Hợp đồng VFF - AVG có vô hiệu?

02/02/2012 07:20
Theo Phapluatvn
Quan điểm của Luật sư Mai Xuân Hương, Giám đốc Công ty Luật Nam An cho rằng hợp đồng VFF-AVG đáp ứng đủ 3 tiêu chí pháp luật đề ra...
Câu chuyện thương quyền truyền hình giữa AVG – VFF và VPF là “tâm điểm”dư luận trước Tết nguyên đán giờ tiếp tục “nóng” trở lại vào những ngày đầu Xuân với sự “vào cuộc” của nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý. Chúng tôi xin chia sẻ với độc giả góc nhìn pháp lý về bản hợp đồng VFF- AVG qua cuộc trao đổi với Luật sư.


PV: Trước tiên, xin luật sư cho biết theo các quy định pháp luật dân sự hiện hành thì điều kiện để một giao dịch dân sự có hiệu lực là gì?

LS: Điều 122 Bộ luật Dân sự (BLDS) đã quy định rõ một giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện một là người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự, hai là mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, ba là người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
AVG khẳng định, VPF không có quyền sở hữu giải đấu.
AVG khẳng định, VPF không có quyền sở hữu giải đấu.
PV:  Vậy quan điểm của ông thế nào trước một số ý kiến như ý kiến của luật sư Trương Xuân Tám, LS Vũ Công Dũng cho rằng hợp đồng AVG-VFF vi phạm luật dân sự?

LS: Để có đủ cơ sở kết luận một hợp đồng đã ký kết có vi phạm pháp luật hay không phải có đủ hồ sơ để nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, với những thông tin có được thông qua báo chí thời gian qua, tôi cho rằng cần soi chiếu hợp đồng AVG-VFF theo các tiêu chí mà pháp luật đã đề ra. Cụ thể:

Với điều kiện về năng lực của chủ thể: VFF là pháp nhân được thành lập hợp pháp (Điều lệ của VFF đã được Bộ Nội vụ phê duyệt ngày 19/3/2010), có quyền sở hữu đối với thương quyền truyền hình (Điều 53 Luật Thể dục Thể thao). AVG là pháp nhân được thành lập hợp pháp (có đăng ký kinh doanh) và có đăng ký ngành nghề mua bán, chuyển nhượng bản quyền chương trình, sự kiện thể thao văn hóa.

Với điều kiện về mục đích và nội dung của giao dịch: Theo thông tin trên báo chí thì hợp đồng này là hợp đồng chuyển nhượng thương quyền truyền hình. Giao dịch này không phải là mới vì đã có nhiều thông lệ rồi, ví dụ như Cát Tiên Sa mua bản quyền các chương trình game show như Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo,.. hay BHD mua bản quyền chương trình Ai là triệu phú, Trò chơi âm nhạc,.. để Việt hóa rồi phát lại trên truyền hình.

Với điều kiện thứ ba về tính tự nguyện của các bên trong giao dịch. Cũng theo thông tin báo chí cung cấp thì trước khi ký kết hợp đồng, cả AVG và VFF đều đã xin ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hai bên đã đàm phán trong cả năm trời trước khi ký kết hợp đồng và sau khi ký hợp đồng, hai bên còn tổ chức họp báo chung để công bố kết quả.

PV:  Còn hình thức giao dịch có vai trò như thế nào, thưa ông? Như hợp đồng AVG – VFF liệu có phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền?

LS:  Trước đây, trong giai đoạn Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 (HĐKT) có hiệu lực, pháp luật quy định tất cả hợp đồng hoặc phải làm chứng thư hoặc phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, đối với việc chứng thư, các bên có quyền thoả thuận và đưa HĐKT đến làm chứng thư tại một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, còn đối với việc đăng ký, chỉ thực hiện đối với một số loại hợp đồng kinh tế theo quy định của pháp luật (Điều 6 Pháp lệnh HĐKT).

Hầu hết các loại HĐKT thông thường cũng không phải đăng ký ở bất cứ một cơ quan nào. Tuy nhiên, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế là sản phẩm của nền kinh tế bao cấp cũ và đã hết hiệu lực thi hành.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về hợp đồng (BLDS) thì tự do hợp đồng là nguyên tắc chủ yếu trong các giao dịch dân sự, thương mại. Với các trường hợp đặc biệt BLDS (Điều 124) quy định “trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó”.

Rà soát các quy định hiện hành cho thấy hiện nay việc công chứng hợp đồng chỉ áp dụng đối với một số loại hợp đồng mua bán, cho thuê, cho, cho mượn các đối tượng là quyền sử dụng đất, bất động sản, hợp đồng bảo lãnh, v.v.

Còn việc đăng ký hợp đồng chỉ còn thực hiện đối với một số loại hợp đồng như hợp đồng chuyển giao công nghệ (theo Luật Chuyển giao công nghệ); hợp đồng lao động giữa người thuê/sử dụng với nhân viên bay chuyên nghiệp (theo Luật Hàng không dân dụng); Hợp đồng cung ứng lao động giữa tổ chức Việt Nam với nước ngoài về việc đưa lao động Việt Nam ra làm việc ở nước ngoài (theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng); hợp đồng gia công hàng hoá với nước ngoài (theo quy định tại Thông tư 116/2008/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công với thương nhân nước ngoài); hợp đồng theo mẫu đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu (theo quy định tại Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg về việc ban hành danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung).

Cả luật chung (Bộ luật Dân sự) và luật riêng (Luật Thể dục Thể thao) đều không có quy định hợp đồng trong lĩnh vực thương quyền truyền hình các giải thi đấu thể thao phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Xin cảm ơn luật sư!

Theo Phapluatvn