Bóng đá Việt và giấc mơ World Cup hão

01/03/2012 18:24
Duy Nguyễn (VNN)
Không thể đòi hỏi ngay sự hoan hỉ khi bóng đá Việt mới thực sự có bước ngoặt để đời ở mùa giải năm nay, với sự ra đời của VPF, kèm theo cái tên Super League. Nhưng không ít người bắt đầu hoài nghi rồi lờ mờ nhận ra, hình như từ lúc "lên đời", xung quanh cái môn thể thao với đầy tinh thần sảng khoái và mê say này, ngày một "rối"...
Hi vọng lắm để rồi thất vọng Nhìn vào mỗi cái tên, rất khó có thể nói đó là người tốt hay xấu. Và đương nhiên, dù thay tên đổi họ thì bản chất cũng khó có thế biến từ người tốt thành kẻ gian, hay ngược lại...V-League, Super League hoặc có như thế nào đi chăng nữa thì bóng đá Việt cũng vẫn vậy, tức chẳng thể khá hơn.

1. Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm mang cái tên V-League, gắn mác "lên chuyên", bóng đá Việt gặt được những gì? Gần như là rất ít hay muốn nói rằng, chẳng khá hơn so với khi còn là giải VĐQG.
Với sự lên chuyên, các cầu thủ thực sự đổi đời.
Với sự lên chuyên, các cầu thủ thực sự đổi đời.
Nói như thế không có nghĩa phủ nhận hoàn toàn, bởi kể từ khi trở thành một giải đấu chuyên nghiệp ấy, những ai theo nghiệp quần đùi áo số không phải khổ cực, gian nan và "hẻo" như các bậc cha chú, hay đàn anh như trước. Thay vào đó, họ thực sự được "lên đời".

Nhờ sự ra tay của các nhà đầu tư, các doanh nhân đổ tiền vào bóng đá, nhiều cầu thủ nhận lương, thưởng cao ngất ngưởng. Họ không còn phải lo cơm áo gạo tiền cho "hậu phương". Thay vào đó, đời sống được cải thiện đáng kể. Chuyện cầu thủ có nhà lầu, xe hơi hạng sang là chuyện bình thường,...

Tuy nhiên, công tâm mà nói, chất lượng giải đấu cũng như cung cách quản lý, phát triển của bóng đá Việt đã không theo kịp, không tương xứng với sự lên giá, tăng vọt của đồng tiền.

Vẫn "lôm côm" trong cách quản lý và điều hành giải đấu, tiêu cực vẫn xảy ra như cơm bữa, và đương nhiên chất lượng của cầu thủ, hay của cả nền bóng đá tiếp tục đứng yên, nếu như không muốn nói là thụt lùi.

Thế nên, dù là V-League hay giải VĐQG, hoặc A1 gì gì đó cũng có khác không nếu chúng ta vẫn rối ren trong cách quản lý?

2. Mùa bóng 2012, giải đấu cao nhất của nước nhà đã chính thức được đổi tên, mang tầm vóc hơn hẳn: Super League - Giải Ngoại hạng Bóng đá VN.
Bóng đá Việt cũng khác đi với sự gia nhập của các cầu thủ nước ngoài.
Bóng đá Việt cũng khác đi với sự gia nhập của các cầu thủ nước ngoài.
Người hâm mộ kỳ vọng rất nhiều vào sự thay đổi này sau nhiều mùa giải "chịu đựng" những vấn đề cũ, tức tiêu cực và quá nhiều chuyện liên quan tới sự lụp chụp trong quản lý.

Nhưng thử xem sau vài vòng đấu, chính xác hơn là 5 lượt trận giải đấu được mang tên mới đã thay đổi được những gì? Khó có thể nói chính xác sự đổi mới, tuy nhiên "câu chuyện cũ và buồn" bấy lâu của bóng đá nước nhà vẫn tiếp diễn.

Cầu thủ vẫn đánh nhau, và chơi một thứ bóng đá bạo lực, trọng tài vẫn là nỗi sợ hãi của các đội bóng, hoặc khán giả quay lưng với giải tiếp tục là câu chuyện nóng hổi của từng vòng đấu.

Với tên mới, bộ máy quản lý mới cần có thời gian thật, nhưng cũng không dễ khi nhiều "thói quen" (xấu nhiều hơn tốt" đã ăn sâu vào bóng đá Việt, theo đúng kiểu "phép vua thua lệ làng". Và thế là cái "làng" bóng đá VN vẫn cứ mãi ì oạp ở... ao làng!

3. Ai cũng biết, cái tên Super League ra đời là từ tâm huyết của những "đại gia" hàng yêu bóng đá, mang theo sự kỳ vọng của hàng triệu trái tim người hâm mộ nước nhà.
Nhưng chất lượng thì sao? Chúng ta đang chững lại nếu không muốn nói là thụt lùi...
Nhưng chất lượng thì sao? Chúng ta đang chững lại nếu không muốn nói là thụt lùi...
Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng, dù môn thể thao Vua ở nước ta có được nâng lên tầm cao mới qua cái tên thì "bản chất" gần như vẫn vậy, tức vẫn yếu và kém ở chất lượng, trong cách quản lý.

Đành rằng, tự an ủi nhau, "cần phải có thời gian". Nhưng cái thời gian ấy là bao lâu và có khả thi không, khi mọi thứ đang đụng nhau chan chát và không tìm được tiếng nói chung?

Với VPF thì có thể bảo là do mới nhận trách nhiệm điều hành giải trong thời gian quá ngắn, và bận phải quay sang trái tranh luận với VFF, rồi đồng thời phải quay qua phải thương thảo với AVG trong thương quyền truyền hình. Thôi thì mọi thứ cứ rối tung lên...

Nhưng còn VFF thì sao? Tổ chức xã hội nghề nghiệp này đã có thời gian không thể nói là ngắn, thậm chí quá dài để có thể đưa bóng đá Việt Nam đi qua thời kỳ quá độ.

Nhưng rốt cuộc, với cách quản lý và điều hành của một bộ máy mà nói như cựu Chủ tịch của tổ chức này là "thấp hơn mặt xã hội" đã khiến BĐVN rơi từ vòng xoáy này tới mớ bùng nhùng khác.

Và bởi vậy, không phải giờ nhiều người mới biết bóng đá Việt dù có thay "tên" nào đi chăng nữa thì cũng chẳng thể có "tuổi", dù đã có lúc người ta đã mơ tới... World Cup!
Duy Nguyễn (VNN)