Chương trình thí điểm 9+5 trái quy định của Luật Giáo dục, Luật GDNN

04/11/2021 06:30
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, việc thí điểm đề án chương trình 9+5 phải đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho người học là rất lãng phí.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố dự thảo Đề án Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (gọi tắt là chương trình 9+5), với 10 ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật và dịch vụ, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 4.000 người. Đề xuất thí điểm áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ năm 2022 - 2028.

Đầu vào của mô hình thí điểm trên là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở loại khá trở lên; học sinh được miễn học phí.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban nghiên cứu giáo dục Thường xuyên (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định đề án thí điểm này còn nhiều bất cập, có tính rủi ro, lãng phí.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

PV: Là người từng có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục thường xuyên và làm việc với nhiều trường nghề, Tiến sỹ có đánh giá như nào đề án thí điểm chương trình 9+5?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Đề án thí điểm với khung thời gian là 9+5 theo tôi là bất cập đối với học sinh mới chỉ hoàn thành bậc trung học cơ sở.

Thứ nhất đề án thí điểm 9+5 cho học sinh vừa học văn hóa trung học phổ thông vừa học nghề, thì riêng các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải học 3 năm theo hệ giáo dục thường xuyên.

Thứ hai, hệ sơ cấp đào tạo 2 năm thì thời gian lại quá dài, trong khi đó đào tạo trung cấp phải 2 năm lại rút xuống còn 1 năm, còn trung cấp để liên thông lên cao đẳng lại rút xuống chỉ có hơn năm rưỡi.

Thứ ba là điều kiện để chuyển tiếp tiếp từ trung cấp lên cao đẳng thì phải có bằng trung học phổ thông.

Vậy, việc vừa học nghề vừa học các môn văn hóa, có đảm bảo được khối lượng kiến thức để các em thi trung học phổ thông không, hay là các em học đến giữa chừng lại phải chấm dứt?

Như vậy, có thể thấy khung thời gian phân bổ chưa thực sự hợp lý, và điều kiện cần thiết để các em thi bằng trung học phổ thông quốc gia cũng là một câu hỏi.

PV: Trong những năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 10, lớp 11 rồi đến lớp 12. Việc này ảnh hưởng như nào đến chương trình học của các em học sinh trong diện thí điểm?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đổi mới chương trình sách giáo khoa, năm tới (2022-2023) là đối với lớp 10, trong đó có chương trình giáo dục thường xuyên.

Với chương trình mới, đổi mới căn bản toàn diện thì yêu cầu rất là cao khi chuyển sang hình thành phẩm chất năng lực người học, tăng cường phần luyện tập thực hành, tổ chức dạy học cũng phải khác.

Để được dự thi được tốt nghiệp trung học phổ thông, học sinh trường nghề phải học chương trình giáo dục thường xuyên 7 môn văn hóa (trong đó có Toán, Văn là bắt buộc và 5 môn tự chọn trong số tổ hợp của 3 lĩnh vực gồm khoa học tự nhiên, tin học và công nghệ).

Bên cạnh đó là hoạt động giáo dục bắt buộc và giáo dục địa phương, chính vì thế, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường. Vậy thì vấn đề đặt ra là các trường nghề có làm được không?

PV: Như ông phân tích ở trên, việc thay đổi chương trình sách giáo khoa mới, đòi hỏi chất lượng giảng dạy cao hơn. Rõ ràng đây là bài toán không đơn giản với các trường nghề?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Trước đây, các trường dạy nghề chỉ dạy bổ túc văn hóa để học nghề, hỗ trợ học nghề và chỉ có 3-4 môn bắt buộc.

Vậy bây giờ chuyển sang dạy 7 môn, chưa kể các hoạt động giáo dục bắt buộc khác của giáo dục thường xuyên thì có đảm bảo chất lượng không? Liệu đội ngũ giảng viên của các trường nghề có giảng dạy được không?

