Chàng trai “thủy tinh”
Chàng trai với nghị lực phi thường được nói đến ở trên là em Nguyễn Đức Quân (sinh năm 2002, học sinh lớp 12A13, Trường Trung học Phổ thông Thái Phiên, Hải Phòng).
Nhắc đến Quân, nhiều bạn bè cùng trang lứa đều thấy cảm phục trước tấm gương vượt lên số phận cùng thành tích học tập ấn tượng.
Nguyễn Đức Quân bị mắc căn bệnh xương thủy tinh từ khi còn nhỏ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Mẹ của nam sinh Quân - bà Trần Thị Thập (sinh năm 1972) không giấu nổi cảm xúc thương cảm cũng như tự hào về người con trai. Theo bà Thập, gia đình bà có hai người con trong đó Quân là con đầu.
Từ khi biết mang thai, bà Thập không thấy có biểu hiện gì lạ. Khi mới chào đời, Quân đã bị gãy tay trái. Đau đớn hơn, trong quá trình thăm khám, điều trị, gia đình bà được bác sĩ chẩn đoán Quân bị mắc bệnh xương thủy tinh.
Thời điểm đó, vợ chồng bà Thập đều là công nhân, đồng lương ít ỏi nhưng vì thương con, ông bà phải vay mượn khắp nơi đưa con đi điều trị.
Thậm chí, căn nhà nhỏ để gia đình có chỗ ra vào mỗi khi nắng mưa ông bà cũng rao bán để có kinh phí chữa trị, mong một điều kỳ diệu sẽ đến với con.
Dẫu vậy, trời không chiều lòng người khi đưa con đi khám ở đâu, ông bà cũng đều nhận được những ánh mắt ái ngại kèm cái lắc đầu cảm thông của các y bác sĩ.
Nhà neo người, con lại bệnh tật, bà Thập phải xin nghỉ việc ở nhà vừa chăm sóc con vừa cất gánh hàng rau bán phụ kinh tế với chồng.
“Khi Quân đến tuổi đi học mẫu giáo, gia đình tôi có đưa cháu đi gửi lớp nhưng biết em mắc bệnh, không trường nào dám nhận.
Gia đình tôi đưa cháu vào gửi tại làng trẻ SOS nhưng chỉ được một thời gian ngắn.
Không thể lúc nào cũng đi muộn về sớm được nên tôi buộc phải nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con”, bà Thập nhớ lại.
Đến tuổi tới trường, mặc dù lo lắng nhưng vợ chồng bà Thập vẫn quyết định cho con đi học. Căn bệnh xương thủy tinh khiến sức khỏe của Quân yếu hơn so với các bạn đồng trang lứa. Tuy vậy, cậu vẫn luôn cố gắng đến trường từng ngày.
Trong ký ức của bà Thập, cậu con trai là người rất ham học, chăm chỉ. Mặc dù nhiều lúc bị ốm nhưng Quân vẫn xin bố mẹ được đến lớp.
“Hơn ai hết, em biết rằng chỉ có cố gắng, nỗ lực em mới theo kịp được các bạn”, Quân chia sẻ.
Nguyễn Đức Quân được mẹ đưa đi thi trong kỳ thi Trung học Phổ thông vừa qua. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nỗ lực vượt lên nghịch cảnh
Cảm thông cho hoàn cảnh éo le của Quân, thầy cô và các bạn đều tạo mọi điều kiện giúp đỡ em trong học tập và cuộc sống.
Từ ngày học tiểu học cho đến cuối cấp trung học cơ sở, Quân không khoẻ nhưng đều tự mình đi lại được.
Không phụ sự kỳ vọng của gia đình, người thân, suốt nhiều năm liền, Quân đều là học sinh giỏi toàn diện của trường.
Biến cố xảy ra năm Quân học lớp 9. Khi đó, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, do không may nên Quân bị té ngã trước cửa phòng thi.
Tai nạn đó khiến Quân bị gãy xương đùi và khiến việc đi lại sau này gặp nhiều khó khăn. Để di chuyển được, cậu phải nhờ vào xe lăn hoặc có người dìu.
“Được cô giáo và bạn bè đưa vào lớp. Dù biết xương đùi đã xuất hiện vấn đề nhưng Quân vẫn nén đau để hoàn thành bài thi trước khi nhập viện”, bà Thập nhớ lại.
