Chẳng có quốc gia nào đầu vào tốt nghiệp THCS, học 1-2 năm có bằng trung cấp

01/05/2022 06:52
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp để khai thông việc dạy các môn học văn hóa gắn với nghề nghiệp.

Ngày 19/4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 1528/BGDĐT-GDTX trình Chính phủ về việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông từ khóa tuyển sinh năm 2022 phải phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên để thực hiện.

Theo lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm c khoản 1 Điều 28, Luật Giáo dục 2019 quy định, Chương trình giáo dục phổ thông phải được thực hiện với thời lượng đầy đủ trong 3 năm học cho các khối lớp 10, 11, 12.

Còn đối với Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông cũng phải thực hiện với thời lượng đủ 3 năm học.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 33, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định "thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 1 đến 2 năm học tùy theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo".

Do đó, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học trung cấp nghề chỉ học trong thời gian từ 1 đến 2 năm, không thể vừa hoàn thành chương trình đào tạo trung cấp, vừa hoàn thành Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: Tùng Dương)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, sự ra đời của các chương trình đào tạo 9+1, 9+2 đã dẫn đến nhiều nghi ngờ, lo ngại về chất lượng đào tạo.

Trong ba năm, hoàn thành 2 chương trình và có 2 bằng, điều này buộc Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn làm chặt hơn, để đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do mình quản lý.

Rõ ràng, một bên muốn tiết kiệm thời gian, dùng bằng cấp để thu hút người học, một bên muốn đảm bảo chất lượng đào tạo sẽ xuất hiện mâu thuẫn khó giải.

Việc ban hành chương trình văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gặp những thách thức do Luật quy định và trách nhiệm quản lý Nhà nước. Có lẽ vì thế nên sau 7 năm kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực vẫn chưa thể có được chương trình các môn văn hóa cho học sinh học nghề muốn học lên cao đẳng từ hệ trung cấp.

Vướng mắc từ Luật Giáo dục nghề nghiệp

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc đào tạo với đầu vào là học sinh tốt nghiệp lớp 9 và chỉ học 1 hoặc 2 năm được cấp bằng trung cấp thì chỉ có Việt Nam được luật hóa (Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014).

Không có quốc gia nào trên thế giới tồn tại quy định như vậy để nhằm thu hút những học sinh thích bằng cấp mà chưa hẳn vì giá trị của người học được chấp nhận ở doanh nghiệp.

Lịch sử trước đây chúng ta đã có hệ trung cấp như Trung cấp Pháp lý, Trung cấp Chính trị, sau một số trường đại học không hiểu hệ thống nhận vào học liên thông, có người có bằng thạc sĩ rồi lại bị hủy bỏ.

Ngày nay, trình độ 9+1, 9+2, rất có thể trường đại học nào đó tiếp nhận vào học mặc dù thiếu phần kiến thức trung học phổ thông nền tảng. Hệ quả còn nặng nề hơn khi lao động có trình độ này tham gia thị trường lao động khu vực chắc chắn sẽ không được công nhận tương đương.

Thêm vào đó, kiến thức văn hóa nhìn chung cần thiết để học kỹ năng nghề, do vậy, đào tạo trung cấp hệ 9+1, 9+2 sẽ không thể chèn kiến thức văn hóa đủ để học nghề được.

“Đối với hệ 9+3 thì điều này hoàn toàn làm một cách hiệu quả, học sinh ít bỏ học nhờ chương trình thiết kế tích hợp. Nếu học tách riêng và học đến 7 môn trong chương trình giáo dục thường xuyên thì thực chất là không thể học được.

Ở Giáo dục thường xuyên, học sinh phải học đầy đủ thời gian 3 năm mà chất lượng còn chưa ổn, nay học với thời gian 3 năm để có hai văn bằng là điều khó hiểu, chỉ có thể thi cử gian dối hoặc là do điểm thi tốt nghiệp được cộng 30% điểm trung bình mà nhiều người nói là nhờ có 30% này khiến trượt tốt nghiệp trung học phổ thông khó như lên trời”, Tiến sĩ Vinh chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi theo học nghề, tâm lý của nhiều người vẫn là muốn có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, nếu có thêm bằng nghề sẽ càng tốt trong thời hạn 3 năm.

Vậy vấn đề là làm sao để đáp ứng được nhu cầu cầu người học, thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh mà vẫn đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, học sinh theo học nghề không thể học theo chương trình văn hóa của trung học phổ thông, mà cần phải thiết kế, xây dựng chương trình văn hóa riêng tương ứng với từng nhóm nghề, chương trình văn hóa được dạy nhằm hỗ trợ, phát triển kỹ năng nghề cho học sinh.

Bài học đắt giá gần 20 năm dạy các môn văn hóa tách rời môn nghề trước đây do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý khiến cho học sinh học trong trường nghề khó học và tỷ lệ bỏ học cao.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định chương trình văn hóa tối thiểu rồi nhưng giữa các bên chưa đạt được sự thống nhất, chương trình văn hóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn còn khá nặng, mặc dù đã Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết kế mềm dẻo hơn với sự lựa chọn của các trường nghề theo nhóm nghề đào tạo.

Như vậy, có thể thấy một chương trình văn hóa do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định rất khó đáp ứng được kỳ vọng của các bên.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội muốn có chương trình tinh giản nữa, để trường nghề hấp dẫn thu hút và giữ chân người học, muốn cấp một lúc hai văn bằng hệ 9+3; Các trường nghề cũng muốn tuyển sinh hệ giáo dục thường xuyên để đảm bảo quy mô đào tạo nghề; Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng muốn có đủ học sinh, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm đúng theo luật định và kỳ vọng đảm bảo chất lượng giáo dục thường xuyên.

Giải pháp nào?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết để gỡ bỏ những vấn đề này và đào tạo nhân lực có chất lượng vì lợi ích đích thực của người học trên thị trường lao động, hai Bộ nên hợp tác đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp để khai thông việc dạy các môn học văn hóa gắn với nghề nghiệp.

Hai Bộ nên sớm hợp tác xây dựng chương trình tích hợp như hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng cho chương trình trung học nghề, tránh dạy các môn văn hóa tách rời với các môn học nghề.

Ở Hàn Quốc năm 2008 đã chuyển hết chương trình đào tạo theo hướng tích hợp. Làm được điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa tạo động lực học tập cho những người theo học nghề.

Khi dạy chương trình văn hóa được tích hợp với học kỹ năng nghề, và trình độ trung học nghề cũng được công nhận để tuyển chọn vào học cao đẳng hay đại học mà không yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Để làm được điều này việc sửa luật là việc nên làm.

Phạm Minh