Cần có thay đổi trong chính sách tuyển dụng đối với ngành Chính trị học

29/05/2023 10:16
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngành Chính trị học đang chật vật trong tuyển sinh vì giới trẻ thường ưu tiên ngành mới, năng động,  thu nhập cao.

Giảng viên là người cần thay đổi đầu tiên

Ngành Chính trị học tại các cơ sở giáo dục nhằm đào tạo cử nhân ngành Chính trị học nắm vững thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, hệ thống tri thức nền tảng của lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là các lĩnh vực gần với Chính trị học.

Trên cơ sở đó có khả năng vận dụng lý luận, phương pháp và các kỹ năng nghề nghiệp của ngành Chính trị học trong các lĩnh vực hoạt động có liên quan của đời sống xã hội; có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, tích cực tham gia sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay số lượng tuyển sinh đối với ngành học này ở phần lớn các cơ sở giáo dục đang ở mức báo động.

Ảnh minh họa: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: Nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Nhung - Phó trưởng bộ môn Chính trị học, Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) cho biết, các môn học lý luận chính trị nói chung và ngành Chính trị học nói riêng có vai trò quan trọng đối với công tác giáo dục, giảng dạy ở bậc đại học.

Cô Hồng Nhung nhấn mạnh: “Thứ nhất, các môn học lý luận như môn Triết học Mác- Lênin là môn cung cấp thế giới quan, phương pháp luận, nền tảng để sinh viên học tập các môn sau.

Thứ hai, các môn học đại cương đều có sự liên kết chặt chẽ với nhau và quan trọng nhất là những môn học này xây dựng cho sinh viên, những người trẻ Việt Nam bản lĩnh, tư tưởng chính trị vững vàng”.

Theo Phó trưởng bộ môn Chính trị học, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay nếu không trang bị cho lớp trẻ bản lĩnh chính trị sẽ rất dễ dẫn đến cách hiểu lệch lạc, có cách nhìn thiếu đúng đắn và thiếu tính thực tế trong các vấn đề chính trị.

Mặc dù có vai trò quan trọng, vị Tiến sĩ không phủ nhận một thực tế là nhiều em còn mông lung về khái niệm của ngành học, môn học.

Được biết, ngành Chính trị học của Trường Đại học Tân Trào được mở vào cuối năm 2019 và khóa đầu tiên đang học năm thứ 3. Theo thông tin từ nhà trường, số lượng đầu vào của ngành không cao (15 chỉ tiêu, năm 2022) nhưng vẫn không tuyển sinh đạt đủ được chỉ tiêu.

Lý giải về điều này, cô Nhung cho biết không quá bất ngờ vì đây vốn là ngành hơi khô khan và trừu tượng. Trong khi đó, giới trẻ hiện nay lại ưu tiên những ngành nghề mới, năng động, công việc tự do với mức lương cao.

Từ vấn đề thiếu nguồn tuyển sinh đối với ngành học này đang dẫn tới nhiều hệ lụy về sau. Trong đó, vị tiến sĩ đề cập việc ảnh hưởng đến nguồn thu, kinh phí chung của nhà trường, ngoài ra còn thiếu nguồn nhân lực ngành Chính trị học chất lượng cao để làm việc trong các lĩnh vực liên quan.

Với 10 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy môn Chính trị học, Tiến sĩ Hồng Nhung cho biết vấn đề cốt lõi không phải do sinh viên không thích học mà do phương pháp giảng dạy của giảng viên chưa phù hợp hoặc còn chưa thực sự tâm huyết với nghề.

Từ đó, Phó trưởng bộ môn nhấn mạnh vấn đề cần điều chỉnh lớn nhất là phương pháp giảng dạy.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục cần tập trung đảm bảo về chất lượng giảng viên. Giảng viên phải là người có kiến thức chuyên môn chắc chắn, vốn kiến thức phong phú.

Theo cô Nhung, giảng viên không nên chỉ đọc lại trong sách, rao giảng lại trên giảng đường mà kiến thức cần được hiểu sâu, “ngấm vào máu” của họ. Từ đó giảng viên phải biết cách biến hóa linh hoạt để bài giảng trở nên sinh động, cuốn hút sinh viên.

“Nếu một giảng viên đứng trên lớp và chăm chăm nhìn vào slide để giảng thì không thể thành công. Bất cứ câu hỏi nào của sinh viên đặt ra giảng viên cũng cần có cách giảng, gợi mở để sinh viên tự tìm hiểu, đặc biệt là phải gắn kiến thức vào trong cuộc sống thực tiễn”, cô Nhung nói.

