Cần làm rõ có hay không nhóm lợi ích đứng sau chương trình thí điểm song bằng

01/09/2020 15:32
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngân sách trả chi phí quản lý, cơ sở vật chất, dịch vụ công cộng, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy các lớp song bằng, còn học phí thì doanh nghiệp hưởng 90%.

Mô hình thí điểm đào tạo "song bằng" liên kết với Đại học Cambridge trái Nghị định 86/2018/NĐ-CP được Hà Nội triển khai tại 2 trường, Trung học phổ thông Chu Văn An và Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 2017, năm 2018 tiếp tục mở rộng thí điểm xuống 6 trường trung học cơ sở.

Ngày 18/11/2019, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành công văn 5226/SGDĐT-GDPT gửi các trưởng phòng giáo dục và đào tạo, yêu cầu rà soát các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn có nhu cầu thực hiện chương trình song bằng, báo cáo ủy ban nhân dân thành phố để xem xét mở rộng vào năm học 2020-2021. [1]

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Đề án một đằng triển khai một nẻo, song bằng có phải hình thức sử dụng tài sản công để kinh doanh trá hình?

Đề án Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE Cambridge tại trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phê duyệt tại quyết định số 2830/QĐ-UBND ngày 08/6/2018.

Mục 2 (Giải pháp), trang 12 của Đề án quy định Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thành lập Ban điều hành Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng Cambridge IGCSE cấp THCS, để thực hiện các nhiệm vụ:

- Trực tiếp quản lý và thực hiện các dự án hợp tác quốc tế/sự kiện/chương trình tại nhà trường; xây dựng kế hoạch chiến lược, kế hoạch hoạt động và các chương trình hợp tác quốc tế ngắn hạn, dài hạn cũng như phát triển các dự án; thực hiện đào tạo, liên kết đào tạo, trao đổi, dự án quốc tế và các chương trình với các đối tác quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài;

- Thẩm định và phê duyệt Đề án thực hiện giảng dạy chương trình Cambridge IGCSE tại các trường THCS có đủ điều kiện triển khai đề án;

- Phối hợp với đơn vị tư vấn đủ tư cách pháp nhân và năng lực trong tuyển dụng nhân sự bổ sung cho bộ phận phụ trách, và tuyển dụng giáo viên nước ngoài cho các nhà trường tham gia Đề án;

- Tổ chức dự giờ nhằm kiểm tra, giám sát công tác chuyên môn của giáo viên nước ngoài; Tổ chức kiểm tra, đánh giá ngoài chất lượng giảng dạy tại các lớp song bằng theo tiêu chuẩn CAIE; Tổ chức họp chuyên môn định kỳ hàng tuần và sơ kết, tổng kết cuối mỗi kỳ học và năm học;

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên của trường đủ trình độ giảng dạy một số bộ môn chương trình IGCSE. Tổ chức tập huán giáo viên cho các lớp song ngữ, song bằng định kỳ hàng năm theo chuẩn CAIE;

Ngày 24/10/2019 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết 3 năm đề án thí điểm song bằng, ông Nguyễn Đức Chung trao tặng bằng khen cho 11 tập thể và 9 cá nhân có nhiều đóng góp cho việc triển khai chương trình đào tạo song bằng. Ảnh: Thanh Tùng / Báo Hà Nội Mới.

Ngày 24/10/2019 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sơ kết 3 năm đề án thí điểm song bằng, ông Nguyễn Đức Chung trao tặng bằng khen cho 11 tập thể và 9 cá nhân có nhiều đóng góp cho việc triển khai chương trình đào tạo song bằng. Ảnh: Thanh Tùng / Báo Hà Nội Mới.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường tiến hành các thủ tục đăng ký theo từng bước với Hội đồng khảo thí quốc tế Cambridge để các trường THCS trở thành Trường quốc tế Cambridge. Toàn bộ hồ sơ được hoàn thiện vào tháng 3/2018 và chuyến thăm thẩm định của đại diện Cambridge tại trường vào tháng 4/2018;

- Tham mưu các cấp thẩm quyền xây dựng chính sách tài chính và nhân sự cho Đề án, lập kế hoạch vận hành, kế hoạch ngân sách hàng năm để trình các bên liên quan phê duyệt;

