Cán bộ dùng bằng giả chui sâu, leo cao: không phải kỷ luật, đuổi việc là xong

18/12/2021 05:48
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Bùi Đức Thụ cho rằng: "Chúng ta đã có những quy định cụ thể về kỷ luật cán bộ và trong luật Hình sự cũng đã có. Nếu cần thiết, phải khởi tố để có tính răn đe"

Ngày 15/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật đối với các ông Cao Minh Quang, nguyên Ủy viên Ban Cán sự Đảng, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó Chủ nhiệm Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh; Đàm Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai; Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Sau phần thi hành kỷ luật về đảng đối với các trường hợp trên, Ban Bí thư còn chỉ đạo rõ: Giao các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ đối với các cá nhân nêu trên theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong số này, ông Đàm Quang Vinh, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai đã được xác định sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông trung học không hợp pháp để được tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch và được bổ nhiệm, bầu vào chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức đảng và cơ quan Nhà nước; thiếu trung thực trong báo cáo, kê khai lý lịch để được kết nạp vào Đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp uỷ viên, vi phạm về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, trong kiểm điểm tự phê bình còn giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận khuyết điểm.

Ông Đàm Quang Vinh trước khi bị kỷ luật là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Giao thông

Ông Đàm Quang Vinh trước khi bị kỷ luật là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai. Ảnh: Báo Giao thông

Những vi phạm của ông Đàm Quang Vinh là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng bộ, chính quyền, ngành thanh tra tỉnh Lào Cai và cá nhân đồng chí.

Đáng nói, câu chuyện về cán bộ sử dụng bằng không hợp pháp để tiến thân bị phát hiện không phải là lần đầu xảy ra.

Năm 2019, cựu Thượng tá Thái Đình Hoài, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu cũng bị phát hiện sử dụng bằng Trung học phổ thông giả để vào ngành và tiến thân và leo cao.

Ông Thái Đình Hoàng sau đó đã bị buộc thôi việc và tước danh hiệu công an nhân dân.

Cũng trong năm 2019, dư luận cả nước được phen “giật mình” về trường hợp bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo), Trưởng phòng Hành chính-Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng văn bằng giả, tên giả trong suốt 20 năm.

Từng là một nhân viên làm nghề cắt tóc và gội đầu tại thành phố Buôn Mê Thuột với trình độ chưa tốt nghiệp cấp 2 nhưng Trần Thị Ngọc Thảo dùng bằng giả của chị gái để vào công tác trong cơ quan nhà nước và đã từng bước leo lên vị trí Trưởng phòng Hành chính-quản trị văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, thậm chí còn nằm trong danh sách Ban chấp hành đảng bộ Tỉnh ủy.

Suốt 20 năm sử dụng bằng giả mà bà Thảo không bị phát hiện. Sự việc chỉ bị phát hiện sau khi có sự tố cáo của người dân.

Ở nhiều ngành, địa phương khác cũng đã phát hiện sử dụng văn bằng giả và hầu hết chỉ bị kỷ luật, sa thải. Tuy nhiên, rất ít có người bị xử lý hình sự.

Trường hợp hiếm hoi phải xử lý hình sự là ông Đinh Ngọc Hệ (Sinh năm: 1971, ở Yên Khánh, Ninh Bình, tên khác là “Út trọc” - nguyên Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn thuộc Bộ Quốc phòng) đã bị Tòa án hình sự quân khu 7 truy tố, xét xử vì liên quan đến bằng giả.

Cụ thể hơn là người này đã mua bằng tốt nghiệp Đại học giả và một bảng điểm giả làm hồ sơ để được thăng chức thượng tá.

Theo thông tin từ Tạp chí Tòa Án đăng tải ngày 37/7/2018, sau khi xét xử,Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Quân sự Quân khu 7 quyết định xử phạt Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và 2 năm tù về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cả 2 tội danh là 12 năm tù.[1]

Tuy nhiên đây chỉ là một trường hợp hiếm hoi bị xử lý hình sự bị xét xử vì sử dụng bằng giả.

Từ vụ án Đinh Ngọc Hệ có thể coi là điển hình cho thấy những hệ lụy khôn lường từ việc cất nhắc cán bộ có sử dụng bằng giả.

