Chuyên gia kiến nghị cần miễn học phí cho đào tạo nghiên cứu sinh

27/06/2023 06:42
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo chuyên gia, việc huy động chính sách học bổng cho đội ngũ NCS không chỉ là việc của trường ĐH nữa, mà cần thiết phải có sự tham gia của nhà nước.

Đào tạo tiến sĩ được xem là đào tạo tinh hoa, nhằm tạo ra đội ngũ cán bộ làm khoa học - lực lượng nòng cốt cho sự phát triển khoa học nước nhà. Tuy nhiên, thực tế quy mô đào tạo sau đại học ở nước ta rất thấp và không tăng trong nhiều năm qua.

Một trong những lý do khiến nhiều người không mặn mà với việc học tiến sĩ chính là những yêu cầu về thời gian, công sức, trí tuệ ở bậc học này; trong khi đó, các chính sách hỗ trợ về chi phí, học bổng cho nghiên cứu sinh lại khá “eo hẹp” và gần như thiếu vắng.

Khó thu hút đầu tư của doanh nghiệp vì tính ứng dụng của một số luận án chưa cao

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó giáo sư – Tiến sĩ Hồ Xuân Quang - Trưởng Phòng Đào tạo sau đại học (Trường Đại học Quy Nhơn) cho rằng, tài chính là một trong những rào cản hiện nay của đào tạo tiến sĩ trong nước:

“Yêu cầu hiện nay đối với đào tạo tiến sĩ là đào tạo toàn thời gian, hướng đến mục tiêu giúp nghiên cứu sinh có thể chuyên tâm vào nghiên cứu, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi khoa học tại cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, do không có nguồn lực tài chính hỗ trợ cho người học và cho cơ sở đào tạo nên rất khó để thực hiện”.

Tài chính đang là một trong những trở ngại trong đào tạo tiến sĩ hiện nay ở nước ta. Ảnh minh họa: TL

Tài chính đang là một trong những trở ngại trong đào tạo tiến sĩ hiện nay ở nước ta. Ảnh minh họa: TL

Thầy Quang cho rằng, điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới tình hình tuyển sinh đào tạo tiến sĩ hiện nay ở các cơ sở đào tạo trong nước gặp khó khăn. Ngoài ra, vì không có sự tập trung toàn thời gian cho nghiên cứu, nên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các luận án tiến sĩ.

Được biết, cũng như nhiều cơ sở đào tạo khác ở nước ta, hiện Trường Đại học Quy Nhơn chưa có các hỗ trợ học bổng nghiên cứu sinh, học viên cao học từ nguồn ngân sách đơn vị.

Tuy nhiên, thông qua các chương trình hợp tác, kết nối với doanh nghiệp, học viên, nghiên cứu sinh của trường có cơ hội nhận học bổng qua thụ hưởng Thỏa thuận hợp tác giữa Nhà trường với Quỹ VINIF. Mức học bổng hỗ trợ đối với nghiên cứu sinh là 150 triệu đồng/năm; Thạc sĩ là 120 triệu đồng/năm. Trong 3 năm trở lại đây, đã có nhiều nghiên cứu sinh, học viên cao học của trường nhận được học bổng này.

Ngoài ra, Nhà trường cũng tận dụng tối đa các nguồn lực hợp pháp từ các dự án hợp tác, tài trợ quốc tế như MOMA (với các trường đại học của Đức, Bỉ, Hà Lan), IUC (tài trợ từ Chính phủ Bỉ) để cấp học bổng cho nghiên cứu sinh có đề tài luận án và công bố khoa học về các vấn đề phù hợp với tôn chỉ, mục tiêu của các dự án này.

Qua thực tế trao đổi, kết nối với các doanh nghiệp, vị Trưởng phòng chia sẻ, các cơ sở đào tạo hiện nay cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tìm kiếm nguồn học bổng cho nghiên cứu sinh từ các doanh nghiệp. Bởi tính ứng dụng của một số luận án chưa cao, kết quả nghiên cứu của luận án đến thực tiễn giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp vẫn còn có khoảng cách khá lớn... nên doanh nghiệp chưa thể “mạo hiểm” đầu tư, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh, học viên cao học.

Đề xuất giải pháp cho đào tạo tiến sĩ hiện nay, Phó giáo sư Quang đề nghị, trước mắt cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các đề án đã được Chính phủ phê duyệt trước đó:

“Nhanh chóng, quyết liệt triển khai có hiệu quả bằng những giải pháp cụ thể, khả thi để các Đề án 69 (về Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025) và Đề án 89 (về Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030) đã được Chính phủ phê duyệt sớm đạt được mục tiêu và kế hoạch đã đề ra”.

Bên cạnh đó, việc tăng học phí theo hướng tính đúng tính đủ chi phí thì mới đảm bảo nâng cao được chất lượng đào tạo”.