Thứ nhất, về vấn đề đặt ra đối với đội ngũ giảng viên là họ phải được đào tạo bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới, vậy các trường nghề có đội ngũ này không hay lại sinh ra việc tuyển dụng đội ngũ hợp đồng mới?

Tôi không tin là đội ngũ giảng viên này có thể làm được, bởi họ có giáo viên dạy văn hóa cho dạy nghề nhưng vẫn theo chương trình văn hóa dành cho giáo dục nghề, nó chỉ bổ trợ cho việc học nghề đó.

Ví dụ học sinh học nghề điện, hàn thì có một số tiết bồi dưỡng văn hóa như Toán, Lý, Kĩ thuật...

Trong khi đó chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên lại hoàn toàn khác. Vì đây là yêu cầu để có thể thi lấy văn bằng chứng chỉ quốc gia.

Như vậy thực ra là họ đang muốn không để các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy các môn văn hóa bậc trung học phổ thông cho học sinh của họ như quy định của Luật Giáo dục, mà họ muốn làm tất.

Ví dụ trường nghề tuyển giảng viên môn Toán hoặc Lý để dạy cho vài chục học sinh thì làm sao đủ cơ số tiết cho một giảng viên, giả sử thí điểm không thành công thì đội ngũ này đi về đâu? Các trang thiết bị phòng thí nghiệm phục vụ thí điểm sau đó sẽ sử dụng làm gì? Chúng ta cần phải tính tổng thế, chứ không nên chỉ nhìn về lợi ích trước mắt là thu hút học sinh vào các trường nghề.

PV: Vậy cơ sở vật chất của các trường thí điểm đề án chương trình 9+5 cũng phải thay đổi như nào thưa Tiến sỹ?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Về cơ sở vật chất thì phòng thí nghiệm, thực hành gắn với khoa học bộ môn. Trong khi đó, ở trường trung cấp nghề không có, mà chỉ có ở các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Bây giờ các trường nghề mà dạy trung học phổ thông thì buộc họ phải đổi mới, đầu tư mới. Vậy thì chi phí đầu tư cho 4000 học sinh tại các trường trên toàn quốc là rất lớn, bởi vì trường nào dạy thì bắt buộc phải có phòng thí nghiệm thực hành, theo danh mục tối thiểu mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quy định.

Cơ sở vật chất là vấn đề quan trọng nhất vì cần phải xây dựng mới hết. Trong khi đó, mỗi trường có vài chục học sinh vào học, thì việc đầu tư cho các phòng, bộ môn để phục vụ học sinh hệ giáo dục thường xuyên trong trường trung cấp, cao đẳng như vậy thì quá lãng phí.

Trong khi đó, hệ thống các trường dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên đã được sáp nhập theo Thông tư liên tịch 39 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chức năng đào tạo nghề và chức năng liên kết với các trường trung cấp đào tạo cao đẳng nghề.

Hiện nay, các trường này đang tổ chức tương đối tốt, học sinh vừa học văn hóa vừa học nghề và liên kết với các trường trung cấp.

Theo tôi, cần phát huy cái vai trò này, bởi nó đúng chức năng, nhiệm vụ của trung tâm này hiện nay.

Thay vì đầu tư cơ sở vật chất cho những trường mới để chuẩn bị dạy văn hóa phổ thông, tôi cho rằng cần tăng cường đầu tư cơ sở vật và thiết bị dạy nghề cho các trung tâm này ở các địa phương. Như vậy nó sẽ tránh được sự chồng chéo về mặt quản lý.

Nếu không tính toán kĩ sẽ là sự lãng phí rất lớn, vì vậy các trường nghề cần tập trung đào tạo nghề tốt, còn việc dạy các môn văn hóa bậc trung học phổ thông thì cứ để giáo dục thường xuyên làm, tức là vẫn cứ liên kết như hiện nay.

PV: Theo dự thảo Đề án thí điểm, việc tuyển học sinh có học lực khá cho các trường nghề liệu có giúp các em theo kịp với chương trình vừa học nghề vừa học văn hóa phổ thông, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Không thể đảm bảo được rằng chất lượng đầu vào là học sinh trung học cơ sở tốt nghiệp loại khá thì sẽ học trung học phổ thông tốt, nhất là trong điều kiện các cháu vừa học nghề vừa học 7 môn văn hóa trung học phổ thông.

Thực tế có những cháu học trung học cơ sở học rất tốt nhưng khi vào trung học phổ thông thì học lực giảm, khiến bố mẹ cũng còn ngạc nhiên.

PV: Tiến sỹ đã nói về thời gian học, chương trình học, đội ngũ giảng dạy, học sinh, cơ sở vật chất, vậy về mặt quản lý nhà nước khi thực hiện theo đề án thí điểm này thì gặp các vấn đề gì, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện không cho các cơ sở này đào tạo các chương trình giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục cũng vậy.

Luật Giáo dục quy định chỉ có hiệu trưởng hoặc giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên, mới được cấp giấy chứng nhận hoàn thành trung học phổ thông, và họ mới được kí được học bạ để xét thi trung học phổ thông.

Như vậy thì phải sửa luật và sẽ rất phức tạp, đặc biệt gây lãng phí cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, việc mở thêm hệ thí điểm này sẽ dẫn đến chồng chéo trong quản lý về mặt nhà nước. Từ đây dẫn đến cạnh tranh tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở trên một địa bàn giữa các trường trung cấp, cao đẳng nghề với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Đó là hình thức cạnh tranh không lành mạnh, thông qua các hình thức quảng cáo song bằng (bằng trung học phổ thông, bằng nghề và liên thông lên cao đẳng, đại học) trong khi thực tế các trường nghề không đủ điều kiện về cơ sở pháp lý, cơ sở vật chất lẫn đội ngũ để đào tạo bậc trung học phổ thông.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ người học tham gia đề án thí điểm thì không bền vững, không phải là giải pháp lâu dài. Nhà nước không thể bỏ tiền ra hỗ trợ mãi cho người học, vì vậy đề án thí điểm làm sao kéo dài được mãi?

Chất lượng đào tạo rất khó để đảm bảo, mặt khác để đảm bảo tính liên thông cũng rất khó, chương trình đào tạo 9+5 có thời gian thí điểm không phải ngắn.

PV: Đề án này liệu có giúp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề hiệu quả theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 05/12/2011, thưa ông?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Thực sự bây giờ rất khó tin vào điều đó, vấn đề ở chỗ là chất lượng phân luồng và tỷ lệ phân luồng đặt ra hiện nay là muốn 40% học sinh vào học văn hóa và học nghề.

Hiện tại chúng ta đang có mạng lưới cơ sở giáo dục cấp huyện tương đối tốt, các trung tâm giáo dục thường xuyên thì tại sao ta không phát huy vai trò của nó, mà lại đi đầu tư cái mới. Đó là một cái cần cân nhắc rất kĩ trước khi thực hiện thí điểm đề án trên.

PV: Với các phân tích cụ thể của Tiến sỹ cho thầy có nhiều sự "rủi ro", lãng phí khi thực hiện Đề án thí điểm trên, vậy theo Tiến sỹ thì phải làm sao cho hợp lý?

Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn: Thứ nhất, thay vì việc thí điểm đề án trên, chúng ta có thể đầu tư tăng cường năng lực cho các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và đào tạo cho trường nghề.

Về lâu dài, cần thống nhất quản lý nhà nước về việc giáo dục đào tạo. Quan điểm của tôi cho rằng, nên giao hết cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lí, như vậy sẽ tránh được sự chồng chéo, nâng cao được chất lượng, đảm bảo tính liên thông của hệ thống.

Quan điểm của tôi là không nên thực hiện đề án, cần cân nhắc hết sức kĩ lưỡng cái được và mất.

PV: Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Mạnh Đoàn