Kỳ thi đó, Quân đạt số điểm tuyệt đối 300/300. Cũng chính nhờ thành tích xuất sắc đó cộng với những kết quả ấn tượng trong quá trình học tập nên Quân được tuyển thẳng vào Trường Trung học Phổ thông Thái Phiên.
Căn bệnh xương thủy tinh cũng khiến Quân thường xuyên mắc những căn bệnh về đường hô hấp, tim mạch đặc biệt mỗi khi thời tiết chuyển sang mùa đông.
Tuy sức khỏe yếu, nhưng Quân chưa bao giờ than phiền hay tỏ ra bi quan trong cuộc sống mà cậu luôn cố gắng trau dồi kiến thức bản thân.
Lên bậc trung học phổ thông, Quân vẫn luôn duy trì thành tích học tập ấn tượng khi liên tục là học sinh giỏi của trường đồng thời cậu cũng thường xuyên tham gia các cuộc thi Toán, Tiếng Anh và đoạt giải cao.
Không chỉ học giỏi, Quân còn có niềm đam mê với bộ môn cờ vua. Bản thân cậu từng đoạt giải nhất môn cờ vua cấp quận, cấp thành phố.
Chia sẻ về kinh nghiệm học tập, Quân cho biết bản thân đều cố gắng học thật tốt những môn học trên lớp. Tuy nhiên, nam sinh cũng cho biết mình có đam mê hơn cả với môn Toán.
Quân cho biết: “Với môn học này, ngoài sự đam mê ra thì điều quan trọng là phải nắm vững các lý thuyết, công thức, định nghĩa, nếu có gì chưa hiểu phải mạnh dạn hỏi, trao đổi với thầy cô đồng thời tự rèn luyện kỹ năng bằng việc làm thật nhiều các bài tập”.
Giấc mơ trở thành kỹ sư công nghệ
Bên cạnh sở thích với môn Toán, Quân cũng rất đam mê nghiên cứu khoa học.
Vừa qua, dự án “Khai thác ứng dụng Internet xây dựng mô hình tự học môn Toán nhằm phát huy khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của học sinh trung học phổ thông” đã đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học được tổ chức vào tháng 12/2019.
Do thể trạng yếu, nên Quân thường xuyên phải nhờ đến sự trợ giúp của các y bác sĩ để có thể hoàn thành kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông vừa qua.
Nguyễn Đức Quân đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học được tổ chức vào tháng 12/2019. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nói về ước mơ của mình, Quân cho biết: “Em cũng chỉ mong sức khỏe tốt lên để có thể sinh hoạt được bình thường như các bạn đồng thời nguyện vọng của em là thi đỗ vào Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để trở thành một kỹ sư về công nghệ thông tin.
Chia sẻ với phóng viên, khi được hỏi về Nguyễn Đức Quân, cô giáo Phạm Thu Hà (giáo viên chủ nhiệm lớp 12A13) cho biết Quân là một học sinh có tinh thần lạc quan, nghị lực mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống, học tập.
“Việc bị mắc bệnh xương thủy tinh khiến đường thở của Quân gặp khó khăn đồng thời không thể vận động mạnh. Phía nhà trường cũng những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ em.
Quân luôn biết sắp xếp thời gian học tập của mình một cách chi tiết nhất”, cô Hà chia sẻ.
Theo cô Hà, mặc dù có hạn chế về sức khỏe nhưng Quân luôn muốn được sống, được đối xử công bằng như những người bình thường khác.
“Tôi còn nhớ tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật, ban tổ chức đều sắp xếp các em ngồi vào một hàng ghế chờ lên nhận giải.
Vì cơ thể Quân có hạn chế nên được bố trí ngồi ngay trên xe lăn. Thấy vậy, em nhất mực bảo mẹ và cô cho được ngồi lên ghế như những người bạn khác.
Quân không muốn khi em ngồi trên xe lăn sẽ khiến các giám khảo sẽ chấm nghiêng về bài thi của mình”, cô Hà chia sẻ.
Bệnh xương thủy tinh (tên tiếng Anh là Osteogenesis Imperfecta, viết tắt là OI), là bệnh xương hiếm gặp, có tính di truyền mà nguyên nhân là do tổn thương các sợi collagen của xương làm cho xương rất giòn và dễ gãy sau một va chạm rất nhẹ như ho, hắt hơi,… hoặc ngay cả khi không có sang chấn.