Nghiên cứu sinh trải lòng về lý do không thể hoàn thành thời gian học đúng hạn

26/06/2023 06:40
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do bị chi phối bởi nhiều yếu tố nên có nghiên cứu sinh phải kéo dài thời gian học so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Theo khoản 1 Điều 3 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 quy định:

"1. Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định, bảo đảm phần lớn nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian này; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn...".

Tuy nhiên, trên thực tế, khó khăn của không ít giảng viên khi làm nghiên cứu sinh là cùng với việc học, họ còn làm các công việc khác như giảng dạy... nên không thể tập trung toàn thời gian cho nghiên cứu.

Bên cạnh đó, do bị chi phối bởi các yếu tố chủ quan, khách quan nên có những nghiên cứu sinh phải kéo dài thời gian học so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Đáng nói, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian học tập mà còn khiến các cơ sở giáo dục đại học khó đạt tiêu chuẩn tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ như trong dự thảo "Chuẩn cơ sở giáo dục đại học" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Vietnamnet

Ảnh minh hoạ: nguồn Báo Vietnamnet

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô H. - Phó Trưởng khoa Khoa Tài chính ngân hàng của một trường đại học ở Nghệ An cho biết, cô bắt đầu làm nghiên cứu sinh từ năm 2020 ở một cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội. Nếu theo đúng thời gian đào tạo tiêu chuẩn thì khoảng 3-4 năm là cô H. bảo vệ luận án tiến sĩ, nhưng vì một số nguyên nhân nên cô phải kéo dài thời gian nghiên cứu.

“Năm 2023 là năm thứ 4 tôi làm nghiên cứu sinh. Hiện tôi đang trong quá trình tự nghiên cứu, viết đề tài, chuyên đề và viết bài báo khoa học. Bản thân tôi không thể trả lời chính xác là có thể hoàn thành đề tài, bảo vệ luận án tiến sĩ khi nào bởi còn đó rất nhiều yếu tố chi phối. Có thể, tôi sẽ phải kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh thêm 1-2 năm nữa”, cô H. chia sẻ.

Khó khăn ở chỗ, thời điểm cô H. bắt đầu học tiến sĩ, trường đại học nơi cô công tác có chính sách hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ trong vòng 3 năm (nghiên cứu sinh phải hoàn thành bảo vệ luận án) như: miễn 100% học phí, hỗ trợ tiền xăng, xe cho giảng viên di chuyển đến cơ sở làm nghiên cứu, giảm còn 60% định mức giảng dạy, được hưởng nguyên lương, và trở về trường sau 3 năm hoàn thành học tiến sĩ sẽ được thưởng 40 triệu đồng (1 lần duy nhất).

Tuy nhiên, do cô H. không kịp bảo vệ luận án tiến sĩ trong vòng 3 năm, phải kéo dài thời gian học thêm 1-2 năm nữa nên cô đã làm đơn xin phép nhà trường tạo điều kiện tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ. Nhưng trường chỉ giảm định mức đứng lớp thêm cho cô H. trong năm 2023 (dạy 60% số tiết), còn học phí, chi phí đi lại… cô H. phải tự lo.

"Sau năm 2023, nếu đề tài chưa hoàn thành thì tôi cũng không được giảm định mức giảng dạy, chưa kể, tôi lại tiếp tục phải đảm nhận công tác nghiên cứu khoa học ở trường nên chắc chắn việc làm nghiên cứu sinh sẽ vất vả hơn rất nhiều”, cô H. chia sẻ khó khăn.

Để dẫn đến việc kéo dài thời gian học tiến sĩ so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn là điều cô H., người thân và lãnh đạo nhà trường không mong muốn.

“Ngoài trình độ, năng lực, thì còn có quá nhiều công việc phải lo, chi phí phát sinh, trách nhiệm chăm lo cho gia đình, đảm bảo số tiết giảng dạy nên trong 3 năm học tiến sĩ, có thời điểm tôi bị sao nhãng, không sắp xếp được kế hoạch dẫn đến việc học tập chậm tiến độ, phải kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh", cô H. tâm sự.

