Bước sang năm thứ 2 thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ về đào tạo giáo viên theo đơn đặt hàng, đấu thầu, tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai còn nhiều bất cập, nhất là việc chi trả tiền hỗ trợ 3,63 triệu đồng/sinh viên hàng tháng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, thực tế hiện nay, bên cạnh những trường đào tạo sư phạm chậm trễ chi trả hỗ trợ cho sinh viên, trong đó có trường chậm 1 năm học, thì cũng có địa phương sẵn sàng giải ngân để chi trả tiền hỗ trợ theo quy định nhưng từ năm ngoái đến nay vẫn không tuyển đủ số lượng chỉ tiêu địa phương đặt hàng.
Giao 50 chỉ tiêu mà tuyển mãi không đủ
Bàn về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một vị Phó Hiệu trưởng của một đơn vị đào tạo sư phạm hệ cao đẳng về những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách chi trả tiền hỗ trợ cho sinh viên theo Nghị định 116.
Chia sẻ về thực tế triển khai thực hiện Nghị định 116, vị này cho biết, từ tháng 12/2021, trường được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo 50 chỉ tiêu giáo viên trong tổng số sinh viên sư phạm của trường. Tuy nhiên, công tác vận động sinh viên đăng ký học theo diện này không đơn giản.
Ngoài học phí, sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng. (Ảnh: TT). |
“Tính đến cuối tháng 8/2022, trường nhận được 12 hồ sơ đăng ký học theo diện đặt hàng, nhận mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116.
Để đáp ứng đủ số lượng chỉ tiêu đặt hàng của địa phương, trường đã lùi thời gian khai giảng đến cuối tháng 9/2022 để kịp chuẩn bị, vận động sinh viên đăng ký.
Tuy nhiên, quá thời gian này, dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nhưng tính đến ngày 11/11, trường mới chỉ nhận thêm 20 hồ sơ đăng ký.
Khó cho trường là lễ khai giảng chính thức diễn ra vào cuối tháng 11 sắp tới nhưng tình trạng là vẫn chưa tuyển đủ 50 chỉ tiêu đào tạo đặt hàng mà tỉnh giao”, vị này cho biết.
Thực hiện Nghị định 116, năm nay, nhà trường có nhiều đối tượng sinh viên học sư phạm theo học bao gồm: sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội, sinh viên chỉ đăng ký nhận mức hỗ trợ học phí theo Nghị định 116 và sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng của địa phương nhận 3,63 triệu đồng/tháng.
Với những chỉ tiêu còn thiếu, trong quá trình triển khai năm học, trường sẽ tiếp tục tuyên truyền thông tin trên trang website của trường để sinh viên có nhu cầu đăng ký sớm.
“Tuy nhiên, nếu sinh viên không có nguyện vọng đăng ký thì nhà trường cũng không ép buộc”, vị này chia sẻ.
Sẵn sàng giải ngân, cân đối ngân sách nhưng sinh viên từ chối đăng ký nhận
Khó tuyển sinh viên học theo diện đặt hàng đào tạo giáo viên, vị này chỉ ra nguyên nhân là do khi ra trường, sinh viên vẫn phải thi tuyển dù có nằm trong diện đặt hàng hay không. Hơn nữa, đặc thù trường đào tạo sư phạm hệ cao đẳng có phần đông sinh viên đã tốt nghiệp trung cấp, có việc làm, có tiền học nên ít sinh viên mặn mà học theo đơn đặt hàng hay muốn nhận hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng.
“Sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng, ngoài được hỗ trợ tiền học phí còn được nhận thêm 3,63 triệu đồng hàng tháng, nếu sau ra trường có việc làm thì tốt. Còn nếu trường hợp không chắc chắn đi dạy học, làm việc trong ngành giáo dục sau ra trường thì phải bồi hoàn kinh phí, như vậy sẽ lại rất khổ cho các em sinh viên.
Xu hướng hiện nay, sinh viên hoàn toàn có cơ hội tiến xa hơn trong lựa chọn ngành nghề nên nhiều em quan niệm chỉ cần được miễn học phí đã là chính sách phù hợp rồi. Đây cũng là một trong những lý do khiến sinh viên không có nguyện vọng nhận hỗ trợ hàng tháng, công tác tuyển đủ chỉ tiêu tỉnh giao cũng vì vậy mà gặp khó khăn hơn”, vị này chia sẻ.
Cũng theo vị này, từ trước đến nay, nhà trường được tỉnh cấp đầy đủ kinh phí theo đầu biên chế (theo tổng quỹ lương). Hiện tại, dựa trên tổng quỹ lương này, tỉnh sẽ giao thêm khoảng 25% kinh phí để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp của nhà trường.
“Thời gian qua, thực hiện theo tinh thần Nghị định 116, Ủy ban nhân dân tỉnh rất quan và sẵn sàng giải ngân để hỗ trợ kinh phí kịp thời cho sinh viên sư phạm của trường. Với 32 sinh viên làm hồ sơ đăng ký học theo diện đặt hàng của địa phương, nhà trường đang làm các thủ tục để cấp tiền hỗ trợ cho các em theo đúng quy định.
Trường không ở trong cảnh chậm trễ chi trả kinh phí hỗ trợ cho sinh viên bởi số lượng sinh viên sư phạm học theo diện đặt hàng không nhiều như các trường khác”, vị này cho biết.
Có thể thấy, việc thực hiện Nghị định 116 đang được đánh giá là tạo thu hút sinh viên theo học sư phạm, nhất là sinh viên giỏi, xuất sắc. Thế nhưng thực tế, kể cả khi được hỗ trợ kinh phí sinh hoạt hàng tháng đi chăng nữa thì mức độ hấp dẫn của ngành đối với sinh viên vẫn chưa được như kỳ vọng.
Việc chi trả kinh phí sẽ gặp khó đối với các trường có số lượng lớn sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ. Còn đối với trường có số lượng ít sinh viên thì vẫn có thể xoay sở được, quan trọng hơn cả là thời gian nhận hỗ trợ này sẽ theo từng tháng hay gộp tháng, cách thức ra sao.
Nghị định 116 ra đời cách đây 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Do vậy, các địa phương, nhà trường mong muốn phải có hướng dẫn để việc thực hiện chính sách được thuận lợi, có căn cứ để xử lý những tình huống phát sinh nếu có.