Các nhà báo quốc nội nói gì về “Nhà báo quốc tế”?

09/05/2019 07:24
Xuân Dương
(GDVN) - Vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm không chỉ về nhân vật Lê Hoàng Anh Tuấn mà còn là những quan chức/cơ quan đã kết nạp, giới thiệu người này..

Tạp chí “Người làm báo điện tử” (Nguoilambao.vn) do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam làm Tổng biên tập, số ra ngày 27/02/2019 có bài: “Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn: “Ăn quả nhớ người trồng cây” ”. [1]

Nhìn trên màn hình, bên dưới dòng chữ “Làm báo Online” có ghi “Hội nhà báo Việt Nam”, thế có nghĩa là tạp chí này trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.

Ảnh chụp màn hình bài báo nêu trên lúc 9 giờ 12 phút ngày 07/05/2019
Ảnh chụp màn hình bài báo nêu trên lúc 9 giờ 12 phút ngày 07/05/2019

Bài báo cho thấy một người tên là Lê Hoàng Anh Tuấn, xưng danh là “Nhà báo Quốc tế, Thạc sĩ Luật học, Tiến sĩ Triết học danh dự Vương Quốc Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác Quốc tế” đến thăm một trường trung học phổ thông tại  huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Không chỉ có vậy, trên Tạp chí mặt trận, bản điện tử (www.tapchimattran.vn), cơ quan của Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam ngày 18/8/2018 cũng có bài ca ngợi "Nhà báo quốc tế" với tiêu đề "Nhà báo Quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn giành giải thưởng báo chí tại Châu Âu"

Bài báo này giờ đã được xóa bỏ. (6)

Bài báo về Đỗ Hoàng Anh Tuấn trên Tạp chí mặt trận đã bị xóa bỏ. Ảnh chụp màn hình.
Bài báo về Đỗ Hoàng Anh Tuấn trên Tạp chí mặt trận đã bị xóa bỏ. Ảnh chụp màn hình.

Vậy “Nhà báo quốc tế, thạc sĩ, tiến sĩ” Lê Hoàng Anh Tuấn là ai?

Báo điện tử Vietnamnet.vn đã nói về khái niệm “Nhà báo quốc tế”: “Ông Lê Hoàng Anh Tuấn xưng danh 'nhà báo quốc tế' là lộng danh” nên không phải bàn luận thêm nữa.

Cũng Vietnamnet.vn thông tin: “Đại diện Viện báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền khẳng định ông Lê Hoàng Anh Tuấn, phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế nằm trong danh sách giảng viên thỉnh giảng của Viện”. [2]

Lê Hoàng Anh Tuấn giảng dạy tại lớp Báo in 37B Học viện Chính trị Quân sự. Ảnh: NVCC (Ảnh và chú thích trên Tạp chí Nguoilambao.vn)
Lê Hoàng Anh Tuấn giảng dạy tại lớp Báo in 37B Học viện Chính trị Quân sự. Ảnh: NVCC (Ảnh và chú thích trên Tạp chí Nguoilambao.vn)

Thông tin trên một bài báo khác của tạp chí Nguoilambao.vn cho thấy vị “Nhà báo quốc tế” này đang giảng dạy tại lớp Báo in 37B Học viện Chính trị Quân sự. [3]

Chính trong bài báo này quá trình đào tạo của vị “tiến sĩ, nhà báo quốc tế” được liệt kê, xin trích một số đoạn:

Đại học Tổng hợp VSB, Séc (2008 – 2010): Hệ Cao học, Chuyên ngành Quản lý Hành chính Nhà nước; Đại học Tổng hợp VSB, Séc (2004 – 2008): Hệ Đại học chính quy, Chuyên ngành Quản lý Nhân sự; Đại học Sư phạm Ostrava, Séc (2001 – 2004): Khoa Triết, Chuyên ngành Ngôn ngữ học (tiếng Séc); Hiện đang học Tiến sĩ tại Học viện Ngoại giao, chuyên ngành Quan hệ quốc tế.

Tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, thứ nhất là Cổng thông tin (Studyin.cz) do Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Giáo dục Cộng hòa Séc quản lý, phần giới thiệu về các khoa chuyên môn của Đại học Kỹ thuật Ostrava (VŠB) như sau: [4]

Tên trường: Vysoká škola báňská - Technická univerzita Ostrava (VŠB-TUO):

Tên các khoa:

- Ekonomická fakulta - Khoa Kinh tế;

- Fakulta stavební - Khoa Xây dựng;

- Fakulta Strojní - Khoa Cơ khí;

- Fakulta elektrotechniky a informationatiky - Khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính;

- Hornicko-geologická fakulta - Khoa Khai thác và Địa chất;

- Fakulta materiálově-technologická - Khoa Luyện kim và Kỹ thuật Vật liệu;

- Fakulta bezpečnostního inženýrství - Khoa Kỹ thuật An toàn.

