời bắt buộc mỗi giáo viên sẽ xem cái nghề mà mình đang theo đuổi là “nồi cơm” hàng ngày ngày và phải bảo vệ nó. Dĩ nhiên, khi giáo viên thay đổi sẽ kéo chất lượng giáo dục đi lên.

Bỏ biên chế suốt đời sẽ không còn phải chạy vạy, cậy nhờ người này, người kia mất hàng trăm triệu đồng để được ký hợp đồng không thời hạn.

Ngân sách nhà nước (tiền thuế của dân) không phải nuôi những người kém năng lực, thui chột ý chí phấn đấu. Số lượng giáo viên dư thừa cũng được cắt giảm đúng với định mức quy định.

Qũy lương sẽ được nâng lên, thu nhập của giáo viên cũng sẽ cao hơn và ngân sách nhà nước cũng không phải chi thường xuyên quá nhiều như hiện nay.

Bỏ biên chế suốt đời cũng đồng nghĩa bỏ được sự bất cập trong chế độ lương hiện nay của ngành giáo dục cũng như những ngành nghề khác.

Bởi cứ như hiện nay, càng lớn tuổi càng lương cao, lương một "lão làng" có thể trả lương cho 3- 4 giáo viên trẻ. Trong khi, khối lượng công việc của một số thầy cô lớn tuổi so với người trẻ lại ít hơn và hoàn thành thường cũng chậm hơn.

Đặc biệt, khi bỏ biên chế suốt đời cũng là lúc đề cao năng lực thực của người giáo viên. Những tờ giấy vô bổ như đánh giá chuẩn nghề nghiệp, hồ sơ sổ sách không cần thiết cũng không còn tác dụng.

Những tiêu cực về mua bán bằng cấp, chứng chỉ, thi thăng hạng giáo viên cũng “hết đất” làm ăn và lãnh đạo cũng không thể hành được giáo viên nữa.

Giải pháp nào cho việc bỏ biên chế suốt đời.

Thứ nhất: Những khu vực miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn cần duy trì chính sách hợp đồng không thời hạn như hiện nay để tạo sự ổn định cho phát triển giáo dục và tạo sự gắn bó lâu dài của người thầy đối với những vùng khó khăn.

Thực tế, số lượng giáo viên công tác ở những khu vực khó khăn hiện nay chỉ chiếm một tỉ lệ rất ít trong tổng thể biên chế ngành giáo dục.

Thứ hai: Thi tuyển toàn bộ lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục (sở, phòng giáo dục, ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn), mỗi nhiệm kỳ chỉ nên kéo dài 4 năm, không để các cá nhân ngồi quá lâu ở một vị trí sẽ gây nên những tiêu cực cho ngành.

Thi thố kiểu này không tuyển được giáo viên giỏi còn làm khổ học sinh

Đội ngũ lãnh đạo quản lý này sẽ đánh giá cấp dưới của mình hàng năm một cách công tâm, khoa học.

Cơ chế giám sát lẫn nhau phải được xây dựng rõ ràng, ai yếu kém, ai nhũng nhiễu cần loại bỏ để tránh tình trạng chuyển từ “chạy” biên chế suốt đời sang “chạy” hợp đồng hàng năm.

Tránh tư tưởng hiệu trưởng nhà trường là vua một cõi, bè phái để giữ người của mình, loại trừ người ngay thẳng.

Thứ ba: Chất lượng giảng dạy của giáo viên được đánh giá qua kết quả đào tạo bằng việc kiểm tra định sẽ là đề chung của đơn vị và kết quả đầu ra của mỗi cấp học.

Người nào làm tốt có tuyên dương, hưởng theo năng lực, người nào yếu kém hơn thì chế độ lương bổng thấp hơn và nếu cần thiết sẽ thanh lý hợp đồng. Có thể phân công giáo viên dạy theo lớp cho đến hết cấp nhằm đánh giá cả một quá trình trong một chu kỳ nhất định.

Thứ tư: Có những chính sách phù hợp, bình đẳng để phát triển hệ thống trường tư thục nhằm giảm được gánh nặng về ngân sách mà còn thúc đẩy được chất lượng giáo dục ngày một tốt hơn.

Lời kết

Ngày sáng 17/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật viên chức tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là điều hoàn toàn phù hợp.

Những điểm mới là bỏ chế độ hợp đồng không xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới.

Sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức hiện nay cũng là một điều cần thiết.

Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên chắc chắn sẽ gặp nhiều ý kiến trái chiều vì đã đụng chạm đến quyền lợi của hàng triệu con người. Nhưng, có lẽ chúng ta không thể duy trì mãi một “sản phẩm” của thời bao cấp.

Bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên nói riêng và với tất cả các ngành đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước nói chung là xu thế tất yếu không thể không làm trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

THANH AN