Thứ hai là đổi mới về phương pháp kiểm tra, đánh giá. Các cơ sở giáo dục khi đào tạo ngành Chính trị học cần loại bỏ những câu hỏi “kinh điển” (câu hỏi mang tính lý thuyết một cách máy móc, mơ hồ). Theo góc nhìn của cô Nhung, cách kiểm tra này không khơi gợi được cho sinh viên tính tò mò, ham học để chủ động học tập, tìm hiểu và khám phá môn học.

Nữ Tiến sĩ đề xuất, đề kiểm tra cần bám sát vào từng đối tượng sinh viên, mỗi một ngành học giảng viên cần có cách đặt câu hỏi khác nhau sao cho phù hợp với phong cách học, lĩnh vực ngành nghề để dễ dàng gắn lý thuyết với thực tế.

Việc này nhằm giúp sinh viên cảm thấy hứng thú, đặc biệt là để sinh viên hiểu sâu, hiểu đúng, tránh tình trạng học vẹt.

Thay đổi nhận thức về ngành từ cấp phổ thông

Cũng gặp phải tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu đối với ngành Chính trị học của trường, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Lê - Trưởng khoa Chính trị và Báo chí, Trường Đại học Vinh cho biết: “Công tác tuyển sinh ngành Chính trị học hệ đại học của trường trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, khả quan hơn là số lượng tuyển sinh sau đại học khá ổn định và chất lượng đầu ra khá tốt”.

Theo Tiến sĩ Phương Lê, sinh viên theo học ngành Chính trị học có cơ hội làm việc tương đối rộng mở như có thể làm việc trong các cơ quan hoạch định đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; trong các cơ quan tổ chức thuộc hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế - xã hội; làm ở các trung tâm nghiên cứu lý luận chính trị; giảng dạy Chính trị học trong hệ thống trường Đảng, các trường đại học, cao đẳng,...

Trước thực trạng khó khăn trong công tác tuyển sinh đại học, vị tiến sĩ cho biết nếu tình trạng này kéo dài sẽ dễ dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực giảng dạy, chảy máu chất xám.

Bởi trên thực tế, nguồn lực đào tạo chuyên môn của ngành Chính trị học tại Trường Đại học Vinh hiện nay hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên.

Lý giải nguyên nhân người trẻ ít lựa chọn ngành Chính trị học, Tiến sĩ Phương Lê cho biết, việc tuyển sinh phụ thuộc khá nhiều vào nhu cầu tuyển dụng lao động xã hội.

Mặt khác, phần lớn các bạn trẻ thường có xu hướng đi theo ngành nghề có thu nhập cao, môi trường làm việc mở, năng động.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, ngành Chính trị học ở Trường Đại học Vinh đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy.

Trong 5 năm gần đây các giảng viên đã giảng dạy theo hướng tiếp cận CDIO. Theo đó, CDIO là một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo.

Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.

Vị Trưởng khoa Chính trị và Báo chí cho biết, phương pháp dạy mới phát huy tối đa vai trò của người học, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm, trau dồi kỹ năng thực hành thay vì nặng về trang bị kiến thức lý thuyết như trước.

“Nếu trước đây tập trung vào giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức lý thuyết thì nay sinh viên tại trường lại được thực hành nhiều hơn qua những lần làm bài tập nhóm, làm đồ án hay cọ xát với môi trường thực tế”, cô Phương Lê thông tin.

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi người học phải phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong quá trình tự học, tự nghiên cứu và làm việc nhóm.

Theo đó, vị Tiến sĩ cũng bày tỏ mong muốn có sự thay đổi phía học sinh ngay từ bậc phổ thông về ngành Chính trị học, cần giúp học sinh hiểu đúng về ngành Chính trị học, cũng như tầm quan trọng của ngành học trong tương lai. Bởi khi đối tượng dự thi là học sinh có cách nhìn nhận đúng và đầy đủ về ngành học thì sẽ tác động đến việc lựa chọn nghề.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Phương Lê, cần có sự thay đổi trong chính sách tuyển dụng của xã hội đối với ngành Chính trị học, đặc biệt là về mức lương, mức đãi ngộ để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cống hiến vào lĩnh vực nòng cốt này.

Phương Nga