Cần sự hỗ trợ mạnh hơn nữa cho đối tượng nghiên cứu sinh trong nước

Cũng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho rằng, giải pháp gỡ rối hiện nay là nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới các chính sách học bổng dành cho nghiên cứu sinh.

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, việc huy động các chính sách học bổng cho đội ngũ nghiên cứu sinh không chỉ là công việc của trường đại học nữa, mà cần thiết phải có sự tham gia ráo riết của nhà nước.

“Bởi hiện nay các cơ sở giáo dục đại học đều đã thực hiện tự chủ tài chính, tự túc về các kinh phí nên rất khó để dành nhiều nguồn ngân sách chi cho hoạt động đào tạo tiến sĩ. Tất nhiên, các trường vẫn phải cần chủ động vận dụng các nguồn khác nhau như hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để có thêm tài trợ cho nghiên cứu sinh. Và nhà nước vẫn phải là kênh quan trọng nhất trong đầu tư đào tạo tiến sĩ”.

Vị chuyên gia nhìn nhận rằng, công tác đầu tư cho đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua vẫn chưa được nhà nước quan tâm đúng mức. Theo đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp kiến nghị, cần thiết phải xây dựng một quỹ học bổng tiến sĩ cấp nhà nước với nguồn lực đủ mạnh, đảm bảo tạo động lực thật sự cho đội ngũ trí thức theo đuổi tiếp con đường làm nghiên cứu sinh.

Chính sách cần đủ mạnh được Tiến sĩ Phạm Hiệp đặc biệt nhấn mạnh. Bởi, trước Đề án 89, Chính phủ cũng từng triển khai hai đề án tương tự nhằm đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng đều không đạt mục tiêu.

Theo Đề án 89, mức hỗ trợ cho các giảng viên làm tiến sĩ trong nước từ từ 13 - 20 triệu đồng/năm/giảng viên. Như vậy, trung bình mỗi tháng, nghiên cứu sinh chỉ được hỗ trợ khoảng trên 1 triệu đồng; trong khi đòi hỏi nghiên cứu sinh phải thực hiện đào tạo toàn thời gian, chưa kể đa số các nghiên cứu sinh phải tự bỏ thêm kinh phí để thực hiện các đề tài nghiên cứu,...

Tiến sĩ Phạm Hiệp đặt vấn đề: Hiện nay, mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm hàng tháng đã là 3,63 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ), ngoài ra người học còn được miễn hoàn toàn học phí. Như vậy, mức hỗ trợ cho nghiên cứu sinh hiện nay lại chỉ bằng 1/3 so với các cử nhân.

Theo đó, chuyên gia kiến nghị, Đề án 89 cần có sự điều chỉnh về mức kinh phí hỗ trợ cho giảng viên làm tiến sĩ trong nước. “Cần có sự hỗ trợ mạnh hơn nữa cho các đối tượng nghiên cứu sinh trong nước, thay vì chỉ tập trung cho đào tạo nghiên cứu sinh ở nước ngoài”, Tiến sĩ Phạm Hiệp nêu ý kiến.

Cụ thể, cần thực hiện miễn học phí cho đào tạo nghiên cứu sinh (nhà nước chi trả học phí). Ngoài ra, cần có các chính sách chi trả lương cho nghiên cứu sinh với các yêu cầu nghĩa vụ đi kèm như tham gia trợ giảng, nghiên cứu,... Điều này nhằm đảm bảo cho cho người học có thêm chi phí hỗ trợ sinh hoạt khi đã dừng hết các công việc khác để chuyên tâm vào nghiên cứu toàn thời gian.

Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, chuyên gia kiến nghị trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm việc với Bộ Tài chính để thống nhất lại về mức hỗ trợ cho nghiên cứu sinh. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn nhằm tạo thuận lợi cho người học.

“Muốn thực hiện đào tạo tiến sĩ toàn thời gian, nghĩa là các nghiên cứu sinh phải bỏ hết các công việc khác để chuyên tâm nghiên cứu trong thời gian 3 năm. Do đó, mức học bổng hỗ trợ hàng tháng ít nhất phải tương đương với mức lương của một giảng viên trẻ”, chuyên gia Phạm Hiệp phân tích.

Theo con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021 cả nước chỉ đạt xấp xỉ 122 ngàn (110 ngàn học viên thạc sĩ và 12 ngàn nghiên cứu sinh tiến sĩ). Tính tỉ lệ trên dân số chưa bằng 1/3 so với Malaysia và Thailand và 1/2 so với Singapore và Philippines, xấp xỉ 1/9 lần so với mức trung bình của các nước OECD.

So với tổng quy mô đào tạo của 3 trình độ cấp văn bằng giáo dục đại học (cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ và các văn bằng trình độ tương đương), quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ chiếm tỉ trọng xấp xỉ 5,0%, ở trình độ tiến sĩ chưa đạt 0,6%.

Doãn Nhàn