Cháy chung cư mini: Phải làm rõ 'ai chống lưng' cho công trình sai phép tồn tại

21/09/2023 06:34
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo ông Ngô Văn Sửu, CCMN xây vượt tầng sai phép tồn tại nhiều năm là “lỗ hổng” trong buông lỏng quản lý, cần làm rõ trách nhiệm từng cán bộ các thời kỳ.

Vụ cháy chung cư mini trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) vào đêm 12/9 vừa qua đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại về người và của, trong đó làm chết 56 người và bị thương 37 người.

Chung cư mini này vốn được Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân cấp giấy phép cho xây dựng nhà ở riêng lẻ với 6 tầng, nhưng thực tế xây lên 9 tầng. [1]

Chủ chung cư mini này là bị can Nghiêm Quang Minh (44 tuổi) - người đang bị Công an thành phố Hà Nội tạm giam để điều tra trong vụ án “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự (liên quan đến vụ cháy kinh hoàng tại phố Khương Hạ), được biết, cũng là chủ của nhiều công trình vi phạm tương tự.

Cụ thể, đến thời điểm này, cơ quan chức năng phát hiện bị can Nghiêm Quang Minh đã xây dựng ít nhất 8 tòa chung cư mini tại nhiều quận của Hà Nội. Tất cả các tòa nhà này đều có đặc điểm nằm sâu trong ngõ nhỏ, xây cao tầng, phân làm nhiều phòng riêng để bán và cho thuê, không đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy. [2]

Đằng sau công trình vượt tầng ‘có thế lực chống lưng’ - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nói như vậy về thực trạng xây dựng sai phép chung cư mini ở Hà Nội bên lề Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức sáng 18/9.

Cụ thể, trao đổi bên lề, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng Thủ đô không chỉ có mỗi tòa chung cư mini bị cháy ở số 37, ngõ 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, Thanh Xuân) xây sai phép, mà còn rất nhiều công trình khác.

Theo ông, hiện có thực tế là xử phạt để công trình sai phép tồn tại. Từ thực tế trên, sẽ nảy sinh việc nhiều chủ đầu tư bất chấp việc xây sai phép, “mong cho được phạt” để hợp thức hóa vi phạm. Do lợi nhuận từ phần công trình vi phạm là rất lớn. Vì thế chủ đầu tư sẽ dùng để chạy chọt, hối lộ, sau đó vẫn lãi nên cứ tiếp tục vi phạm.

Ông Nghị cũng cho rằng: “Đằng sau mỗi công trình đấy là có chống lưng...”. [3]

Quản lý trong vấn đề quy hoạch, xây dựng đang có vấn đề, buông lỏng

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) bày tỏ: “Chưa bao giờ có một vụ hỏa hoạn có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như vậy, hậu quả gây thương vong đến mấy chục người. Đối với vụ việc này, là trách nhiệm rất lớn của các cơ quan hữu quan cả trong thời điểm hiện tại và cả trong thời gian trước.

Vừa rồi, Thành ủy cũng đã tổ chức tưởng niệm, quyên góp ủng hộ, hỗ trợ nạn nhân vụ cháy, tuy nhiên, đó chỉ là khắc phục hậu quả, còn nguyên nhân sâu xa vẫn chưa được xử lý”.

Ông Ngô Văn Sửu phân tích: “Thảm họa xảy ra ngay giữa Thủ đô gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, rất tai tiếng. Vì sao có thảm họa xảy ra như thế?

Thực chất của tòa chung cư mini này chỉ là một công trình nhà ở, xây vượt tầng để phân chia và bán lại các căn hộ nhỏ cho những gia đình có nhu cầu sử dụng. Đã xây dựng sai phép mà tồn tại được lâu như vậy, là vì sao?

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương). Ảnh: Mộc Trà.

Như ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đã khẳng định, đằng sau những công trình xây dựng sai phép như căn chung cư mini vừa xảy ra sự cố kia, đều có thế lực “chống lưng” nào đó, tuy không nêu được rõ cụ thể cán bộ nào, nhưng tôi cũng rất đồng tình.

Rõ ràng, đó là một hiện tượng mà trong xây dựng cơ bản của đất nước suốt nhiều năm qua, đặc biệt là trước đây thường xuyên xảy ra: xây dựng sai phép hoặc không phép.

Điều đó cho thấy câu chuyện quản lý nhà nước trong vấn đề quy hoạch, xây dựng của chúng ta trong hiện đang có vấn đề, đã có sự buông lỏng quản lý, không giám sát chặt chẽ, hoặc khi giám sát có phát hiện ra sai phạm nhưng lại không quyết liệt xử lý”.

Theo ông Sửu, các chung cư mini trong các ngõ ngách nhỏ ở Hà Nội như trong vụ cháy vừa qua không phải là trường hợp cá biệt.

Ông lý giải: “Tuy nhiên, ở ta lâu nay đã xảy ra tình trạng “phạt xong cho tồn tại”, như một cách hợp thức hóa các sai phạm. Như vậy, chủ đầu tư sẵn sàng xây dựng sai phép, rồi nộp phạt và vẫn giữ được công trình đó, trong khi lợi nhuận từ phần sai phép lại quá lớn so với số nộp phạt.

