Chấm thi 1,2 triệu/ngày, có trường cả tổ, nơi không GV nào, Sở GD TP.HCM nói gì?

14/07/2022 06:44
Ánh Dương - Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám khảo Thành phố Hồ Chí Minh được chi trả 1,2 triệu đồng/ngày chấm thi nhưng nhiều trường không có giáo viên nào được điều động làm nhiệm vụ.

Những ngày qua, nhiều giáo viên trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh, có trường gần như cả tổ được điều động tham gia chấm thi tốt nghiệp môn Ngữ văn nhưng cũng nhiều trường không có giáo viên nào tham gia.

Điều đáng nói là, năm nay giáo khảo làm nhiệm vụ được chi trả thù lao 1,2 triệu đồng/ngày công nhưng theo giáo viên việc điều động bất hợp lí khiến nhiều thầy cô thắc mắc.

Ảnh minh họa. P.L

Ảnh minh họa. P.L

Giáo viên bức xúc chuyện chấm thi

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều thầy cô dạy môn Ngữ văn ở quận Gò Vấp, Quận 3, Quận 5, Quận 10... bức xúc chia sẻ về việc điều động chấm thi năm nay. Các giáo viên đều yêu cầu bảo mật danh tính nên chúng tôi xin phép không nêu tên thầy cô.

Một giáo viên ở Quận 3 cho biết, năm nay trường thầy cô được điều động gần như cả tổ tham gia làm nhiệm vụ chấm thi và chấm phúc khảo. Có giáo viên ở quận Gò Vấp nói rằng, trường họ không có giáo viên nào được điều động làm giám khảo cả.

"Tôi tham gia chấm thi từ hơn 10 năm nay vì xem đó là nghĩa vụ phải làm của một giáo viên phổ thông. Năm nay tôi không dám về quê, cứ đợi danh sách chấm thi để đi làm nhiệm vụ nhưng rồi cả tổ chẳng ai được điều động. Nếu danh sách này được công bố sớm, tôi sẽ đưa con về quê nghỉ hè một thời gian cho thoải mái", giáo viên này nói.

Cùng chung nỗi lòng, một giáo viên ở Quận 10 chia sẻ, họ đã từng tham gia chấm thi từ nhiều năm nay và nghĩ đợt này cũng sẽ có tên trong danh sách nhưng rồi hiệu phó chuyên môn thông báo không có ai làm giám khảo cả.

"Kì thi tốt nghiệp năm 2021, tôi tham gia chấm thi khoảng 10 ngày, dịch bệnh bủa vậy, nhưng cũng gắng làm cho tròn nhiệm vụ. Tôi cảm thấy chạnh lòng và bức xúc ở chỗ, năm nay Thành phố chi trả thù lao 1,2 triệu đồng thì không đến lượt mình và giáo viên tổ mình, chẳng biết có lợi ích nhóm gì ở đây không", một giáo viên trải lòng.

Một số giáo viên ở Quận 5 tâm sự, thầy cô cứ ngóng danh sách từng ngày để đi chấm thi những mong có thêm chút thù lao trang trải nhưng rồi cũng không đến lượt. "Chưa năm nào tôi thoát làm giám khảo với mức thù lao khoảng 5000 đồng/bài thi nhưng năm nay thì không có tên", giáo viên buồn bã nói.

18 trường không tham gia chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Theo thông tin chúng tôi nắm được, có 90 trường/108 trường trung học phổ thông công lập được điều động tham gia chấm thi năm nay, như vậy có 18 trường không có tên. Có trường được điều động rất nhiều giám khảo nhưng nhiều trường chỉ có 1, 2 giám khảo (kể cả phúc khảo).

Việc điều động giám khảo giữa các trường chênh nhau khá nhiều khiến giáo viên nghi vấn có lợi ích nhóm. (Ảnh: Ánh Dương)Việc điều động giám khảo giữa các trường chênh nhau khá nhiều khiến giáo viên nghi vấn có lợi ích nhóm. (Ảnh: Ánh Dương)

Chẳng hạn, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh: 1 giám khảo hỗ trợ chấm thi; 1 giám khảo chấm thi; 1 giám khảo phúc khảo. Trường Trung học phổ thông Phạm Phú Thứ: 7 giám khảo chấm thi; 3 giám khảo phúc khảo.

Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh: 3 giám khảo phúc khảo; 3 giám khảo kiểm tra; 6 giám khảo chấm thi. Trường Trung học phổ thông Trần Phú: 10 giám khảo chấm thi. Trường Trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi có 21 giám khảo làm các nhiệm vụ liên quan.

Liên quan đến việc chấm thi tốt nghiệp, các giáo viên đều có chung quan điểm, ngoài chuyện thù lao ra, họ mong muốn được đi chấm thi để học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ là điều quan trọng nhất.

Thầy cô còn thông tin thêm, việc chấm thi tự luận môn Ngữ văn hàng năm đều có nhiều vấn đề bất cập. Ví dụ, hai giám khảo chấm bài chênh lệch nhau đến 2, 3 điểm, bởi có giáo viên chưa bao giờ dạy 12 nên chấm không chính xác.

Và thầy cô cũng băn khoăn ở chỗ, không biết Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn giám khảo dựa trên những tiêu chí nào. Một số thầy cô nêu quan điểm, chỉ nên điều động giáo viên dạy 12 (hoặc đã được phân công dạy 12 năm học mới) thì mới tham gia chấm thi nhằm tạo sự công công bằng cho thí sinh.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoàn toàn không có chuyện lợi ích nhóm gì trong việc phân công giáo viên đi chấm thi môn Ngữ văn.

Ông Hồ Tấn Minh lý giải, thành phố rất cần giáo viên dạy lớp 12 tham gia vào quá trình chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Còn nếu trường không có tên giáo viên tham gia vào việc chấm thi, có thể đến từ hai nguyên nhân là trường không cử giáo viên đi tham gia chấm thi, hoặc trường làm văn bản gửi Sở cử giáo viên đi chấm mà thời gian trễ hơn quy định, lúc đó đã chốt danh sách chấm thi rồi.

Giáo viên chấm thi môn Ngữ văn bắt buộc phải là giáo viên dạy lớp 12, còn các giáo viên được cử lên hội đồng chấm mà không dạy lớp 12 thì chỉ có thể tham gia vào quá trình hỗ trợ cho công tác chấm. Ví dụ: Giáo viên có thể làm thư ký, lên điểm, chấm kiểm tra…

Theo ông Hồ Tấn Minh, danh sách cử đi là nguyên tổ, nhưng không phải giáo viên nào được cử đi cũng đều tham gia vào công tác chấm thi.

Ánh Dương - Việt Dũng