Nguồn thứ hai là website (tiếng Séc) tại địa chỉ https://www.vsb.cz/cs/ của đại học VŠB cho thấy đại học này có 7 khoa kỹ thuật dựa vào cụm từ “na 7 fakultách” ở giữa màn hình, không thấy trường này giới thiệu khoa đào tạo về xã hội.

Ảnh chụp màn hình trang web Đại học Kỹ thuật Ostrava - VŠB
Ảnh chụp màn hình trang web Đại học Kỹ thuật Ostrava - VŠB

Liệu có khả năng tại Cộng hòa Séc hiện tại còn một đại học khác cũng có tên viết tắt là “VSB” hoặc “VŠB” và trường này có khoa đào tạo hai chuyên ngành Quản lý nhà nước và Quản lý Nhân sự?

Vì Tạp chí Nguoilambao.vn liệt kê tên trường mà “nhà báo quốc tế” theo học là VSB chứ không phải là VŠB nên người viết đành phải nỗ lực tìm kiếm, tuy nhiên tất cả các nguồn thông tin liên quan đến đại học VSB hoặc VŠB trên mạng xã hội đều dẫn về Đại học Kỹ thuật Ostrava, một trường có bề dày gần 200 năm và ban đầu là vễ kỹ thuật khai thác mỏ.

Vì người viết không có điều kiện tìm hiểu kỹ nên xin hỏi ông Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo Online đã kiếm chứng thông tin trước khi giới thiệu quá trình đào tạo của “thạc sĩ, tiến sĩ” Lê Hoàng Anh Tuấn?

Đến đây có mấy vấn đề cần làm sáng tỏ:

Thứ nhất, cứ cho rằng “Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn tốt nghiệp đại học và cao học tại Cộng hòa Séc – như giới thiệu trên Tạp chí Người làm báo Online và đang theo học chương trình Tiến sĩ tại Học viện Ngoại giao.

Vậy học vị “tiến sĩ” mà người này viết trên băng rôn là “Tiến sĩ danh dự” của một đại học nào đó tại Vương quốc Anh hay là “tiến sĩ đang học”?

Cơ sở giáo dục đại học Anh quốc trao bằng “Tiến sĩ danh dự” cho Lê Hoàng Anh Tuấn là đại học đã được nước sở tại kiểm định chất lượng hay “đại học rởm”?

Nêu câu hỏi này bởi tại Việt Nam, có quá nhiều vị Tiến sĩ sử dụng bằng “rởm” do các “đại học rởm” cấp đã bị báo chí vạch mặt chỉ tên.

Thông thường “Tiến sĩ danh dự” là cái mà người ta trao cho ai đó chủ yếu vì các quan hệ hoặc cống hiến mang tính xã hội chứ không nhất thiết là sự công nhận về học thuật.

Trong lĩnh vực học thuật không được phép lạm dụng học vị “Tiến sĩ danh dự”, còn nếu dùng nó để khoe khoang thì đó là chuyện cá nhân không đáng bàn luận.

Các nhà báo quốc nội nói gì về “Nhà báo quốc tế”? ảnh 5Học viện Báo chí phủ nhận liên quan, “Nhà báo quốc tế” Anh Tuấn bị tố lừa đảo

Thứ hai, thông tin trên các báo cho thấy vị nhà báo quốc tế này ít nhất đã tham gia giảng dạy tại hai cơ sở giáo dục đại học: Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Chính trị Quân sự.

Giảng viên đại học phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục đại học, tức là ít nhất phải có trình độ thạc sĩ.

Bằng cấp của “Thạc sĩ, Tiến sĩ” mang tên Lê Hoàng Anh Tuấn đều do cơ sở giáo dục nước ngoài (Cộng hòa Séc) cấp nên bắt buộc phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và công nhận trước khi tham gia giảng dạy.

Vậy Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Học viện Chính trị Quân sự đã kiểm tra văn bằng của người này chưa và bằng cấp đó đã được cơ quan chức năng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công nhận hợp chuẩn?

Nếu chưa được công nhận thì dựa vào đâu mà hai Học viện nêu trên cho phép người này tham gia giảng dạy dù chỉ là giảng viên thỉnh giảng?

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm gì trước việc vị “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn trưng ra các chức danh và học vị “thạc sĩ, tiến sĩ” trước hàng nghìn học sinh phổ thông ở Nghệ An?

Nếu đây là các học vị không tương đương hoặc không được công nhận trong hệ thống văn bằng của Việt Nam thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lên tiếng.

