Cần đổi mới phương thức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học

09/10/2023 06:37
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta vẫn đứng trước một bài toán khó là làm thế nào vừa đẩy nhanh tiến độ vừa bảo đảm chất lượng kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.

Hiện đang có nhiều ý kiến xung quanh việc thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sao cho đáp ứng được một số mục tiêu mang tính xung đột, giữa một bên là bảo đảm độ tin cậy của chất lượng kiểm định và một bên là giảm gánh nặng chi phí cho các cơ sở giáo dục đại học.

Theo quy định hiện nay, việc đánh giá và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo có thể được thực hiện theo một số phương án sau:

Theo tiêu chuẩn của các tổ chức bảo đảm chất lượng khu vực và quốc tế có uy tín, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận;

Theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của 6 chương trình đào tạo cụ thể do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; về cơ bản đó là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của AUN-QA, phiên bản 3.0.

Mô hình bảo đảm chất lượng AUN-QA phân định ba cấp: cấp chiến lược (bảo đảm chất lượng cấp trường), cấp hệ thống (bảo đảm chất lượng bên trong) và cấp triển khai (bảo đảm chất lượng cấp chương trình).

Ba cấp đều có vai trò quan trọng nhưng nếu cấp chiến lược và cấp hệ thống đóng vai trò chủ yếu là đặt nền móng cho việc bảo đảm chất lượng thì cấp triển khai, qua việc tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, mới thực sự hiện thực hóa chất lượng đào tạo.

Vì vậy, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng một cách thực chất.

Đến nay, theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 31/7/2023, toàn quốc có 1.263 chương trình đào tạo được kiểm định và cấp chứng nhận, trong đó có 864 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước và 399 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Ảnh minh họa: Linh An

Ảnh minh họa: Linh An

Nếu chú ý rằng đến ngày 31/12/2020 mới có 340 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận, thì rõ ràng là trong ba năm qua đã có bước tiến rõ rệt trong việc đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.

Theo Quyết định 78/QĐ-TTg ngày 14/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình "Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030", mục tiêu là đến năm 2025 có 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, rõ ràng chúng ta vẫn đứng trước một bài toán khó là làm thế nào vừa đẩy nhanh tiến độ vừa bảo đảm chất lượng kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.

Đây cũng là vấn đề được đặt ra trong tiến trình triển khai công tác bảo đảm chất lượng ở các nước trên thế giới.

Qua đó có thể tham khảo một kinh nghiệm rất đáng quan tâm là xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng kép trên hai phương diện: phương thức và tổ chức kiểm định chất lượng và về cơ sở giáo dục đại học.

Hai phương thức và tổ chức kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo

Trên thế giới, hiện đang triển khai 2 phương thức kiểm định chất lượng gồm: kiểm định chất lượng chuyên ngành (professional accreditation) và kiểm định chất lượng học thuật (academic accreditation).

Mục đích cơ bản của kiểm định chất lượng chuyên ngành là bảo đảm rằng sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo có năng lực và phẩm chất đáp ứng các yêu cầu hành nghề của chuyên ngành.

Còn mục đích cơ bản của kiểm định chất lượng học thuật là bảo đảm rằng các điều kiện về chất lượng của việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình được đảm bảo.

Vì thế, tuy quy trình thực hiện của cả hai phương thức đều như nhau nhưng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng khác nhau.

Trong khi kiểm định chất lượng chuyên ngành tập trung chủ yếu vào các tiêu chuẩn nghề nghiệp cụ thể, thì kiểm định chất lượng học thuật tập trung chủ yếu vào các tiêu chuẩn chung liên quan đến việc thực hiện chương trình.

Sụ khác biệt trên dẫn đến sự khác biệt tiếp theo về các tổ chức kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng chuyên ngành đòi hỏi phải có các tổ chức kiểm định chất lượng cũng chuyên ngành, thường là các tổ chức kiểm định chất lượng do các hiệp hội nghề nghiệp thành lập.

Còn kiểm định chất lượng học thuật thì không yêu cầu như vậy và có thể được thực hiện bởi các tổ chức kiểm định chất lượng nói chung, tức là các tổ chức kiểm định chất lượng vừa kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, vừa kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

Kiểm định chất lượng chuyên ngành là phương thức kiểm định chất lượng chính ở Mỹ và một số nước khác như Anh, Úc.

Vì thế, ở Mỹ ,bên cạnh các tổ chức kiểm định chất lượng chuyên kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học là các tổ chức kiểm định chất lượng chuyên kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo.

Vì số chương trình đào tạo rất lớn nên nếu chỉ có 19 tổ chức kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học, thì số tổ chức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là 60.

Kiểm định chất lượng học thuật là phương thức kiểm định chất lượng phổ biến ở châu Âu, cũng như châu Á và châu Phi.

