Cần quy định NCS được phép nghỉ việc bao lâu/năm học để hoàn thành luận án

13/07/2023 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nên có quy định GV được phép nghỉ việc ở cơ quan để hoàn thành luận án là bao nhiêu lâu/năm học? Các chỉ tiêu công việc ngoài giảng dạy cũng cần được giảm tải

Không ít giảng viên làm nghiên cứu sinh phải kéo dài thời gian học tập và nghiên cứu. Do vậy, để giảng viên hoàn thành luận án trong thời gian đào tạo tiêu chuẩn, không chỉ xuất phát từ nỗ lực của bản thân nghiên cứu sinh, mà còn cần đến sự hỗ trợ từ cơ sở đào tạo, cơ chế chính sách của nhà nước. Trong đó, cần quy chuẩn hóa đầu vào nghiên cứu sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về nguyên nhân khiến giảng viên làm nghiên cứu sinh kéo dài thời gian học, từ đó đưa ra một số đề xuất.

Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC

Theo thầy Kiền, thứ nhất, nghiên cứu sinh chưa sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành luận án.

Khoản 1 Điều 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 quy định: "1. Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng)".

"Khi học tiến sĩ, nhiều nghiên cứu sinh có tâm lý chủ quan, nghĩ mình có tận 3 năm để làm luận án nên không cần gấp gáp. Do vậy, nhiều người đến năm thứ 3 mới tập trung viết đề tài trong trạng thái bị cuống", thầy Kiền nói.

Thứ hai, nhiều nghiên cứu sinh, đặc biệt là nghiên cứu sinh ngành Khoa học xã hội thường đặt ra lý tưởng quá lớn khi mới thực hiện luận án.

"Về bản chất, luận án tiến sĩ là một công trình nghiên cứu để hoàn thành một bậc học nên các yêu cầu, tiêu chuẩn được quy định rõ ràng. Điều khiến giảng viên kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh cũng do họ đặt ra lý tưởng quá cao, nên sau vài năm tập trung đọc, học, nhưng chưa thể giải quyết nhiệm vụ cốt lõi của luận án.

Lúc này, thời gian làm nghiên cứu sinh sắp hết, giảng viên định dạng lại đề tài, thậm chí xin đổi tên đề tài, chuyển hướng nghiên cứu,… kéo theo nhiều việc phát sinh, thời gian làm luận án thêm dài”, thầy Kiền cho biết.

Thứ ba, điều kiện học tập của nghiên cứu sinh trong nước còn hạn chế. Hiện nay, với giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, có học bổng, gần như được cấp tiền chỉ để tập trung làm xong luận án. Còn đối giảng viên được trường cử đi học trong nước chỉ được giảm một số giờ giảng còn lại vẫn phải hoàn thành tất cả các nhiệm vụ ở trường, dẫn tới bị quá tải.

Việc kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh sẽ dẫn tới tốn kém thêm tiền bạc và thời gian. Cụ thể, quá trình kéo dài thời gian học và nghiên cứu, giảng viên phải đóng tiền học phí như trong thời gian học tiêu chuẩn, cộng thêm bị tâm lý, áp lực khiến công việc khác cũng bị ảnh hưởng theo.

Ở một số trường, hoàn thành luận án là nhiệm vụ giảng viên phải cam kết khi làm nghiên cứu sinh. Do vậy, việc không hoàn thành luận án sẽ ảnh hưởng kết quả đánh giá lao động hàng năm của giảng viên.

“Thực tế, nhiều giảng viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn bị cắt thu nhập tăng thêm vì quá thời hạn hoàn thành luận án. Thậm chí, trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn, có nghiên cứu sinh phải bỏ luôn luận án dù đã thực hiện được phần lớn nội dung vì các vấn đề được đặt ra từ khi thi đầu vào đã lạc hậu so với thực tiễn”, thầy Kiền chia sẻ.

Ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, các kỳ tuyển sinh sau đại học, nhà trường yêu cầu mỗi đơn vị đào tạo phải thành lập một Hội đồng thẩm định hồ sơ chuyên môn của nghiên cứu sinh. Hội đồng có khoảng 5 chuyên gia thuộc lĩnh vực hẹp của ngành. Lần lượt từng ứng viên được Hội đồng thẩm định đánh giá hồ sơ và chốt tên đề tài thực hiện. Thực tế, trong quá trình thực hiện luận án, nếu nghiên cứu sinh của Viện có xin thay đổi thì chỉ được thay đổi phạm vi khảo sát hoặc đối tượng khảo sát.

