Dự thảo Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố để lấy ý kiến đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Trong đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến Điều 22: các hành vi giáo viên không được làm của dự thảo này bởi đây là những điều cấm đối với nhà giáo.
Tuy nhiên, thực tế thì các hành vi giáo viên không được làm này cũng được quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT đã được thực hiện cách nay gần chục năm rồi.
6 hành vi giáo viên không được làm trong dự thảo giống với 6 hành vi cấm lâu nay (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Các hành vi giáo viên không được làm theo dự thảo mới
Giáo viên không được có các hành vi sau đây:
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
2. Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật.
5. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp không phục vụ cho việc dạy học, giáo dục tại thời điểm đó.
6. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.
Các hành vi giáo viên không được làm theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT hiện hành
Giáo viên không được có các hành vi sau đây:
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
2. Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
5. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp.
6. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.
Thực tế, những hành vi cấm giáo viên không được làm này là rất cần thiết, bởi người thầy cần chuẩn mực, trong sáng, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh trước học trò và mọi người xung quanh.
Nhưng, nếu đem so sánh các hành vi giáo viên không được làm theo dự thảo mới với các hành vi giáo viên không được làm trong Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT thì chúng ta thấy nội dung cơ bản giống nhau.
Chỉ khác tại khoản 4 của dự thảo mới có thêm một câu, đó là: “Nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật”.
Còn lại, nội dung, câu chữ của cả cũ và mới là đương đối giống nhau, chỉ khác có vài từ ngữ mà thôi.
Chính vì nội dung không thay đổi nên có lẽ khi dự thảo này được ban hành chính thức thì cũng không có những thay đổi lớn và cơ bản vẫn như hiện nay.
Đôi điều băn khoăn với các hành vi mà giáo viên không được làm
Trong các hành vi giáo viên không được làm ở dự thảo lần này, chúng ta thấy ở khoản 4 có nghiêm cấm: “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
Nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật”.
Nhìn lại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT thực hiện gần 10 năm qua cũng có câu: “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” là vi phạm nhưng nào có giảm được tình trạng dạy thêm, học thêm đâu.
Dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, vẫn diễn ra công khai, dù giáo viên không “ép buộc” học sinh học thêm nhưng một số người vẫn tìm cách lôi kéo học sinh đến học với mình.
Đầu năm học, giáo viên ở những trường lớn, đô thị luôn giới thiệu lớp dạy thêm của mình và thường thu tiền học thêm cả học kỳ.
Còn chuyện “Nghiêm cấm giáo viên lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ giáo dục để ép buộc đóng góp tiền/hiện vật” thì có lẽ không cần thiết.
Bởi thực tế thì giáo viên không thể tự ý làm việc này mà làm theo chỉ đạo của hiệu trưởng nhà trường. Một khi hiệu trưởng chỉ đạo thu tiền thì giáo viên làm sao có thể chối từ nhiệm vụ này.
Vì vậy, cấm là cấm hiệu trưởng nhà trường, người ra chủ trương, kế hoạch còn giáo viên chỉ là người thừa lệnh thì cấm để làm gì?
Thực tế, việc làm này không có mấy giáo viên lại cảm thấy vui vẻ khi vào lớp, hay họp phụ huynh phải đứng ra vận động, thu tiền tài trợ, ủng hộ của phụ huynh rồi nộp lại cho nhà trường.
Vì thế, có lẽ câu này không nên đưa vào dự thảo.
Hy vọng, 6 hành vi giáo viên không được làm làm này được thực hiện nghiêm túc để thầy cô thực sự là tấm gương sáng cho học trò.
Bởi thực tế, những điều cấm này đã và đang có nhưng thời gian qua nhưng chúng ta vẫn chứng kiến một số giáo viên vi phạm và tất nhiên dù nhỏ, lẻ thì nó vẫn ảnh hưởng chung đến hình ảnh người thầy.