Các tổ chức bảo đảm chất lượng ở châu Âu thường đảm nhận cả việc kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học lẫn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã phát triển những tổ chức bảo đảm chất lượng chuyên về chương trình đào tạo.

Chẳng hạn CTI (Commité des Titres d’Ingenieur) chuyên kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo kỹ sư ở Pháp, cũng như trên phạm vi quốc tế.

Ba trung tâm kiểm định chất lượng nước ngoài hiện được phép hoạt động tại Việt Nam cũng đều hoạt động chủ yếu trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.

AQAS (Agency for Quality Assurance through Study Programs) là tổ chức bảo đảm chất lượng chuyên kiểm định chất lượng mọi chương trình đào tạo không chỉ ở Đức mà cả trên phạm vi quốc tế; ASIIN (Accreditation Agency for Study Programmes of Engineering, Information Science, Natural Sciences and Mathematics) chuyên kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; FIBAA (Foundation for International Business Administration Accreditation) chuyên kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực pháp luật, kinh doanh, quản lý, khoa học xã hội và hành vi.

Hai loại cơ sở giáo dục đại học: tự kiểm định và không tự kiểm định

Ngoài tính kép nói trên trong phương thức và tổ chức kiểm định chất lượng, còn một tính kép đặc trưng nữa đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, trong kiểm định chất lượng sẽ có sự phân biệt hai loại cơ sở giáo dục đại học: các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự kiểm định chất lượng và các cơ sở giáo dục đại học không được quyền tự kiểm định chất lượng mà vẫn phải chịu sự kiểm định chất lượng của một tổ chức bảo đảm chất lượng.

Theo từ điển thuật ngữ Analytic Quality Glossary thì “tự kiểm định chất lượng là một biểu hiện của quyền tự chủ. Nó áp dụng cho các cơ sở đã được trao quyền để có thể tự xác định danh hiệu của mình mà không cần đến một tổ chức bên ngoài”.

Cụ thể hơn, theo Mạng lưới quốc tế các tổ chức bảo đảm chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE) thì đó là quyền của các cơ sở giáo dục đại học đã đủ mạnh để phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của mình và không cần đến một tổ chức bên ngoài để kiểm định chất lượng cơ sở và chương trình đào tạo của mình.

Quyền tự kiểm định chất lượng được thực hiện đầu tiên ở Anh, tiếp đó được vận dụng ở một số hệ thống giáo dục đại học khác như Úc, Hong Kong, Malaysia, Đài Loan.

Cách làm này được đánh giá là không phải chỉ để phát huy quyền tự chủ đại học mà chính là để đáp ứng sự đa dạng của hệ thống giáo dục đại học.

Vì thế, việc chuyển sang hệ thống kép với một số cơ sở giáo dục đại học được quyền tự kiểm định chất lượng là một cách thức mà nhiều nước, đặc biệt các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã và đang xem xét vận dụng để có một hệ thống bảo đảm chất lượng mềm dẻo và linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kiểm định chất lượng của một hệ thống giáo dục đại học phát triển nhanh và đa dạng.

Thực tế kiểm định chất lượng chương trình giáo dục ở Việt Nam

Ở Việt Nam, hiện đã áp dụng phần nào tính kép trong phương thức và tổ chức kiểm định chất lượng.

Cụ thể như sau: Thoạt đầu, từ năm 2007 đến 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lần lượt ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo đối với một số ngành đặc thù như giáo dục tiểu học trình độ cao đẳng; giáo dục sư phạm kỹ thuật công nghiệp trình độ đại học; đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học; đào tạo điều dưỡng trình độ đại học. Đó là phương thức kiểm định chất lượng mang tính chuyên ngành.

Bước chuyển quan trọng là vào năm 2016, trên cơ sở hợp tác khu vực với AUN-QA, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 04 ngày 14/3/2016, theo đó bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được áp dụng cho mọi chương trình đào tạo. Đó là phương thức kiểm định chất lượng mang tính học thuật.

Tuy nhiên, về tổ chức kiểm định chất lượng thì các trung tâm kiểm định chất lượng trong nước đều có chức năng kiểm định chất lượng cả cơ sở giáo dục đại học lẫn chương trình đào tạo.

Do việc xây dựng và phát triển đội ngũ kiểm định viên còn bất cập nên sự chậm trễ, cùng sự thiếu vắng niềm tin trong kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo là không tránh khỏi.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công nhận ba trung tâm kiểm định chất lượng nước ngoài chuyên ngành hoạt động tại Việt Nam như đã nói trên.

Hiển nhiên các trung tâm này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo ở nước ta.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế. Về cơ bản, chúng ta vẫn phải tính đến giải pháp đa dạng hóa hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trên cơ sở vận dụng các kinh nghiệm quốc tế nói trên.