Ông Bùi Đức Thụ - Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng phải xem xét thật kỹ các trường hợp sử dụng bằng giả để thăng tiến, nếu đến mức độ xử lý hình sự phải xử lý hình sự. Ảnh: Quốc hội

Ông Bùi Đức Thụ - Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng phải xem xét thật kỹ các trường hợp sử dụng bằng giả để thăng tiến, nếu đến mức độ xử lý hình sự phải xử lý hình sự. Ảnh: Quốc hội

Nói về sự nguy hại của việc cán bộ sử dụng bằng giả để chui sâu, leo cao, ông Bùi Đức Thụ - Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng; “Việc để cán bộ sử dụng bằng không hợp pháp để bổ nhiệm, đề bạt rồi chui sâu, leo cao là hết sức nguy hiểm.

Những con người không đủ phẩm chất, năng lực không những làm hỏng việc mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, nhà nước và cơ quan tổ chức.

Việc sử dụng bằng cấp không hợp pháp như vậy, các cơ quan hữu quan cần vào cuộc để xử lý thật nghiêm, tùy theo mức độ.

Chúng ta đã có những quy định cụ thể về kỷ luật cán bộ và trong luật Hình sự cũng đã có. Nếu cần thiết phải khởi tố để có tính răn đe.

Từ thực thế những vụ việc vừa qua cho thấy, có nhiều đối tượng khác nhau có sự giả dối về bằng cấp, nhưng phần lớn là do người dân tố cáo, do công tác cán bộ chỉ ra là rất hạn chế. Đây có thể coi là lỗi trong công tác cán bộ hiện nay cần phải loại trừ.

Ai cũng biết cán bộ cấp này thì phải có bằng cấp, chứng chỉ đó là đúng, nhưng bằng cấp không phải là sự thể hiện của trình độ thực, nhưng chúng ta có tâm lý ai cũng nhìn vào hồ sơ, bằng cấp.

Khi chúng ta còn sính bằng cấp, cơ quan công quyền đòi hỏi bằng cấp này thì mới được chức vụ kia, cho nên bằng cách này hay cách khác họ phải thực hiện cho được.

Bên cạnh đó là công tác tuyển chọn của ta còn sơ sài về hồ sơ, lý lịch nhất là trong quá trình công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Chính vì vậy, việc này cần phải được xem xét và nếu cần thiết phải điều chỉnh cụ thể. Chúng ta cần có nhiều giải pháp trong công tác cán bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến quản lý cán bộ, đào tạo, bổ nhiệm…

Đã có một số địa phương sử dụng phương thức thi tuyển để tuyển chọn chức danh lãnh đạo. Đó là mô hình cần nhân rộng. Việc sử dụng cán bộ phải đúng người, đúng năng lực và đúng trình độ”.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: việc cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả sẽ dễ bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan, tổ chức.

Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2020.

Trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ xác định công chức đã sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị thì sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo Điều 13 của Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Việc xem xét kỷ luật sẽ trên cơ sở hành vi vi phạm, động cơ mục đích vi phạm và tính đến thời hiệu và thủ tục theo quy định của pháp luật

Ngoài hình thức kỷ luật nêu trên thì Cơ quan quản lý cán bộ công chức có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét dấu hiệu hình sự.

Trong quá trình xác minh, nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có đối tượng đã làm giả các giấy tờ, tài liệu bằng cấp nêu trên thì sẽ xử lý hình sự với đối tượng làm giả giấy tờ tài liệu đó.

Trường hợp người sử dụng tài liệu giấy tờ đó là người chủ mưu, thuê, nhờ người khác làm ra giấy tờ giả thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức.

Trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức nhưng có căn cứ cho thấy cán bộ này biết rõ là bằng cấp chứng chỉ giả mạo nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì vẫn sẽ bị xử lý hình sự về tội sử dụng tài liệu con dấu giả của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015.

"Trước đây xử lý người sử dụng giấy tờ giả nặng về xử lý hành chính, nhưng chúng tôi thấy rằng đã đến lúc phải xem xét xử hình sự, ngay với cán bộ, công chức”- Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Quốc hội trong phiên chất vấn chiều 9/11/2020.

(Nguồn VOV)

* Tài liệu tham khảo

[1] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/vu-an-trong-diem/bi-cao-dinh-ngoc-he-bi-phat-12-nam-tu

Hoàng Quỳnh