Để tránh tình trạng lây lan dịch Covid-19, Hà Nội đã ra quyết định cho tất cả học sinh các cấp nghỉ đến 5/4.
Điều này đang gây một số khó khăn cho các gia đình có trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
C.A (12 tuổi) – là cô con gái đầu lòng của vợ chồng chị Hường (Hoàng Mai, Hà Nội), được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ tăng động nặng khi được 5 tuổi.
Mỗi khi chị gọi con, con không đáp lại lời mà chạy quanh khắp nhà rồi cười một mình. Người lạ đến nhà, con liền xông vào người cào cấu, kéo túm tóc. Chị kể:
“Hôm đầu tiên tôi cho cháu đi lớp, cháu rất sợ nơi đông người. Mọi người có nắm tay hay chạm nhẹ vào người cũng chỉ có cười chứ không cào cấu như ở nhà.
Tôi cho cháu đi học ở trung tâm đào tạo và giáo dục kỹ năng để cháu được chăm sóc và giáo dục đúng cách.”
Ngoài cô con gái đầu, anh chị còn một cô con gái thứ hai phát triển bình thường (3 tuổi), cũng được nghỉ học trong thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Trường học là nơi đông người, trẻ lại có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và chưa biết cách tự bảo vệ mình nên là đối tượng rất dễ bị lây nhiễm.
Bà nội trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ nhà cho các con nhà chị Hường. Ảnh: Thanh Hoa |
Trong khi đó nhiều trẻ vì mải chơi mà quên mất việc phải đeo khẩu trang hay vệ sinh tay chân thường xuyên.
“Nhận được thông báo nghỉ học, tôi rất lo. Hai vợ chồng tôi gọi cho họ hàng hai bên nhờ vả mà không được đành quyết định nhờ bà nội ở nhà trông nom hộ. Vừa mừng vừa lo trong thời điểm này.
Lo nhiều hơn mừng, vì cháu mắc chứng tự kỷ tăng động phải người có chuyên môn mới dạy dỗ được.
Cũng may bà nội có sức khỏe để có thể trông giúp cho 2 vợ chồng, để chúng tôi yên tâm đi làm.” – chị Hường chia sẻ.
Những “mẹ hiền” lặng thầm mà cao cả |
Khác với gia đình chị Hường, gia đình chị Hương (Đống Đa, Hà Nội) phải đem con đến cửa hàng, chị vừa bán hàng vừa trông con.
D.– (7 tuổi) là con trai đầu và cũng là con một của anh chị. Cháu được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ tăng động nhẹ khi lên 4 tuổi.
“Thường ngày ở trường, cháu hay bắt chước lời người lớn. Khi ai hỏi, thì chỉ biết cười và ôm mặt. Thỉnh thoảng khi chơi cùng các bạn, cháu hay ném đồ chơi vào mặt các bạn. Tôi chỉ biết trông cậy nhờ các cô giáo ở lớp để ý đến cháu, làm sao để không gây ảnh hưởng cho các bạn cùng lớp.” – chị chia sẻ.
Vợ chồng chị từ quê ra Hà Nội lập nghiệp, chồng chị hàng ngày chạy xe ôm còn chị thuê một cửa hàng nhỏ để buôn bán sửa chữa quần áo.
Không có nhà ở Hà Nội, anh chị phải chắt chiu từng đồng để thuê nhà. Kinh tế khó khăn, chị gửi con tại một trường tư thục gần nhà để hai vợ chồng yên tâm làm ăn.
“Gửi con ở các trung tâm chức năng, chi phí rất đắt đỏ. Hai vợ chồng tôi không đủ kinh tế để chi trả. Chỉ có thể gửi ở trường tư thục, coi như nhờ các cô trông giúp.”, chị Hương kể.
Khi các trường học thông báo lịch đóng cửa hết tháng 3, hai vợ chồng anh chị không nhờ được họ hàng, ông bà hai bên đều già yếu không chăm sóc được cho cháu.