Để đề xuất giải pháp vừa đẩy nhanh tiến độ vừa bảo đảm chất lượng kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo khi mà số lượng chương trình nhiều, lực lượng kiểm định viên mỏng, nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục đại học hạn hẹp, trong phạm vi điều tra xã hội học của một đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ [1], nhóm nghiên cứu đã thu được kết quả sau đây về ý kiến đánh giá của 800 cán bộ, giảng viên thuộc 30 cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc (điểm số được tính trên thang điểm 5, trong đó điểm số từ 1 đến 5 tương ứng với các đánh giá từ “rất không tán thành” đến “rất tán thành”)

Bảng: Điểm số các đánh giá về đề xuất kiểm định chất lượng cấp chương trình (n = 800, %)

Các đề xuất về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo

Rất không tán thành (%)

Không tán thành (%)

Không có ý kiến (%)

Tán thành (%)

Rất tán thành (%)

Điểm/5

1 - Nếu nhà trường đã được kiểm định và công nhận về chất lượng với điểm trung bình từ 5 trở lên thì nhà trường được quyền tự chủ đánh giá các chương trình đào tạo của mình và công bố công khai trên website của trường

0.4

5.1

15.3

52.5

26.8

4.00

2 - Không nhất thiết phải kiểm định chất lượng tất cả các chương trình đào tạo; chỉ cần kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo có tác động quan trọng đến đất nước và xã hội

2.1

22.9

22.4

38.4

14.3

3.40

3 - Chỉ quy định kiểm định chất lượng bắt buộc đối với các chương trình đào tạo ngành sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh và các chương trình đào tạo mà nhà trường được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

2.0

24.6

27.9

32.0

13.5

3.30

4 - Hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang từng bước triển khai xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành đào tạo của giáo dục đại học phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Vì vậy việc kiểm định chất lượng cấp chương trình nên triển khai theo lộ trình nhất quán với chương trình đào tạo

0.6

2.1

18.3

57.4

21.6

3.97

Như vậy, có sự đồng thuận cao trong việc phát huy quyền tự chủ đại học, trao cho một số cơ sở giáo dục đại học quyền tự kiểm định theo thông lệ quốc tế, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến trình kiểm định chất lượng cấp chương trình mà vẫn bảo đảm chất lượng kiểm định chất lượng.

Cũng có khoảng 50% ý kiến muốn tháo gỡ khó khăn cho tiến trình kiểm định chất lượng cấp chương trình thông qua đề xuất chỉ giới hạn việc kiểm định chất lượng trong phạm vi một số chương trình đào tạo nhất định. Đề xuất này cũng vấp phải khoảng 30% ý kiến không tán thành. Vì vậy, cần có nghiên cứu kỹ hơn về đề xuất này.

Cần lưu ý là cũng có đến 80% ý kiến tán thành và rất tán thành một lộ trình kiểm định chất lượng phù hợp với lộ trình xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành đào tạo của giáo dục đại học phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Đề xuất này hướng đến việc nâng cao chất lượng kiểm định chất lượng nhưng khó mà góp phần tháo gỡ khó khăn về tiến độ khi mà tiến trình xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo theo Khung trình độ quốc gia sẽ là một tiến trình kéo dài nhiều năm.

Kết luận

Ngày nay, mọi hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục đại học trên thế giới là những hệ thống không ngừng tự học tập, tự điều chỉnh, tự đổi mới để phù hợp với sự vận động của giáo dục đại học.

Trong đó, có xu thế hội tụ mang tính toàn cầu trong cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành các hệ thống bảo đảm chất lượng thông qua học tập kinh nghiệm quốc tế để có được tiến trình bảo đảm chất lượng giáo dục đại học vững mạnh, hiệu quả và đáng giá.

Trong xu thế chung này cũng đã hình thành xu thế riêng trong việc xây dựng các hệ thống bảo đảm chất lượng kép như nói trên để vừa đẩy nhanh tiến độ vừa nâng cao chất lượng kiểm định các chương trình đào tạo.

Tiến trình xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua chính là quá trình tự học tập, tự điều chỉnh, tự đổi mới trong xu thế hội tụ quốc tế về bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

Giờ đây trước bài toán về kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo đang được đặt ra cấp thiết, vận dụng xu thế nói trên vào thực tiễn Việt Nam, bài viết này muốn đưa ra khuyến nghị rằng:

Cần hoàn thiện chính sách kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo hướng một mặt khuyến khích phát triển các trung tâm kiểm định chất lượng chuyên ngành, mặt khác xem xét trao quyền tự kiểm định chất lượng cho những cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng.

Tài liệu tham khảo:

[1] Phạm Tất Thắng (chủ nhiệm đề tài). 2021. Báo cáo nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu các luận cứ khoa học để đề xuất các giải pháp, khuyến nghị chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam”.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến