Nghệ An dự kiến đặt hàng đào tạo 1.000 sinh viên sư phạm theo Nghị định 116

25/03/2022 06:46
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghệ An xác định, việc xây dựng Đề án là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và từng bước đồng bộ về cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 482/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Qua đó, tỉnh này xác định, việc xây dựng Đề án là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và từng bước đồng bộ về cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay.

Theo đó, Đề án này được ban hành dựa trên các căn cứ thực tiễn, về quy mô mạng lưới trường, lớp và học sinh: Trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh Nghệ An có 1.447 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập với 24.336 lớp/ nhóm trẻ và 818.432 học sinh.

Tỉnh Nghệ An coi việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 là việc hết sức cần thiết. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Tỉnh Nghệ An coi việc phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 là việc hết sức cần thiết. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Dựa trên số liệu đó, trong Đề án này cũng nêu lên dự báo đến năm học 2025-2026, trên toàn tỉnh Nghệ An sẽ có 1.433 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập với 26.852 lớp/ nhóm trẻ và 924.569 học sinh.

Con số dự báo này cho thấy, tỉ lệ trong năm học 2025-2026 so với năm học 2021-2022 thì số trường học sẽ giảm đi khoảng 14 trường, nhưng tăng lên 10,3% về số lớp/ nhóm trẻ, số học sinh cũng tăng lên 12,9%.

Đề án này cũng nêu lên con số đối chiếu giữa quy mô trường, lớp và học sinh với tình hình đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý mầm non, phổ thông công lập của Nghệ An trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, về số lượng cán bộ quản lý mầm non hiện có 1.240 người. Trong đó, có trình độ chuyên môn trên chuẩn là 1.189 (chiếm 95,9%). Số lượng đạt chuẩn là 51 người (chiếm 4,1%). Số lượng có trình độ Lý luận chính trị: Trung cấp là 1.143 người (chiếm 92,2%), sơ cấp là 97 người (chiếm 7,8%).

Tổng số giáo viên mầm non trong năm học 2021-2022 là 9.560, tỉ lệ giáo viên/ lớp trung bình là 1,49. So với mức quy định thì cấp học mầm non còn thiếu 4.605 giáo viên.

Về số lượng cán bộ quản lý bậc phổ thông: Hiện tại, Nghệ An có 2.201 người, chất lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về tiểu học trên chuẩn là 41 người (chiếm 3,6%), đạt chuẩn có 1.062 người (chiếm 92,4%) và chưa đạt chuẩn có 46 người (chiếm 4%).

Còn số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về trung học cơ sở trên chuẩn là 84 người (chiếm 10,5%), đạt chuẩn có 718 người (chiếm 89,5%).

Số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về trung học phổ thông trên chuẩn là 213 người (chiếm 85,2%), đạt chuẩn là 37 người (chiếm 14,8%).

Ngoài ra, số lượng giáo viên ở cấp tiểu học có 12.728 người, với tỉ lệ trung bình là 1,25 giáo viên/ lớp. Như vậy, ở cấp tiểu học (so với quy định là 1,5 giáo viên/ lớp), Nghệ An còn thiếu 2.523 giáo viên.

Ở cấp trung học cơ sở, hiện tại có 10.528 người (so với mức quy định là 1,9 giáo viên/ lớp và 1 tổng phụ trách đội). Như vậy, cấp học trung học cơ sở ở Nghệ An còn thừa 415 giáo viên.

Ở cấp trung học phổ thông, biên chế hiện có là 4.787 giáo viên (so với định mức quy định là 2,25 giáo viên/lớp), cấp học này còn thiếu 1.186 giáo viên...

Ngoài ra, trong Đề án cũng đề cập đến một số mục tiêu đáng chú ý như: Đào tạo sinh viên sư phạm theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Trong đó, tổng số sinh viên sư phạm dự kiến đào tạo là 1.000 sinh viên (sẽ đặt hàng đào tạo giáo viên các môn khó tuyển như: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật cho các địa phương miền núi).

Trong tổng số 1.000 sinh viên này, sẽ được phân ra các giai đoạn đào tạo: Từ năm 2022 đến 2025 dự kiến đào tạo 400 sinh viên và giai đoạn từ 2026 đến 2030 dự kiến đào tạo 600 sinh viên.

Bên cạnh đó, mục tiêu về bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn quốc tế cũng đã được nhắc tới. Cụ thể, sẽ bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, phổ thông về năng lực ngoại ngữ, Tin học theo chuẩn quốc tế.

Đồng thời, bồi dưỡng giáo viên dạy các môn Toán, Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế. Việc này cũng được chia ra thành các giai đoạn: Từ năm 2022 đến 2025 là 500 giáo viên và từ năm 2026 đến 2030 là 500 giáo viên.

Trung Dũng