Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều ý kiến của độc giả chia sẻ không tìm được thông tin công khai cam kết chất lượng của trung tâm tiếng Anh mà con họ đang theo học. Cùng với đó, chất lượng của giáo viên nước ngoài đến đâu, bằng cấp được quy định thế nào?
Độc giả băn khoăn, ngay cả khi họ đóng học phí cũng không nhận được văn bản, thông tin nào gửi về cam kết chất lượng đầu ra. Họ nghi ngại, trong trường hợp nếu trung tâm dạy không đảm bảo chất lượng, phụ huynh cũng khó có căn cứ để đòi quyền lợi chính đáng. Bởi số tiền học phí cho các khóa tiếng Anh thường lên đến hàng chục triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ.
Độc giả mong muốn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tư vấn, thông tin về các quy định liên quan đến nội dung trên để họ có thể hiểu rõ hơn.
Khoản 2, Điều 30 Thông tư 21 quy định về việc các trung tâm ngoại ngữ phải công khai và cam kết chất lượng giáo dục nhưng nhiều trung tâm không thực hiện nghiêm quy định này. (Ảnh: cắt màn hình) |
Theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT về quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, giáo viên người Việt Nam phải có bằng cao đẳng sư phạm hoặc bằng ngoại ngữ (kèm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) mới được đứng lớp dạy tại trung tâm.
Trong khi đó, tại khoản 6 Điều 18 có nêu giáo viên là người nước ngoài đủ Điều kiện dạy ngoại ngữ khi đạt tiêu chuẩn: có bằng cao đẳng trở lên, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ từ bậc 5 trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương và chứng chỉ đào tạo dạy ngoại ngữ phù hợp.
Theo quy định trên giáo viên người nước ngoài dạy tại trung tâm tiếng Anh chỉ cần có bằng cao đẳng trở lên và có chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo quy định. Tuy nhiên, Thông tư này, giáo viên nước ngoài không yêu cầu tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm.
Đây cũng là vấn đề gây băn khoăn đặt câu hỏi, quy định không yêu cầu giáo viên nước ngoài không tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm nên có thể thiếu kĩ năng, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Hồ Thùy Anh, chuyên gia về lĩnh vực tiếng Anh cho rằng, Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục là sự khuyến khích về nguồn tuyển giáo viên nước ngoài cho các trung tâm giảng dạy tiếng Anh.
Thực tế khách quan cho thấy, việc người học được tiếp xúc trực tiếp với giáo viên nước ngoài đã tạo ra sự tự tin hơn trong giao tiếp cho các em. Bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên nước ngoài còn mang nền văn hóa của đất nước họ đến với người học.
"Chúng ta phải tạo ra cơ chế để mọi người tin rằng, mục tiêu học tiếng Anh là để giao tiếp, bên cạnh đó cho dù giáo viên đến từ đâu, nếu họ có kinh nghiệm giảng dạy, yêu trẻ và bằng cấp, chứng chỉ phù hợp, đó là tiêu chuẩn cơ bản để tuyển giáo viên", bà Thùy Anh chia sẻ.
Theo Thạc sỹ Thùy Anh, đối với giáo viên có chuyên môn sư phạm hoặc không có, trung tâm tiếng Anh phải có sự đào tạo, huấn luyện lại cho giáo viên về chương trình giảng dạy. Đồng thời, trung tâm phải thường xuyên dự giờ đánh giá giảng dạy của giáo viên.
"Bộ Giáo dục nên có cơ chế giám sát hoạt động của các trung tâm để bảo đảm chất lượng. Thực tế qua quá trình tôi đi giảng dạy, tôi thấy giáo viên nước ngoài dù không có bằng sư phạm nhưng họ cũng có điểm mạnh khác", Thạc sỹ Thùy Anh cho hay.
Theo đó, việc quan trọng của Bộ Giáo dục hay các cơ quan quản lý không phải là nâng hoặc hạ chuẩn xuống. Bởi nếu không có cơ chế giám sát hoạt động, bảo đảm chất lượng cũng không đạt chuẩn.
"Điều quan trọng trong việc nâng cao chất lượng của trung tâm là phải có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng giúp giáo viên nước ngoài thích nghi, đồng thời là cơ chế đầu ra, phương pháp giảng dạy...", Thạc sỹ Thùy Anh nói.
Phụ huynh chỉ quan tâm bằng cấp, không quan tâm đến cam kết chất lượng
Tại Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT có quy định về việc các trung tâm ngoại ngữ phải "công bố công khai và có trách nhiệm giải trình các cam kết chất lượng giáo dục thực tế,các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục...", tuy nhiên trong thực tế nhiều trung tâm không thực hiện nghiêm quy định trên.
Thạc sỹ Thùy Anh cho hay, quy định về việc trung tâm ngoại ngữ phải công bố công khai và cam kết chất lượng giáo dục, chưa được các trung tâm thực hiện nghiêm chỉnh.
"Để tìm trung tâm tiếng Anh có chất lượng, phụ huynh cần để ý về cơ sở vật chất về phòng học, khu vực vệ sinh, đồ chơi.... của trung tâm có đảm bảo an toàn cho con hay không. Sau đó, phụ huynh phải làm sao để cho trẻ cảm thấy yêu thích học tiếng Anh để có hứng thú với việc học", Thạc sỹ Thùy Anh chia sẻ.
Theo đó, chất lượng giáo dục tại các trung tâm chỉ là sự uy tín giữa họ với phụ huynh. Phụ huynh chỉ quan tâm đến chất lượng đầu ra để con có bằng cấp, qua môn học... nhưng họ không quan tâm đến việc phải làm sao để con có sự yêu thích ngoại ngữ và giao tiếp tốt. Bởi vậy, các trung tâm đều quảng cáo chạy theo bằng cấp, chứng chỉ.
Hiện nay, nhiều trung tâm có bộ phận chăm sóc khách hàng để tìm mọi cách lôi kéo phụ huynh cho con học. Tuy nhiên, sau khi học viên vào học, trung tâm lại không có sự quan tâm đến người học.
"Các trung tâm phải thực hiện công khai cam kết đầu ra với học viên, đồng thời với đó là các điều kiện đi kèm cho người học. Tuy nhiên, nhiều trung tâm không làm điều này", Thạc sỹ Thùy Anh chia sẻ.
Trước câu hỏi về việc nhiều trung tâm tiếng Anh không công khai cam kết chất lượng, Thạc sỹ Thùy Anh cho hay, phụ huynh có quyền hỏi về bằng cấp, trình độ, chứng chỉ của giáo viên người nước ngoài.
"Nếu trung tâm không công khai, chứng tỏ chất lượng đầu vào của trung tâm (giáo viên, chương trình giảng dạy - phóng viên) có vấn đề", Thạc sỹ Thùy Anh cho hay.
Đề xuất về giải pháp nhằm nâng cao chất lượng của các trung tâm ngoại ngữ, Thạc sỹ Thùy Anh cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ các trung tâm, trong đó là việc cam kết chất lượng với phụ huynh.