Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, các địa phương thiếu giáo viên giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở, được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên dạy các môn học này.
Đây là quyết định cần thiết để giải bài toán thiếu giáo viên đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.
Giải pháp linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay, tại tỉnh Trà Vinh, tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy các môn Âm nhạc và Mỹ thuật diễn ra ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Trong khi đó, tất cả các môn học phổ thông không chỉ cung cấp kiến thức nền tảng về các lĩnh vực đức, trí, thể, mỹ mà còn trang bị cho học sinh khả năng tự học, học tập suốt đời. Quan trọng hơn, giáo dục cần giúp các em nuôi dưỡng mục tiêu, hoài bão, ước mơ và lý tưởng sống cao đẹp, hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Cuối cùng, điều cốt lõi mà giáo dục hướng đến là giúp mỗi cá nhân hiểu rõ hệ giá trị của bản thân, từ đó đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Việc không đủ nguồn nhân lực giảng dạy không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục mà còn làm giảm cơ hội tiếp cận các môn học phát triển năng khiếu và tư duy sáng tạo của học sinh.
Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để giảng dạy một số môn học đang thiếu giáo viên là một giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay. Đây được xem là một giải pháp linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế, giúp đảm bảo việc học tập của học sinh không bị gián đoạn.
![Bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: NVCC. IMG_0930.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ageclyeclyr/2025_02_11/img-0930-1265-3389.jpg)
“Việc sử dụng giáo viên có trình độ cao đẳng để giảng dạy không phải là vấn đề lớn nếu có cơ chế hỗ trợ phù hợp và trong quá trình giảng dạy, đội ngũ này được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, cập nhật phương pháp giảng dạy hiện đại và rèn luyện kỹ năng sư phạm.
Song song với việc rèn luyện kỹ năng, phẩm chất của người thầy vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong sứ mệnh giáo dục con người” – bà Mai chia sẻ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ bày tỏ: “Thiếu giáo viên là một trong những vấn đề nóng, diễn ra trong nhiều năm của ngành Giáo dục. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối năm học 2023 - 2024, cả nước còn thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Tình trạng trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.
Tại thành phố Cần Thơ, tính đến tháng 02 năm 2025, toàn thành phố còn thiếu 241 giáo viên (trong đó có 73 giáo viên mầm non, 123 giáo viên tiểu học, 39 giáo viên trung học cơ sở và 6 giáo viên trung học phổ thông).
Nhìn chung, số lượng giáo viên còn thiếu ở các đơn vị không nhiều và tập trung ở một số cấp học, môn học đặc thù như giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh, Tin học.
Ngoài những nguyên nhân về kinh tế, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, việc thiếu giáo viên ở những cấp học, môn học này còn bắt nguồn từ việc thiếu nguồn cung do số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm của ngành này ít, đa số các em về công tác tại quê hương hoặc tập trung ở các quận trung tâm”.
![Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ. Ảnh: NVCC. z4948698991584_cde1c10b51471f6f2f8a431e5a45591a-1718.jpg](https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2025/ageclyeclyr/2025_02_11/z4948698991584-cde1c10b51471f6f2f8a431e5a45591a-1718-3426-3831.jpg)
Ông Bình cho biết, việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học đặc thù là một chính sách phù hợp, sát với thực tiễn; vừa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên trước mắt, vừa tận dụng được tối đa số lượng giáo viên có trình độ cao đẳng đã được đào tạo.
Thực tế, theo thống kê tại thời điểm tháng 9 năm 2023, thành phố Cần Thơ vẫn còn 81 sinh viên tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật chưa có việc làm do trình độ chuẩn của giáo viên được nâng lên theo Luật Giáo dục năm 2019.
Do đó, nếu có thể tuyển dụng những thầy cô này thì nhu cầu giáo viên các môn đặc thù ở thành phố sẽ đảm bảo. Ngoài ra, việc tuyển dụng (sau đó cử những giáo viên này tham gia đào tạo nâng chuẩn) sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, tận dụng tối đa nguồn lực hiện có để giải quyết phần lớn khó khăn do thiếu nguồn tuyển dụng như hiện nay.
Thiếu giáo viên là thách thức dài hạn, cần giải pháp đồng bộ
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ cho hay, vấn đề thiếu giáo viên nói riêng và việc nâng cao hiệu quả sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục nói chung là một thách thức mang tính dài hạn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị.
Do đó, ông Trần Thanh Bình cho rằng trong thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, coi đây là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực. Quá trình đào tạo phải gắn với nhu cầu thực tế, thực hiện đào tạo theo địa chỉ, đồng thời kết hợp giữa đào tạo và nâng cao chất lượng tuyển sinh ngành sư phạm.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng như bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuyên đề, đồng thời kết hợp giữa lý thuyết với thực tiễn thông qua tham quan các mô hình tiêu biểu, chia sẻ kinh nghiệm, học tập phương pháp giảng dạy hiệu quả.
Song song với đó, cần cải thiện chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo, xây dựng môi trường sư phạm tích cực để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, đồng thời tạo động lực cho sinh viên yêu thích và gắn bó với ngành sư phạm.
Ngoài ra, việc trao quyền tự chủ trong quản lý đội ngũ giáo viên cho các cơ quan quản lý giáo dục như sở, phòng giáo dục và đào tạo cũng là một giải pháp quan trọng, giúp tối ưu hóa nguồn lực hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng nhân sự trong ngành.
Còn nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh bày tỏ, trong những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều đổi mới và chuyển mình để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, trong đó việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, công tác quản lý và lãnh đạo ở tầm vĩ mô vẫn còn tồn tại những bất cập. Sự khác biệt trong quan điểm về định hướng đổi mới – bao gồm phương thức, thời điểm và mức độ triển khai đã dẫn đến tình trạng đồng thời tồn tại cả những chính sách, quy định mang tính bảo thủ lẫn các chính sách mang tính cấp tiến.
Giải quyết bài toán thiếu giáo viên cần một cách tiếp cận đa chiều, vừa đảm bảo tính linh hoạt trong tuyển dụng, vừa hướng tới việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong dài hạn. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ và định hướng giáo dục toàn diện, việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải được xem là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo một nền giáo dục bền vững và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.