Danh mục ngành công nghệ chiến lược được hưởng hỗ trợ nên bao gồm những ngành nào?

10/07/2025 06:26
Trần Trang
Theo dõi trên Google News

GDVN -Dự kiến, cùng với học bổng, sinh viên các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược được hỗ trợ 3,63 triệu đồng mỗi tháng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa giới thiệu Dự thảo Nghị định quy định chính sách học bổng dành cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.

Theo đó, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học các ngành thuộc nhóm này sẽ được cấp học bổng căn cứ vào kết quả học tập, với mức hỗ trợ học phí từ 50% đến 100%. Ngoài ra, người học còn được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng trong suốt thời gian học tại cơ sở đào tạo.

Trước chính sách trên, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo các ngành công nghệ chiến lược đã có những đánh giá, góp ý đối với dự thảo nghị định này.

Thiếu hỗ trợ, khối ngành công nghệ chiến lược khó thu hút người học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm – Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ (Đại học Kinh tế Quốc dân) bày tỏ, mặc dù các ngành công nghệ chiến lược, đặc biệt là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, có vai trò quyết định trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nhiều học sinh, sinh viên vẫn chưa nhận thức được tiềm năng nghề nghiệp và giá trị lâu dài mà các ngành này mang lại.

Ngoài ra, mức độ hấp dẫn của các ngành công nghệ chiến lược bị giảm sút so với các ngành khác, vì sinh viên có xu hướng chọn các ngành "hot" như kinh tế, quản trị được cho là dễ tìm việc làm và có mức thu nhập cao. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc các ngành công nghệ hiện vẫn chưa định hình rõ ràng về lộ trình nghề nghiệp, môi trường làm việc cũng như mức thu nhập.

491882927-122143574702601641-2469819848616638241-n.jpg
Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm – Trưởng khoa Khoa Công nghệ thông tin, Trường Công nghệ (Đại học Kinh tế Quốc dân). Ảnh: NVCC.

Đối với đào tạo sau đại học, mức học phí của các trường đại học công lập dao động từ 20 đến 40 triệu đồng/năm, trong khi đó, các trường tư thục hoặc các chương trình đào tạo liên kết có mức học phí từ 30 đến 60 triệu đồng/năm.

Với những người đã đi làm, có công việc ổn định tại các cơ quan, công ty trong ngành công nghệ, mức thu nhập đủ để trang trải chi phí học tập. Tuy nhiên, với học viên vừa mới tốt nghiệp đại học và những người muốn muốn tập trung toàn bộ thời gian vào nghiên cứu khoa học, học phí có thể trở thành rào cản không nhỏ.

Những học viên này phải dành toàn bộ thời gian và công sức cho nghiên cứu, nhưng lại không có nguồn thu nhập ổn định trong suốt thời gian học. Điều này tạo ra áp lực tài chính không nhỏ, bởi vì mức hỗ trợ từ nhà trường và các chương trình học bổng hiện nay vẫn còn hạn chế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Dậu - Trưởng khoa An toàn thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ: “Các ngành công nghệ chiến lược đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt, là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu”.[1]

Để phát triển các ngành công nghệ chiến lược, chúng ta cần đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tuy vậy, có thực trạng là nhiều ngành công nghệ chiến lược chưa thu hút được người học, nhất là sinh viên khá giỏi. Đầu tiên là tâm lý e ngại, cho rằng học khối ngành này khó do khối lượng kiến thức thường lớn, nhiều thí nghiệm thực hành, thời gian học dài hơn.

Lý do tiếp theo là Nhà nước và các trường cũng chưa có hỗ trợ hiệu quả cho người học khối ngành công nghệ chiến lược, như hỗ trợ về sinh hoạt phí...

Một lý do khác là tâm lý lo ngại học xong có thể không tìm được việc do người học thiếu các kỹ năng thực hành chuyên môn đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng”.

z6350165032244-68d97582944caefa7a484008c2c289c9-7203-1649.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Dậu - Trưởng khoa Khoa An toàn thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: NVCC.

Bàn luận về dự thảo khi có chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm đánh giá đề xuất này là một sự hỗ trợ thiết thực và mang ý nghĩa khích lệ rất lớn.

Việc Nhà nước thể hiện sự ưu tiên đối với những lĩnh vực có vai trò quyết định trong sự phát triển lâu dài của đất nước là hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh các ngành học này đang gặp khó khăn trong việc thu hút người học.

Tuy nhiên, thầy cũng thẳng thắn chỉ ra rằng mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí là khá khiêm tốn, nhất là với sinh viên đang học tập tại các thành phố lớn. Chỉ tính riêng tiền thuê trọ, đi lại, ăn uống hàng ngày đã có thể vượt quá mức này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Dậu cũng nhận thấy, đây là đề xuất rất tốt để thu hút người học khối ngành khoa học công nghệ, do từ trước đến nay các hỗ trợ thường do các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp thực hiện riêng với mức phủ còn tương đối hạn chế. Nay chính sách này có diện phủ rộng hơn, sẽ là một cú hích lớn, tạo động lực thu hút thêm người học.