- Khuyến khích UBND các quận, huyện, thị xã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học đảm bảo theo chuẩn của CAIE để triển khai chương trình đào tạo Cambridge IGCSE; Tranh thủ các nguồn đầu tư cho Ngành GDĐT của các địa phương cũng như nguồn tài trợ từ các lực lượng trong xã hội;

- Phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho hợp tác quốc tế và phát triển dự án; Điều phối các chương trình quốc tế, tham gia vào tất cả các sự kiện/hoạt động của chương trình; Phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức chương trình trao đổi, trại hè, hội nghị, hội thảo quốc tế cũng như đến làm việc tại các nhà trường; Quản lý các chính sách và thủ tục liên quan đến giáo viên người nước ngoài và định hướng tư vấn du học;

- Báo cáo về hiệu quả đào tạo, hiệu quả vận hành và đưa ra đề xuất phù hợp để UBND Thành phố có phương án hỗ trợ kịp thời.

Mục 3 (kế hoạch tuyển dụng và phân công giáo viên), trang 18 Đề án viết:

- Ban điều hành đề án của Sở GDĐT Hà Nội sẽ hỗ trợ các trường trong việc thẩm định, tuyển dụng giáo viên người nước ngoài, phục vụ các môn của Chương trình Cambridgie;

- Ban điều hành Đề án của Sở GDĐT Hà Nội sẽ chỉ đạo Ban Điều hành đề án cấp quận các nội dung sau:

Ảnh chụp một phần trang 25, Đề án thí điểm song bằng THCS Việt Nam và IGCSE Cambridge của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Ảnh chụp một phần trang 25, Đề án thí điểm song bằng THCS Việt Nam và IGCSE Cambridge của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

+ Tuyển dụng và sắp xếp nhân sự theo đúng định biên của chương trình. Tuyển dụng giáo viên dạy các môn là người nước ngoài đạt chuẩn được chấp nhận bởi CAIE;

+ Sử dụng nguồn giáo viên hiện có của trường tham gia công tác trợ giảng trong các năm học thí điểm;

+ Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo các giáo viên đạt chuẩn CAIE để trở thành nguồn nhân lực đảm nhiệm giảng dạy chính thức trong các năm học tiếp theo bằng nguồn kinh phí Nhà nước nhằm giảm học phí cho người học, đảm bảo tính ưu việt của các trường công lập của Thủ đô trong nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước;

+ Tham mưu cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên trong Ban điều hành của Sở cũng như các nhà trường được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; tham quan học tập các mô hình giáo dục tiên tiến của Cambridge nhằm đáp ứng chủ trương đổi mới giáo dục có tính hội nhập ngày càng cao của Đảng và Nhà nước.

Mục V. Chính sách tài chính, trang số 22 Đề án viện dẫn khoản 3 điều 3 Nghị định 86/2015/NĐ-CP:

"Cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo..."

Mục VII. Cơ chế tài chính, trang 22 của Đề án này quy định:

- Lương và các khoản chi phí để giảng dạy các môn học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam được chi trả từ ngân sách nhà nước và thu học phí của nhà trường, theo quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam;

- Số tiền thu của người học chương trình IGCSE (5,6 triệu đồng/học sinh/tháng x 36 tháng/khóa học = 201,6 triệu đồng/khóa/học sinh) chỉ để chi các nội dung sau: chi trả tiền lương cho giáo viên giảng dạy chương trình IGCSE; chi tiền giáo trình của giáo viên; chi trả phí bản quyền của CAIE (phí thường niên); chi trả lương cho điều phối viên chương trình.

- Khoản thu này (5,6 triệu đồng/học sinh/tháng học) chưa bao gồm phần lệ phí thi khi hoàn thành khóa học của học sinh, tài liệu và thiết bị học tập của cá nhân học sinh nhằm đáp ứng chuẩn của CAIE;

- Còn lại các khoản chi phí khác như: phí quản lý, cơ sở vật chất, dịch vụ công cộng, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy chi từ kinh phí chi thường xuyên được giao trong định mức ngân sách và nguồn thu học phí của các trường.

Đề án Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE Cambridge tại THCS Thanh Xuân, mục 2 (Đội ngũ giáo viên), trang 23, viết:

Ảnh chụp màn hình các khoản phí học sinh song bằng Trung học cơ sở Thanh Xuân phải đóng góp, tại trang 27 của Đề án.

