Buồn cười vì VFF không muốn ‘sản xuất’ Ronaldo, Messi…

12/10/2012 09:18
Nguyễn Minh Đức
(GDVN) - Vài năm trước, trên một sân vận động xuất hiện một tấm băng rôn mang tính mỉa mai VFF: “VFF: Vietnam Funny Football” (tạm dịch: Việt Nam bóng đá buồn cười).
Ngẫm ra mới thấy nội dung tấm băng rôn này đôi khi cũng… đúng, bởi bóng đá Việt Nam đôi khi cũng thật buồn cười. Chẳng hạn với cái quy định 25 tuổi mới được chuyển nhượng mà VFF mới thông qua trong Đại hội thường niên và sẽ sớm được đưa vào Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Đó là một ‘phát kiến’ mới đầy ngẫu hứng khi một vị GĐĐH CLB đưa ra và tất cả đều gật đầu và biểu quyết (đừng quên rằng các ông bầu từng nhất trí 100% ra đời Công ty VPF điều hành các giải bóng đá quốc gia để rồi chưa đầy một năm sau quay lại công kích nhau, thậm chí dọa bỏ giải).

Bóng đá Việt Nam đôi lúc cũng... buồn cười.
Bóng đá Việt Nam đôi lúc cũng... buồn cười.

Buồn cười nhất là ở chỗ những người làm bóng đá cũng như các nhà quản lý bóng đá Việt Nam dường như không muốn xuất hiện một tài năng lớn như Ronaldo, Messi…

Ronaldo mới 18 tuổi đã rời Sporting Lisbon để chuyển đến M.U thi đấu. 23 tuổi anh đoạt cú đúp Quả bóng Vàng - Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Nếu 25 tuổi Ronaldo mới được rời Bồ Đào Nha, sẽ không có Ronaldo của ngày hôm nay.

Giống như Ronaldo, Rooney 19 tuổi đã gia nhập M.U. Nếu 25 tuổi Rooney vẫn còn đá cho Everton, anh có lẽ vẫn là một tiền đạo cỡ trung bình khá ở giải Ngoại hạng Anh.

Del Piero? Điều gì xảy ra nếu 25 tuổi anh mới rời Padova để tới chơi cho Juventus? Maradona? Ai biết đến anh nếu chỉ quanh quẩn ở Argentinos Juniors và Boca Juniors? Sở dĩ những Ronaldo béo, Messi, Kaka, Fabregas... thành danh là bởi đã sớm rời cái ‘tổ chim non’ để bay vào thế giới rộng lớn.

Trong khi đó ở Việt Nam, cầu thủ 28-29 tuổi đã được xem là lão tướng, thậm chí là ‘hết date’.

Vậy thì, một đội bóng chi bạc tỷ mua một cầu thủ 25 tuổi để làm gì nếu anh ta chỉ cống hiến được 3 năm? Đó là chưa kể do cầu thủ 25 tuổi mới được chuyển nhượng tự do sẽ khiến ‘nguồn hàng’ khan hiếm và giá cả bị đẩy lên rất cao. Tức là giải VĐQG Việt Nam vô hình trung sẽ trở thành một giải đấu ‘đóng’ theo kiểu tự cung tự cấp, các CLB tự ‘sản xuất’ cầu thủ để ‘sử dụng’ và giống như bóng đá thời bao cấp.

VFF đôi khi đưa ra những quyết định không-giống-ai.
VFF đôi khi đưa ra những quyết định không-giống-ai.

VFF đang tự biến mình thành một ‘Vietnam Funny Football’, những nhà quản lý bóng đá không giống ai với những quyết định cũng chẳng giống ai. Nhưng cái quy định không giống ai ấy rõ ràng là có vấn đề, chỉ cần 1-2 cầu thủ kiện lên cấp quản lý bóng đá cao hơn như AFC, FIFA và thậm chí CAS (Tòa án trọng tài thể thao thế giới), VFF sẽ bị ‘tuýt còi’.

Và còn nữa, biết đâu FIFA sẽ thanh tra về mô hình tổ chức VFF, và nhận ra rằng có những thành viên điều hành VFF là người của cơ quan quản lý nhà nước, trái với điều lệ FIFA.

Và FIFA chắc chắn cũng sẽ rất sốc nếu biết rằng gói tài trợ 400.000 USD của họ cho VFF xây trụ sở ở số 18 Lý Văn Phức nay đã bị bỏ hoang, thậm chí được trưng dụng làm… sàn nhảy hàng đêm xập xình tiếng nhạc.

Bóng đá Việt Nam đang rơi vào bế tắc và rất khó tìm thấy lối ra.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến về bài viết này.
Nguyễn Minh Đức