“Mặc dù mức hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng chưa cao, đặc biệt với sinh viên theo học ở các trường tại thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho người học.

Nếu Nhà nước thực hiện chính sách này trong một thời gian đủ dài (chẳng hạn chu kỳ 10 năm) và có điều chỉnh tăng mức hỗ trợ hàng năm thì sẽ thu hút thêm nhiều người học, nhất là sinh viên khá, giỏi từ các vùng nông thôn cần hỗ trợ” – thầy Dậu chia sẻ.

Cùng bàn luận về chủ đề này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc “cào bằng” mức hỗ trợ như trong nội dung dự thảo là chưa phù hợp. Tại các thành phố lớn, tiền thuê nhà, các chi phí sinh hoạt, ăn ở khác cũng phải mất 3-4 triệu đồng/tháng. Do đó, con số 3,63 triệu đồng/tháng chưa thể đáp ứng được mức sống tối thiểu.

Về tiêu chí xét học bổng dựa trên kết quả học lực và điểm rèn luyện, thầy Toàn bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra tình trạng thiếu công bằng. Cụ thể, mức hỗ trợ được phân chia theo thành tích học tập: 100% học bổng dành cho sinh viên đạt loại xuất sắc, 70% cho loại giỏi và 50% cho loại khá. Tuy nhiên, thầy Toàn cho rằng chất lượng đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học không đồng đều, dẫn đến thực tế là một sinh viên được xếp loại giỏi ở trường này có thể chỉ tương đương sinh viên loại khá ở trường khác. Do vậy, rất khó áp dụng chung một thang đánh giá.

img-8084.jpg
Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn - Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC.

Quan điểm trái chiều về danh mục ngành công nghệ chiến lược được hưởng hỗ trợ học bổng

Đối với danh mục các ngành công nghệ chiến lược được hưởng chính sách hỗ trợ học bổng, Dự thảo Nghị định có đưa ra hai phương án.

Phương án 1: Công nghệ sinh học, Công nghệ Nano, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ môi trường, Công nghệ năng lượng tái tạo.

Phương án 2: Công nghệ thông tin (mã ngành: 7480201); Kỹ thuật phần mềm (mã ngành: 7480103); Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (mã ngành: 7510301); Công nghệ kỹ thuật tự động hóa (mã ngành: 7510305); Công nghệ sinh học (mã ngành: 7420201); Công nghệ vật liệu (mã ngành: 7510405); Công nghệ nano (mã ngành: 7420204); Công nghệ thông tin - An toàn thông tin (mã ngành: 7480202); Công nghệ môi trường (mã ngành: 7440301); Công nghệ thực phẩm (mã ngành: 7540101); Công nghệ điều khiển và tự động hóa (mã ngành: 7510304); Công nghệ truyền thông đa phương tiện (mã ngành: 7480203); Công nghệ y sinh (mã ngành: 7420203); Công nghệ chế tạo máy (mã ngành: 7510202); Công nghệ thông tin - Khoa học dữ liệu (mã ngành: 7480206).

Thạc sĩ Nguyễn Văn Toàn nhận xét: “Với một số trường như Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), tất cả sinh viên đều theo học lĩnh vực Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, nếu đối sánh với phương án 2 trong Dự thảo, chỉ có một số ít mã ngành của trường có trong danh mục được hỗ trợ học bổng.

Với phương án 1, nên ghi rõ là nhóm ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ Nano, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ môi trường, Công nghệ năng lượng tái tạo…” - thầy Toàn bày tỏ.

Thầy Toàn đề xuất nên dựa vào Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Chính phủ về Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược để quy định danh mục ngành nhận hỗ trợ học bổng.

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Xuân Lâm cho rằng nên lựa chọn phương án 1 vì phương án 2 liệt kê quá nhiều ngành trải rộng từ cơ khí, xây dựng, giao thông đến thực phẩm và môi trường, dẫn đến nguy cơ phân tán nguồn lực và thiếu trọng tâm trong chính sách hỗ trợ.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn lực quốc gia còn hạn chế, việc đầu tư dàn trải cho quá nhiều ngành kỹ thuật sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách học bổng, khiến các ngành thực sự cần được ưu tiên như Công nghệ thông tin, Trí tuệ nhân tạo hay Khoa học dữ liệu, vốn đang là nền tảng cho chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, không nhận được sự hỗ trợ tương xứng” - thầy Lâm chia sẻ.

Còn thầy Dậu lại cho rằng, phương án 2 phù hợp do phương án này phủ được nhiều ngành khoa học công nghệ quan trọng cho mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Nhưng phương án 2 lại không có ngành Trí tuệ nhân tạo (mã ngành: 7480107).

“Nếu có thể bổ sung thì sẽ tốt hơn, do đây là một trong những ngành hiện đang phát triển rất mạnh và sẽ là ngành khoa học công nghệ nền tảng cho tương lai” - thầy Dậu bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-to-lam-tai-hoi-nghi-toan-quoc-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-102250113125610712.htm

Trần Trang