Quảng Ninh: Gắn kết “5 nhà” trong đào tạo và giải quyết việc làm đối với GDNN

30/10/2022 06:46
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giải pháp gắn kết "5 nhà" trong đào tạo nghề góp phần giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thực trạng giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Ninh

Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương trong cả nước đang trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng, hệ thống thông tin thị trường lao động còn nhiều hạn chế.

Theo số liệu thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 17.142 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc. Số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 110 dự án (40 dự án trong nước, 70 dự án FDI).

Hằng năm, lực lượng lao động tỉnh cần bổ sung từ khoảng 30.000 đến 60.000 lao động. Nhu cầu nhân lực dự kiến đến năm 2025 cần 821,94 ngàn người và năm 2030 cần 874,25 ngàn người.

Trong đó, tập trung ở một số lĩnh vực chủ yếu như: chế biến chế tạo; vận tải, kho bãi, logictic; dịch vụ du lịch;….

Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương trong cả nước đang trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng. (Ảnh: Phạm Linh)

Quảng Ninh cũng như nhiều địa phương trong cả nước đang trong bối cảnh thiếu hụt lao động có kỹ năng. (Ảnh: Phạm Linh)

Theo ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong những năm qua, việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 64,5% (năm 2015) lên 85% (năm 2021).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác phối hợp còn một số tồn tại hạn chế về hoạt động giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động như việc đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chưa thực sự được quan tâm (chủ yếu tập trung ở việc tuyển dụng những học viên chuẩn bị tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp).

Hoạt động xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cũng còn hạn chế do số doanh nghiệp tham gia phối hợp với cơ sở đào tạo chưa nhiều (hiện chỉ có khoảng 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có hoạt động phối hợp với các cơ sở đào tạo).

Về hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đang làm việc tại doanh nghiệp, ngoài các doanh nghiệp trong ngành than, công tác phối hợp hoạt động tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đang làm việc tại doanh nghiệp chưa sâu, rộng. Số lượng doanh nghiệp tham gia phối hợp còn ít.

Ngoài ra, việc bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp để tham gia phối hợp đào tạo cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, nguồn lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trình độ tổ chức quản lý, sử dụng cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật phục vụ cho sản xuất chưa thật sự hiệu quả, còn thiếu nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có kỹ năng và tay nghề cao.

Vậy, để nâng cao tay nghề cho người lao động, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp cần phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa.

Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp cần phải được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động. (Ảnh: Phạm Linh)

Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp là một giải pháp cần phải được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động. (Ảnh: Phạm Linh)

Làm sao để phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp?

Đây cũng là câu hỏi được đặt ra trong Hội thảo “Gắn kết 5 nhà ‘Nhà nước – nhà trường – nhà khoa học – nhà tuyển dụng – nhà đầu tư’ trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Ninh tổ chức.

Tại hội thảo, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện gắn kết giữa các doanh nghiệp với các sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các sở, ngành liên quan sẽ đưa ra những giải pháp nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, gắn kết giữa “5 nhà” trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và giải quyết việc làm sau đào tạo.

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm “Phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Trong đó một trong những giải pháp mà chiến lược đưa ra là gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động”.

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh vai trò gắn kết "5 nhà" trong đào tạo nghề. (Ảnh: Phạm Linh)

Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh vai trò gắn kết "5 nhà" trong đào tạo nghề. (Ảnh: Phạm Linh)

Trọng tâm của việc thực hiện chiến lược giáo dục nghề nghiệp bao gồm việc xây dựng và thực thi cơ chế hợp tác hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội,...

Xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Trong đó, chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực, phát triển các quy trình, công cụ thu thập, cập nhật và tổng hợp dữ liệu, thông tin về cung, cầu đào tạo nghề nghiệp để đẩy mạnh hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

Đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, việc đẩy nhanh chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ cũng là một trong số những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chiến lược giáo dục nghề nghiệp.

Phạm Linh