'Văn hoá biểu quyết' của các sếp VFF

26/12/2011 11:27
Nguyễn Nguyên (Lao Động)
Năm 1996, trước khi đội tuyển VN lên đường tham dự Tiger Cup 1996, tại khách sạn Đồng Khánh (TPHCM) Ban chấp hành VFF họp trong không khí dự tiệc.

Mọi người bàn chuyện làm thế nào để “trảm” HLV Weigang (đang là HLV trưởng đội tuyển VN). Rất nhiều lý do được đưa ra, trong đó có lý do VFF không “trị” được HLV này. Cuối cùng vì không cá nhân nào chịu quyết nên hội nghị đưa ra ý kiến tập thể, và tất cả cùng giơ tay đồng ý.
VFF muốn "trảm" HLV Goetz.
VFF muốn "trảm" HLV Goetz.

Sau đó cả ban chấp hành đã có chuyến du hí tại Singapore xem đội tuyển VN đá Tiger Cup 1996 rồi chờ “trảm tướng” với tư tưởng “tập thể đã quyết” ngay sau giải.

Đội tuyển VN tưởng bị loại ở vòng bảng sau khi hòa Lào 1-1 lại bất ngờ thắng Myanmar vào bán kết và cuối cùng đoạt HCĐ. Ngày đội tuyển trở về, người hâm mộ tràn ra đường chào đón, còn các vị trong ban chấp hành thì mặt méo bởi “tập thể đã quyết”, nhưng không khí mừng công như thế thì đâu dám “trảm” ông Weigang. Thế nên khi trả lời báo chí tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng thư ký Trần Bảy lúc đấy nói rằng: “... Éo le thay đội tuyển lại đoạt HCĐ nên việc “trảm” ông Weigang không thành...”.

Văn hoá biểu quyết với chiêu bài tập thể ấy đã lặp lại ở nhiệm kỳ VI để “bứng ghế” HLV Goetz và giữ ghế cho ông Trần Quốc Tuấn. Thứ văn hoá mà tuần qua đã bị dư luận phản ứng dữ dội vì nó làm mất thể diện VFF và có thể còn làm ảnh hưởng tới một nền bóng đá, nhất là ông Goetz lại được tiến cử từ LĐBĐ Đức.

Sa thải ông Goetz không sai, nhưng cách mà VFF vận dụng sau lời hứa của vị quan chức đứng đầu VFF với chính ông Goetz (rằng sẽ đảm bảo chiếc ghế của ông đến sau AFF Cup 2012) lại cho thấy VFF chơi trò rất kịch.

Hồi thuê ông Goetz hay hồi chọn ông Trần Quốc Tuấn ngồi vào ghế đâu có cần cánh tay nào giơ lên? Thế nên việc giữ ghế một người và đá ghế một người sao cứ phải cần đến tập thể?

Có phải vì lỗi tập thể nếu có tức không có cá nhân nào phải nhận lỗi?
Nguyễn Nguyên (Lao Động)