Ảnh chụp màn hình các khoản phí học sinh song bằng Trung học cơ sở Thanh Xuân phải đóng góp, tại trang 27 của Đề án.

Nhà trường sẽ phối hợp với Công ty CP Sinh ngữ EPC để tuyển dụng giáo viên nước ngoài, phục vụ các môn học của Chương trình Cambridge.

Cũng đề án thí điểm của Trường THCS Thanh Xuân, mục 5 (Cơ chế tài chính, trang 26) quy định số tiền thu của người học (5,6 triệu đồng/học sinh/tháng học) được tính theo cơ chế sau:

- Nhà trường giữ lại 10% chi trả những nội dung sau: 1. Chi phí quản lý; 2. Chi phí giáo viên trợ giảng (giáo viên của Nhà trường).

- 90% trả cho Công ty Cổ phần sinh ngữ EPC để chi trả nội dung sau: 1. Chi trả tiền lương cho giáo viên nước ngoài giảng dạy các môn của chương trình Cambridge; 2. Chi tiền giáo trình của giáo viên; 3. Chi tiền bản quyền của CAIE (phí thường niên); 4. Chi trả các chi phí vận hành trực tiếp; 5. Chi phí tư vấn quản lý của EPC.

- Còn lại các khoản chi phí khác như: phí quản lý, cơ sở vật chất, dịch vụ công cộng, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy chi từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được giao trong định mức của nhà trường.

Như vậy có thể thấy, nếu theo đề án thí điểm của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì các doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Sinh ngữ EPC đối với Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân; Công ty TNHH Tư vấn và Định hướng Giáo dục Việt Nam VEC đối với Trường THCS Nghĩa Tân [2] và Trường THCS Cầu Giấy [3]) chỉ làm công tác tuyển dụng giáo viên nước ngoài, nhưng lại được hưởng 90% học phí.

Ảnh chụp trang 18 Đề án thí điểm song bằng tại Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, theo cơ cấu này thì lãnh đạo trường phụ trách chương trình đào tạo IGCSE Cambridge, nhưng 90% học phí lại được chuyển cho EPC, đơn vị chỉ đóng vai trò tuyển dụng giáo viên nước ngoài giúp trường, theo mô tả tại trang 23 của Đề án.

Ảnh chụp trang 18 Đề án thí điểm song bằng tại Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, theo cơ cấu này thì lãnh đạo trường phụ trách chương trình đào tạo IGCSE Cambridge, nhưng 90% học phí lại được chuyển cho EPC, đơn vị chỉ đóng vai trò tuyển dụng giáo viên nước ngoài giúp trường, theo mô tả tại trang 23 của Đề án.

Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp này là đơn vị liên kết triển khai chương trình Cambridge. Nói cách khác, việc triển khai chương trình IGCSE Cambridge tại các trường THCS thí điểm song bằng ở Hà Nội do các doanh nghiệp đảm nhiệm, chứ không phải các trường thực hiện theo chỉ đạo của ban điều hành như Đề án viết ra.

Điều này được ghi rõ trong kế hoạch thực hiện chương trình song bằng của Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân: Đối tác liên kết thực hiện giảng dạy chương trình song bằng tại trường: Công ty TNHH Tư vấn và Định hướng Giáo dục Việt Nam (VEC). Địa chỉ: Tầng 16, tòa nhà Daeha Business Centre, 30 Phố Kim Mã, Hà Nội. [2] [3]

Công ty Cổ phần Sinh ngữ EPC trúng thầu gói thầu Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại THCS Chu Văn An năm học 2020-2021 thuộc Đề án Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại THCS Chu Văn An trị giá hơn 7,4 tỷ đồng;

Đồng thời, ECP cũng đã tham gia gói thầu số 01: Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại THCS Thanh Xuân năm học 2020-2021 thuộc Đề án: Thí điểm đào tạo chương trình song bằng THCS Việt Nam và chứng chỉ IGCSE Cambridge tại THCS Thanh Xuân cũng trị giá hơn 7,4 tỷ đồng. [4]

Ảnh chụp màn hình một số gói thầu Công ty Cổ phần Sinh ngữ EPC đã tham gia [4]

Ảnh chụp màn hình một số gói thầu Công ty Cổ phần Sinh ngữ EPC đã tham gia [4]

Thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra hoạt động triển khai thí điểm chương trình đào tạo song bằng tại một số trường phổ thông công lập Hà Nội có phải hoạt động liên kết để dạy thêm trá hình có tổ chức hay không.