Cũng theo thầy Kiền, hiện nay việc đánh giá đầu ra đối với nghiên cứu sinh của hội đồng khoa học đánh giá luận án được tổ chức bài bản và kỹ lưỡng. Tuy nhiên, hội đồng đánh giá đầu vào của nghiên cứu sinh lại chưa được quy định rõ ràng và cẩn thận trong quy chế đào tạo, cùng văn bản pháp quy khác.

Điều này dẫn tới việc thẩm định tên đề tài, hướng nghiên cứu,… nhiều khi bị xem nhẹ. Hậu quả là nghiên cứu sinh thực hiện một thời gian mới nhận thấy luận án quá rộng hoặc quá hẹp, thậm chí không khả thi.

Do vậy, thầy Kiền kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các đơn vị đào tạo nghiên cứu sinh cần quy chuẩn hóa đầu vào nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách ưu tiên với giảng viên làm nghiên cứu sinh ở trong nước.

Ví dụ như, quy định thời gian giảng viên được phép nghỉ việc ở trường để hoàn thành luận án là bao nhiêu lâu/năm học? Các chỉ tiêu công việc khác ngoài giảng dạy của giảng viên cũng cần được quan tâm và giảm tải hơn.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, bản thân nghiên cứu sinh luôn thiếu thời gian học tập và nghiên cứu. Với hình thức đào tạo không tập trung, lại là đối tượng cán bộ giảng viên làm nghiên cứu sinh nên hầu hết họ không hoàn thành đúng tiến độ học tập.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Ngọc Mai)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: Ngọc Mai)

"Việc vừa học, vừa đảm bảo số giờ dạy khiến giảng viên không thể có thời gian tập trung hoàn toàn vào nghiên cứu, viết luận án. Ví dụ, ngoài thu xếp để dạy học, đọc tài liệu, việc bố trí các chuyến đi điền dã, khảo sát, điều tra ở các địa bàn xa là vô cùng khó khăn đối với giảng viên. Chính vì thế, với thời gian ít ỏi, khó tập trung, chất lượng luận án không thể tốt",

_Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn chia sẻ_

Để có quy chuẩn đánh giá đầu vào nghiên cứu sinh tốt hơn, nhằm hạn chế tình trạng nghiên cứu sinh kéo dài thời gian học. Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn cho rằng, để quy chuẩn hoá đầu vào nghiên cứu sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các đơn vị đào tạo tiến sĩ cần thực hiện một số lưu ý sau:

Một là, cần cụ thể hóa hơn nữa quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy định này nên bao gồm các tiêu chí và quy trình đánh giá đầu vào của nghiên cứu sinh; việc thẩm định tên đề tài, hướng nghiên cứu, khả năng thực hiện và tiếp cận nguồn tài liệu.

Hai là, thiết lập hội đồng đánh giá đầu vào đảm bảo tính chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Hội đồng nên bao gồm: các chuyên gia trong lĩnh vực tương ứng và phải có kinh nghiệm trong đánh giá luận án.

Ba là, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ từ phía người hướng dẫn và đơn vị đào tạo tiến sĩ. Ví dụ: người hướng dẫn cần đưa ra ý kiến đề xuất về tên đề tài, hướng nghiên cứu và tính khả thi của luận án. Đơn vị đào tạo tiến sĩ cần xem xét hỗ trợ để nghiên cứu sinh quyết định đề tài, chọn hướng nghiên cứu đúng, kịp xử lý trong thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Bốn là, cần đánh giá định kỳ trong quá trình học tập và nghiên cứu của giảng viên, nhằm đảm bảo luận án được thực hiện đúng hướng. Từ đó, giúp giảng viên sớm nhận biết và điều chỉnh nếu có bất kỳ vấn đề phát sinh liên quan đến quy mô, tính khả thi của đề tài.

“Việc quy chuẩn hóa đánh giá đầu vào nghiên cứu sinh là tiền đề nhằm đảm bảo chất lượng luận án, đồng thời giúp hạn chế được tình trạng giảng viên kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh”, Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Ngọc Mai