"Cầu thị" theo cách của VFF

12/09/2011 08:12
Nguyễn Nguyễn
(GDVN) - Một ngày sau khi chịu cảnh ‘rát tai’ trong buổi lễ tổng kết mùa giải, VFF tiến hành phiên họp ban chấp hành định kỳ.
Không phải tới khi ‘bầu Kiên’ lên tiếng, người hâm mộ mới bắt đầu bức xúc về thực trạng của bóng đá nước nhà. Bao năm qua, người ta đã chán ngấy việc phản kháng lại cái bức tranh xấu xí của V-League nhưng phát biểu hùng hồn và thẳng thắn của một ‘ông bầu’ đã châm ngòi cho một làn sóng phản kháng mạnh mẽ mới.


Dư luận rên xiết và chờ đợi một điều mới mẻ từ cuộc họp BCH VFF thì kết quả của nó lại chỉ gây thất vọng. Tuyệt nhiên không có một quyết định thôi việc hay lá đơn từ chức nào được đệ lên và theo lời của Phó chủ tịch Nguyễn Lân Trung thì: “VFF chỉ bàn cách để làm giải đấu trở nên tốt hơn chứ không hề bàn tới các vấn đề nhân sự”.
Người hâm mộ cần nhiều hơn từ VFF. Ảnh: Quang Minh
Người hâm mộ cần nhiều hơn từ VFF. Ảnh: Quang Minh

Thu hoạch lớn nhất của VFF trong cuộc họp định kỳ này có lẽ chỉ là quyết định lập ra Bộ phận giải quyết tranh chấp quốc gia mà theo lời của ông Trung thì nhằm mục đích “giải quyết các tranh chấp về bóng đá ở trong nước, tránh các khiếu kiện có tham gia của nước ngoài”. Theo lý giải của ông PCT phụ trách phòng thông tin - tuyên truyền này thì khi VFF đã thành lập được bộ phận này rồi thì sẽ tránh được sự can thiệp từ bên ngoài vào các khiếu kiện đã được giải quyết, trừ các khiếu kiện có liên quan đến các yếu tố nước ngoài.

Và khi đó thì những người bức xúc với VFF và các vấn đề tồn tại của bóng đá Việt Nam như ‘bầu Kiên’ sẽ không có quyền khiếu kiện lên FIFA hay là AFC.

Cũng trong cuộc họp BCH VFF, một quyết định được đưa ra là “VFF cần phải thể hiện chính kiến của mình bằng văn bản đối với dư luận có thể ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của VFF” (vẫn theo lời ông Nguyễn Lân Trung). Tức là, VFF sẽ phản ứng bằng văn bản với những bài báo làm xấu đi hình ảnh của VFF, chẳng hạn như trong ngày hôm ấy, VFF đã gửi công văn lên cơ quan quản lý báo chí để phản ứng về một tờ báo ‘dám’ giật tít: “Thực trạng thối nát của bóng đá Việt Nam”.

Như vậy, có vẻ như các nhà lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam đang muốn bằng nhiều cách bảo vệ hình ảnh của mình hơn là tìm cách xây dựng lại hình ảnh ấy bằng những biện pháp cương quyết và cứng rắn theo lời Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng (ông Dũng tuyên bố: “BCH VFF sẽ họp để đánh giá. Ai không đáp ứng được yêu cầu thì thải luôn”).

VFF cũng khẳng định sẽ cầu thị tiếp thu ý kiến của các thành viên và các CLB. Chẳng hạn với ý kiến của ‘bầu Kiên’, VFF đang ra sức truy tìm sự thật của “vụ án 500 triệu” nhưng lại hoàn toàn im lặng về những nỗi bức xúc khác xung quanh việc sử dụng khoản tài trợ 30 tỷ từ Eximbank; việc không công khai tiền bản quyền truyền hình V-League và chuyện ký kết bản hợp đồng độc quyền phát sóng trong thời gian dài kỷ lục - 20 năm, với AVG…

VFF cũng không thể trả lời những câu hỏi thẳng thắn của giới báo chí. Có thể kể ra ở đây: "Hòa Phát Hà Nội bỏ giải và nhiều CLB muốn tách ra lập giải đấu riêng có phải là thất bại của VFF?"; “Liệu một CLB phá sản có phải là bình thường không? Ở Anh, khi CLB Portsmouth phá sản, thị trưởng thành phố và chủ tịch Liên đoàn đã phải từ chức?”; “PCT VFF Nguyễn Lân Trung nói CLB thay tên hiệu là bình thường, nhưng PCT Phạm Ngọc Viễn lại khẳng định nó không bình thường?”…

Xâu chuỗi các vấn đề lại để thấy rằng cách thức VFF xử lý tình huống chưa làm hài lòng những người yêu bóng đá và tâm huyết với bóng đá nước nhà, nếu như không muốn nói là không thỏa đáng.

Người hâm mộ cần nhiều hơn thế từ VFF.
Nguyễn Nguyễn