Vì sao đề án viết một đằng, nhưng thực hiện lại một nẻo, việc giảng dạy chương trình Cambridge phải chăng đang phó mặc hoàn toàn cho doanh nghiệp tư nhân?

Phải chăng đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại một số trường phổ thông công lập Hà Nội thực chất là sử dụng tài sản công (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thương hiệu nhà trường…) vào mục đích kinh doanh, nhưng nguồn lợi thu về lại không vào ngân sách nhà nước?

Dấu hiệu làm trái quy định của Nhà nước về quản lý tài chính

Khoản 1 điều 14 (Sử dụng học phí), Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định: cơ sở giáo dục công lập sử dụng học phí theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, điều 17 quy định:

1. Đơn vị sự nghiệp công có hoạt động dịch vụ thực hiện đăng ký, kê khai, nộp đủ thuế và các khoản thu ngân sách khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

2. Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

3. Đơn vị sự nghiệp công có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, gửi cơ quan quản lý cấp trên. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Quy chế, trường hợp Quy chế có quy định không phù hợp với quy định của Nhà nước, cơ quan quản lý cấp trên có ý kiến bằng văn bản yêu cầu đơn vị điều chỉnh lại cho phù hợp.

Sau thời hạn nêu trên, nếu cơ quan quản lý cấp trên không có ý kiến, đơn vị triển khai thực hiện theo Quy chế, đồng thời gửi cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện, Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

Điều 14. Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí), khoản 3 quy định phân phối kết quả tài chính trong năm:

a) Hàng năm, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước khác (nếu có) theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi hoạt động thường xuyên (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

- Trích tối thiểu 15% để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

- Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập tối đa không quá 2 lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp lương do Nhà nước quy định;

- Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi tối đa không quá 2 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;

- Trích lập Quỹ khác theo quy định của pháp luật;

- Phần chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại (nếu có) sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định được bổ sung vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ thực hiện trong năm, đơn vị được quyết định sử dụng theo trình tự sau: Trích lập Quỹ bổ sung thu nhập; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ khác (nếu có).

b) Mức trích cụ thể của các quỹ theo quy định tại Điểm a Khoản này và việc sử dụng các quỹ do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ và phải công khai trong đơn vị. Nội dung chi từ các quỹ thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

Hiện nay, khoản thu học phí đã chuyển sang cơ chế giá theo quy định pháp luật và thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật thuế. Theo đó, cơ sở giáo dục, đào tạo nhà nước khi cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo theo mức học phí theo quy định của nhà nước thì sử dụng hóa đơn và thực hiện kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. [5]

Tuy nhiên, với 90% học phí chương trình IGCSE Cambridge được chuyển cho doanh nghiệp theo đề án thí điểm song bằng tại một số trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội liệu có phải một hình thức lách luật, làm thất thoát nguồn thu ngân sách?

Tại sao Nhà nước lại phải chi ngân sách cho chi phí quản lý, cơ sở vật chất, dịch vụ công cộng, trang thiết bị đồ dùng giảng dạy tại các lớp song bằng, còn tiền học phí thì doanh nghiệp hưởng 90%? Có hay không nhóm lợi ích đằng sau các lớp song bằng? Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chịu trách nhiệm gì trong việc triển khai đề án thí điểm song bằng?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://c2leloi.pgdhadong.edu.vn/van-ban/detail/Trien-khai-chuong-trinh-song-bang-song-ngu-32/

[2]http://thcsnghiatan.caugiay.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-thuc-hien-chuong-trinh-song-bang-cambritgde-cua-tru.html

[3]http://thcscaugiay.edu.vn/News.aspx?newId=633

[4]https://dauthau.info/businesslistings/detail/CONG-TY-CO-PHAN-SINH-NGU-EPC-90302/

[5]https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/m/hoidap/dscauhoi/hdtk_chitiet;jsessionid=2x1Iti2QZcjAwW0aZKByVrHcohG0aUnomHs53PnoFUQtz3KlkLJd!969022310!-1217996742?id=145100&_adf.ctrl-state=15t01uprx7_4&_afrLoop=109033805349596377#!%40%40%3F_afrLoop%3D109033805349596377%26id%3D145100%26_adf.ctrl-state%3D1b2z58nlt9_4

Hồng Thủy