Gặp vấn đề khó khăn trong học tập và tiếp thu, việc tự chăm sóc bảo vệ bản thân đối với D. là rất khó trong việc phòng dịch Covid-19. Chị đành mang con đến cửa hàng, để có thể tự tay chăm sóc cho con và chồng chị yên tâm đi làm.
“Con thì được nghỉ, hai vợ chồng cũng không thể để một trong hai người ở nhà trông con. Nếu một người nghỉ thì kinh tế không đủ để nuôi cả gia đình. Vừa trông con, vừa bán hàng có hơi vất vả nhưng tạo cảm giác yên tâm cho mình được phần nào.
Chỉ mong sao dịch bệnh hết sớm, để sinh hoạt trở lại như lúc đầu thôi !” - chị thở dài.
Dịch Covid-19 còn rất phức tạp, các trẻ em mẫu giáo, học sinh còn nghỉ nhiều ngày để đảm bảo an toàn. Biết rằng công việc vẫn phải làm nhưng cha mẹ cũng cần để ý, quan tâm đến con trẻ.
Bé D. lên cửa hàng với chị Hương, bé cũng khá nghịch nhưng có đã được đi học nên cũng đỡ phần nào. Ảnh. Thanh Hoa |
Việc các bậc cha mẹ thờ ơ với con cái, vùi đầu vào công việc khiến các em dễ bị tổn thương, trong khi việc ăn uống không đảm bảo sẽ dễ khiến các em bị các căn bệnh khác ngay trong mùa dịch.
Bác sĩ Đỗ Thúy Nga – giám đốc trung tâm Hy Vọng (Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội) cho biết, việc giáo dục cho trẻ tự kỷ luôn phụ thuộc vào thời gian, kinh tế.
Gia đình nào có điều kiện, việc giáo dục và chăm sóc trị liệu cho trẻ sẽ được lâu dài và có tiến triển tốt. Trẻ sẽ được cải thiện về hành động, lời nói…trở thành người có ích cho xã hội.
Nhiều phụ huynh có ông bà trông giúp hoặc bố mẹ không đi làm thì không vấn đề; đối với những gia đình phải gửi con ở trường để đi làm lại là vấn đề vô cùng nan giải.
Bên cạnh đó, đối với trẻ em bị tự kỷ, việc nghỉ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi của trẻ.
Khi thực hiện quá trình dài hàng năm, để can thiệp cho trẻ cải thiện 1 hành vi nào đó thì sau một thời gian nghỉ coi như là lại trở về với bước khởi đầu.
Ánh sáng từ Trung tâm Hy Vọng |
Khá vất vả cho các gia đình có con mắc bệnh tự kỷ. Họ cũng mong ngóng từng ngày một để dịch có thể tan đi, các cháu có thể quay lại học tập .
Học sinh nghỉ học dẫn đến rất nhiều bất lợi, các trung tâm cũng đã tính tới nhiều phương án.
Nhưng sự an toàn về sức khỏe vẫn là quan trọng, nên nhiều trung tâm và các trường học chưa thể mở cửa trở lại.
Bác sĩ Thúy Nga cũng đưa ra lời khuyên cho các gia đình có con bị tự kỷ trong thời điểm này là cha mẹ nên yêu thương, dành thời gian quan tâm tới trẻ. Lắng nghe và nói chuyện với trẻ nhiều hơn.
Không bực mình, cáu gắt với trẻ; đến khi nào vượt quá giới hạn của sự bình tĩnh, cha mẹ nên kìm lại và uống một cốc nước để có thể bình tĩnh hơn.
Giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cuộc sống dù lắm gian nan, đặc biệt trong kỳ nghỉ dịch này nhưng bằng tình thương và sự kiên trì của người lớn vẫn có thể cứu vãn được tương lai của một đứa trẻ.