Cô H. tâm sự: Thứ nhất, nghiên cứu khoa học là quá trình liên tục, thường xuyên. Tuy nhiên, trong 3 năm nghiên cứu sinh, cô H. vừa phải hoàn thành trách nhiệm của một cán bộ quản lý ở Khoa, vừa tham gia công tác giảng dạy đảm bảo định mức, nên thời gian của cô bị phân tán, ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, làm đề tài do không thể tập trung cao độ, toàn tâm toàn sức học hành.

“Hiện tại, ở Khoa nơi tôi công tác cũng đang tiến hành đổi mới đột phá mạnh mẽ nhiều nội dung nên đòi hỏi cán bộ quản lý của Khoa phải chung tay vào cuộc, chỉ đạo. Có thời điểm, tôi phải dành nhiều thời gian để xử lý công việc của Khoa nên học tập, làm đề tài tiến sĩ bị chậm. Để cân đối, tôi buộc phải thức khuya, dậy sớm để chu toàn mọi việc, thực sự quá đỗi vất vả”, cô H. chia sẻ.

Thứ hai, nhiều chi phí phát sinh trong quá trình làm nghiên cứu khiến cô H. chán nản, đắn đo học tiếp.

“Trong giai đoạn dịch COVID-19, tôi học online. Tuy nhiên, sau dịch, 2 ngày cuối tuần nào tôi cũng tranh thủ bắt xe khách đi đêm từ Nghệ An ra Hà Nội để tham gia lớp học trực tiếp. Chi phí cho mỗi lần di chuyển, tiền ăn, ngủ nghỉ thường dao động từ 1.500.000 – 2.000.000 đồng (chưa tính tiền taxi di chuyển trong nội thành Hà Nội). Gần đây, do khó khăn về kinh phí nên tôi không ra Hà Nội thường xuyên, có ra thì cũng chỉ đi lại trong 1 ngày để tiết kiệm tiền", cô H. chia sẻ.

Cũng theo cô H., cùng khóa đào tạo trình độ tiến sĩ với cô có người trẻ, không làm việc ở vị trí quản lý, không giảng dạy, không vướng bận gia đình nên việc học tập, nghiên cứu của họ có nhiều thuận lợi hơn.

"Dù quá trình nghiên cứu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng tôi sẽ cố gắng hoàn thành và bảo vệ luận án tiến sĩ càng sớm càng tốt, đỡ tốn chi phí nhưng với khối lượng công việc phải làm hiện tại, nguồn kinh phí hạn hẹp, giả sử phải kéo dài thêm nhiều năm nghiên cứu sinh nữa thì có lẽ tôi không thể tiếp tục", cô H. bộc bạch.

Được biết, tại cơ sở giáo dục đại học cô H. công tác cũng có một số giảng viên vì khó khăn kinh tế, không bố trí được công việc nên phải kéo dài thời gian nghiên cứu sinh. Điều này không chỉ làm chậm tiến độ học tập, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình nâng cao tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học.

Cũng trong hoàn cảnh phải kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh, cô N.T.T. (sinh năm 1989) – giảng viên đại học cho biết, tháng 12/2018 cô bắt đầu làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Thú y tại một trường đại học tại Huế (cách nhà cô T. 360 km). Theo đúng thời gian đào tạo tiêu chuẩn, năm 2022, cô T. phải bảo vệ luận án tiến sĩ nhưng do đặc thù lĩnh vực nghiên cứu cần nhiều thời gian để làm thí nghiệm, thử nghiệm kết quả, và phát sinh một số vấn đề cá nhân nên cô T. phải kéo dài thời gian nghiên cứu sinh đến giữa hoặc cuối năm 2024.

"Khó khăn về tài chính khiến thời gian tôi làm nghiên cứu sinh dài càng thêm dài”, cô T. chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân, cô T. cho biết, trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc di chuyển bị siết chặt nên làm nghiên cứu sinh bị gián đoạn.

Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển các hóa chất từ nước ngoài về Việt Nam để thực hiện đề tài của cô T. Cụ thể, tháng 6/2021, cô T. đặt hàng một số hoá chất phục vụ nghiên cứu có nguồn gốc ở nước ngoài nhưng hơn 1 năm sau mới chuyển được về Việt Nam. Tuy nhiên, trong lô hàng lại có những hoá chất không đạt yêu cầu đảm bảo chất lượng theo đúng ý tưởng nghiên cứu nên cô T. phải chuyển hướng sang làm đề tài mới, kéo dài thời gian nghiên cứu sinh.

Chưa kể, cô T. còn phải đảm bảo định mức giảng dạy, làm công tác Đoàn của Khoa, chăm sóc con nhỏ, di chuyển đến đơn vị làm nghiên cứu sinh xa xôi… nên việc cân đối, sắp xếp thời gian để tập trung nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

Thậm chí, có thời điểm, các thí nghiệm lâu cho ra kết quả khiến quá trình thử nghiệm cũng như viết đề tài và xuất bản bài báo khoa học của cô T. bị chậm tiến độ.

“Do trường đại học nơi tôi công tác không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, nên tôi phải di chuyển hơn 360km từ nhà đến cơ sở đào tạo tiến sĩ ở Huế để học và làm thí nghiệm. Trong quá trình chờ kết quả (có bước nghiên cứu phải 3 tháng mới cho ra kết quả) tôi lại di chuyển về trường đại học để giảng dạy. Quãng đường di chuyển xa nên tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến sức khoẻ”, cô T. chia sẻ.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân chủ quan khiến phải kéo dài thời gian nghiên cứu sinh, cô T. cho biết, trong năm đầu tiên học tiến sĩ, cô T. phải dừng học 6 tháng để sinh con. Ngoài ra, cũng do khả năng sử dụng tiếng Anh của cô T. để viết bài báo khoa học liên quan đến đề tài còn hạn chế.

Thời điểm cô đi học tiến sĩ thì quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đang công tác chỉ hỗ trợ toàn bộ học phí, chi phí đi lại… cho cô trong vòng 3 năm. Đến nay, cô T. đã quá thời hạn 3 năm chưa hoàn thành luận án nên không được nhận hỗ trợ và phải dạy 100% định mức giờ giảng.

“Quá hạn thời gian được nhận hỗ trợ, phải tự chi trả học phí với những năm kéo dài nghiên cứu sinh là khó khăn đối với tôi, nhất là chi phí mua hoá chất ở nước ngoài rất đắt, chưa kể chi phí làm thử nghiệm kết quả nghiên cứu.

Một khó khăn nữa đó là do tôi chưa hoàn thành thủ tục thanh toán các khoản chi phí nên chưa được nhận hỗ trợ từ phía nhà trường”, cô T. tâm sự.

Cô T. cho biết, hiện tại, do bộn bề công việc ở trường và gia đình nên không có nhiều thời gian để viết báo cáo.

“Tôi mong nhà trường hỗ trợ xem xét giảm định mức tiết dạy để tôi có nhiều thời gian tập trung hoàn thành đề tài.

Ngoài ra, chế độ cho giảng viên học tiến sĩ quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của trường đang áp dụng chung cho tất cả các ngành là chỉ hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ trong 3 năm phải bảo vệ thành công luận án. Nhưng trên thực tế, đặc thù lĩnh vực, thời gian hoàn thành nghiên cứu mỗi ngành học không giống nhau.

Cụ thể, với những ngành về kinh tế không cần thời gian làm thí nghiệm nhiều nên có thể dễ dàng bảo vệ luận án tiến sĩ trong 3 năm. Còn khối ngành kỹ thuật, công nghệ sinh học… bắt buộc phải làm ra sản phẩm, ví dụ như chế tạo thuốc… nên cần nhiều thời gian thí nghiệm, thử nghiệm, xong mới viết báo cáo, xuất bản bài báo khoa học.

Tôi rất mong, quy chế chi tiêu nội bộ của trường có thể kéo dài thời gian hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ từ 3 năm lên 4 năm, 5 năm đối với các ngành đặc thù về kỹ thuật, công nghệ để cùng chia sẻ với nghiên cứu sinh... không nên áp dụng hỗ trợ chung cho tất cả các ngành”, cô T. mong muốn.

Ngọc Mai