Để tránh phụ họa cho một người mà nhiều bài báo cho là có vấn đề về nhân thân, thiết nghĩ Cục Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc trả lời cho người dân được biết, vị “nhà báo quốc tế, thạc sĩ, tiến sĩ” này đang sử dụng văn bằng hợp chuẩn hay văn bằng không được nhà nước Việt Nam công nhận?

Thứ tư, gần 3 tháng sau khi đăng thông tin về cuộc “tri ân”, với vô số ý kiến bóc mẽ trên các phương tiện truyền thông, bài báo vẫn tồn tại trên Nguoilambao.vn và không hề có ý kiến đính chính nào.

Thế có nghĩa là tạp chí “Người làm báo” vẫn bảo lưu quan điểm, rằng Lê Hoàng Anh Tuấn đúng là “Thạc sĩ Luật học, Tiến sĩ Triết học danh dự Vương Quốc Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác Quốc tế”?

Để chứng minh chuyện báo chí “bóc mẽ”, xin trích dẫn thông tin trên Vov.vn:

Theo tìm hiểu của phóng viên VOV thường trú tại Prague (Praha, Thủ đô Cộng hòa Séc – NV), có một tạp chí tên gọi là “Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế” nằm trong một tổ chức được gọi là Hiệp hội Quan hệ quốc tế của châu Âu, đăng ký trụ sở tại Rybná 716/24, 110 00 Prague, CH Séc từ tháng 10 năm 2017…

Theo danh sách mới nhất hiện không còn Hiệp hội Quan hệ quốc tế của châu Âu ở địa chỉ đó.

Tra trên niêm giám có tên Hiệp hội Quan hệ quốc tế của châu Âu nhưng không có số điện thoại hoặc trang web mà chỉ có 7 dòng ngắn ngủi nói về chức năng, trong đó có một dòng nói về việc xuất bản tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.

Phóng viên tiếp tục tra cứu thông tin về Tạp chí theo link của Hiệp hội này là “MK ČR E 23136, ISSN 2570-9542” trên database của Bộ Văn hóa Séc cũng không thấy có chỉ số này”. [5]

Hiện có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội về nhân vật có tên Lê Hoàng Anh Tuấn.

Để tránh sự hiểu lầm không cần thiết, người viết cho rằng Công an nên vào cuộc xác minh nhân thân và trình độ của người này, tránh những thông tin có thể ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của một vị “thạc sĩ, tiến sĩ, nhà báo quốc tế”.

Thiết nghĩ vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm không chỉ về nhân vật Lê Hoàng Anh Tuấn mà còn là những quan chức/cơ quan đã kết nạp, giới thiệu và tham gia cùng người này trong chuyến về Nghệ An “tri ân” trường cũ.

Như thông tin trên tấm băng rôn, sự kiện tại một trường phổ thông ở Nghệ An là chuyện riêng của người có tên là Lê Hoàng Anh Tuấn, những cá nhân xuất hiện cùng người này, (đặc biệt là một số vị có chức vụ như ông Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; ông Tôn Thiện Phương - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An; ông Trần Duy Ngoãn - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An,…) nhằm mục đích gì?

Liệu có phải các vị này đang dùng uy tín cá nhân để PR cho một sự kiện không đáng phải rùm beng nhằm “làm màu” cho một cá nhân hay còn mục đích nào khác?

Tài liệu tham khảo:

[1] http://nguoilambao.vn/nha-bao-quoc-te-le-hoang-anh-tuan-an-qua-nho-nguoi-trong-cay-n12476.html?fbclid=IwAR3XeFrPSc1Nw_t1pXOaaV8Cv2vXgiI7QQ_EYigvDa0-mstGdE22XCCn4Ts

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/vu-nha-bao-quoc-te-le-hoang-anh-tuan-chua-xac-minh-tu-cach-pho-tong-bien-tap-phu-trach-khi-moi-thinh-giang-529245.html

[3] http://nguoilambao.vn/nha-bao-quoc-te-le-hoang-anh-tuan-gianh-giai-thuong-bao-chi-tai-chau-au-n10530.html

 [4] https://portal.studyin.cz/institution/vsb

[5] https://vov.vn/tin-24h/tap-chi-chong-tham-nhung-cua-nha-bao-quoc-te-co-that-hay-khong-906141.vov

(6)http://tapchimattran.vn/404.aspx?aspxerrorpath=%2fthe-gioi%2fnha-bao-quoc-te-le-hoang-anh-tuan-gianh-giai-thuong-bao-chi-tai-chau-au-13392.html và http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:HxzjIiPeOWkJ:tapchimattran.vn/the-gioi/nha-bao-quoc-te-le-hoang-anh-tuan-gianh-giai-thuong-bao-chi-tai-chau-au-13392.html+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=vn

Xuân Dương