Thêm nữa, tôi cũng cho rằng, những người xây được như thế cũng phải có “chỗ dựa”, có thế lực “chống lưng”, mới làm được quy mô lớn thế và tồn tại lâu như thế. Còn nếu chỉ là dân thường, ai xây dựng sai phép một chút, đã có người đến kiểm tra và xử phạt, thậm chí bắt tháo dỡ ngay lập tức...”.

“Chính vì vậy, bây giờ, cơ quan nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của từng cán bộ đương nhiệm thời kỳ cấp phép, kiểm tra, giám sát công trình được xây dựng, làm rõ và xử lý trách nhiệm đến cùng.

Mặc dù có thể tại thời điểm hiện, những cán bộ thời đó đã là quá khứ, nhưng nhất định phải lục lại, làm nghiêm minh, không thể bỏ qua với lý do đã nghỉ hưu và phải công bố rõ ràng về trách nhiệm của từng người.

Thứ hai, việc kiểm tra giám sát về công tác phòng cháy, chữa cháy cũng phải xem lại, trong quá trình rà soát, kiểm tra, nếu làm thật chặt chẽ, nghiêm túc, không thể nói không biết đến những ngôi nhà không đảm bảo theo quy định như vậy” - ông Sửu cho hay.

“Qua vụ này, phải kiến nghị nhà nước kiểm điểm một cách sâu sắc, xử lý nghiêm minh, chấn chỉnh lại những tiêu cực trong xây dựng cơ bản.

Nhân đây, phải có cuộc tổng kiểm tra, giám sát, quy hoạch lại một cách thiết thực với cuộc sống của người dân, đồng thời xử ý nghiêm các vi phạm.

Đặc biệt, phải loại bỏ ngay quan điểm “phạt xong cho tồn tại”, đã sai phải sửa, không phép hoặc sai phép phải tháo dỡ ngay. Phải làm một cách triệt để, đã không có phép thì phải dẹp đi, có phép nhưng không đúng thì phải sửa lại cho đúng, không chịu sửa thì chấm dứt, nhường chỗ cho người khác. Không để có chuyện nể nang, can thiệp thì hỏng cả hình ảnh một khu phố, một thành phố.

Không thể để chuyện dân tình sai một tí, lực lượng chức năng xuống tận nơi xử lý triệt để, trong khi có nhiều công trình sừng sững, chình ình nhưng lại để “phạt xong cho tồn tại”. Điều đó thể hiện sự yếu kém, sai sót trong quản lý nhà nước” - nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) chia sẻ quan điểm.

Cần tốt ráo xử lý trách nhiệm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Về chuyện các công trình xây sai phép như chung cư mini trong vụ cháy vừa qua, mặc dù chưa khẳng định có thế lực “chống lưng” - như nhận định của nguyên Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị hay không, nhưng trước hết, theo tôi cần làm đúng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Trần Sỹ Thanh là đề nghị cho rà soát, đánh giá lại toàn bộ thực trạng về chung cư trên địa bàn thành phố và sai đâu xử đấy.

Theo đó, rà soát về tổng số lượng các chung cư, về vị trí thuộc các quận huyện nào, số lượng tại mỗi quận huyện và hiện trạng. Thứ hai, làm rõ, bao nhiêu loại hình chung cư đã được xây dựng có bao nhiêu cái có phép, bao nhiêu cái không phép, và có phép thì do ai ký phê duyệt. Thứ ba, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với chuyện để cho chung cư mà đặc biệt là loại hình chung cư mini “nở rộ” như vậy.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Thứ tư, phải công khai xử lý. Khi kiểm tra rõ, sẽ thấy ngay câu chuyện có “chống lưng” hay không. Việc xử lý này phải thực sự công khai minh bạch, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...”.

“Cuối cùng, đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Để không tái diễn một sự cố đau lòng, tôi đề nghị trong các cuộc họp giao ban hằng tháng của Thành ủy, cần yêu cầu các quận, huyện, thị xã báo cáo về chuyện này, xem đã kiểm tra, đánh giá được bao nhiêu. Riêng đối với chuyện này, đề nghị Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có lộ trình xử lý rõ ràng, yêu cầu trong 3 tháng phải báo cáo, không để kéo dài.

Cần phải quyết tâm, dứt điểm đến cùng để không bao giờ xảy ra một hiện tượng đau lòng như vụ việc vừa rồi. Đây là vấn đề kỷ cương của thành phố, đây là vấn đề thẩm mỹ cảnh quan của thành phố, đây là vấn đề môi trường của thành phố... cho nên dứt khoát phải xử lý

Đặc biệt, lần này, đề nghị công khai danh tính tất cả những người có liên quan, công bố cả phương thức xử lý, mức độ xử lý...trong cuộc họp giao ban nào cũng yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/chung-cu-mini-bi-chay-56-nguoi-chet-cap-phep-6-tang-chu-dau-tu-xay-9-tang-2189295.html

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/bi-can-nghiem-quang-minh-bi-phat-hien-la-chu-cua-hang-loat-chung-cu-mini-vuot-tang-1243146.ldo

[3] https://tuoitre.vn/nguyen-bi-thu-ha-noi-pham-quang-nghi-noi-chung-cu-mini-vuot-tang-co-the-luc-chong-lung-2023091814205003.htm

Thành An