Chạy đua với kì thi đánh giá năng lực, HS lơ là học tập và ôn thi tốt nghiệp

07/02/2023 06:50
Hương Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh tham gia các kì thi riêng của trường đại học khiến việc học quá tải và lơ là trước kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhằm giảm sự phụ thuộc vào kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tổ chức kì thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) để lấy kết quả cho việc tuyển sinh.

Là giáo viên đang giảng dạy bậc trung học phổ thông, tôi xin có đôi điều chia sẻ về các kì thi riêng của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Ảnh minh họa: Lê Phương/ giaoduc.net.vnẢnh minh họa: Lê Phương/ giaoduc.net.vn

Hệ lụy của việc chạy đua với các kì thi riêng

Thứ nhất, ngày 5/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. [1]

Theo đó, các nhà trường phổ thông hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2023.

Tuy vậy, tại thời điểm này, học sinh lớp 12 nhiều trường trên cả nước vừa học theo chương trình để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào đầu tháng 7 (theo dự kiến) vừa chạy đua ôn thi để tham dự các kì thi riêng của nhiều cơ sở giáo dục đại học khiến việc học của các em quá tải.

Mặc dù năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các nhà trường trung học phổ thông không được cắt xén chương trình để ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng nhiều trường vẫn không thể thực hiện nghiêm túc vì để dành thời gian cho học sinh ôn thi tốt nghiệp và các kì thi riêng tuyển sinh vào đại học.

Thực tế dạy học cho thấy, đầu tháng 3 hàng năm, rất nhiều học sinh lớp 12 xin nghỉ học để tham gia các kì thi riêng khiến giáo viên bộ môn rất khó giảng dạy và ổn định nề nếp lớp học.

Mỗi khi có học sinh xin nghỉ để đi thi, giáo viên không thể dạy bài mới mà phải chuyển sang luyện tập. Sau khi học sinh đi học lại thì giáo viên dạy bài mới giúp các em không bị mất kiến thức bài học.

Khi biết điểm thi, nhiều học sinh lơ là học tập, không chịu tập trung ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì các em đã đủ điều kiện trúng tuyển vào đại học (mặc dù chưa được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông).

Tôi đã từng chứng kiến một vài học sinh rớt tốt nghiệp vì bị điểm liệt mặc dù trước đó các em đã đủ điều kiện trúng tuyển vào đại học.

Thứ hai, hiện tại, học sinh tham gia kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông phải làm ba bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cùng bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên) theo cấu trúc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng, để tham gia các kì thi riêng của trường đại học, học sinh phải tham gia học thêm vì cấu trúc đề thi của mỗi kì thi là khác nhau.

Ví dụ, đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2022) gồm 150 câu (195 phút), chia làm ba phần, hỏi về Toán học, Văn học - Ngôn ngữ, Khoa học tự nhiên và xã hội.

Còn đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2022) gồm 120 câu hỏi (150 phút), hỏi về Ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh); Toán học, tư duy logic, phân tích số liệu; Giải quyết vấn đề.

Hay bài thi đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội (năm 2023) dự kiến sẽ theo hình thức trắc nghiệm với 3 phần (150 phút), gồm: Tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề. [2]

Như vậy chỉ cần học sinh tham gia một kì thi đánh giá năng lực thì các em phải học rất nhiều môn học có liên quan.

Chưa kể, hiện có rất nhiều tài khoản cá nhân, đơn vị trên mạng xã hội giới thiệu, chào mời, cung cấp khóa luyện thi và bán đề thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy... khiến việc luyện thi bát nháo nhưng hiệu quả thì chưa ai kiểm chứng được.

Nhiều Fanpage như "Luyện thi đánh giá năng lực 2022 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh"; "Khóa luyện thi đánh giá năng lực 900+"; "Luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực 2022"; "Luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội 2022" lên đến hàng trăm ngàn thành viên minh chứng cho điều đó.

Một vài kiến nghị đề xuất

Sự xuất hiện các kì thi riêng những năm qua cho thấy kì thi này có những ưu điểm nhất định so với việc xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ hay lấy điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Từ năm 2014-2015, Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong áp dụng kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển chọn thí sinh. Năm 2016, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh chính thức áp dụng bài kiểm tra năng lực.

Năm 2018, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chính thức tổ chức thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào các trường thành viên cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Năm 2023, nhiều cơ sở giáo dục đại học cùng công nhận và dùng chung kết quả của các kỳ thi riêng để xét tuyển đầu vào.

Cho đến thời điểm này, có các kì thi riêng của các trường đại học như: Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội; Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội;

Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đánh giá năng lực chuyên biệt của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;...

Vì vậy, cá nhân tôi kiến nghị, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy chế chung đối với các kì thi riêng của trường đại học, tránh mỗi trường tổ chức một kiểu khiến việc học của học sinh ngày càng trở nên áp lực, quá tải.

Có thể lấy cấu trúc đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội làm quy chuẩn.

Kì thi đánh giá năng lực nên tổ chức sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm để tránh tình trạng học sinh bát nháo luyện thi, giúp giữ vững nội quy kỉ luật trường lớp.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thẩm định đề thi của các kì thi riêng tránh tình trạng đề thi quá dễ, quá khó hoặc sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi học sinh và uy tín của ngành giáo dục.

Thực tế, kì thi đánh giá năng lực đợt 1 vào ngày 27/3/2022 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đề thi có một số sai sót thông qua phản ánh của thí sinh [3]

Cụ thể, câu 43 của mã đề thi 324 có hai phương án giống nhau là C và D; Biểu đồ hình tròn trong phần phân tích số liệu ở tất cả các mã đề thi cung cấp không đủ thông tin để thí sinh trả lời 3 câu hỏi liên quan.

Hội đồng thi kỳ thi sau đó đã quyết định tất cả thí sinh được chấm điểm tối đa các câu hỏi sai sót trong đề thi này.

Do đó, tốt nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học cung cấp ngân hàng câu hỏi đề thi, tránh tiêu cực trong việc ra đề thi và học sinh đổ xô luyện thi vào các trung tâm, đại học như trước đây đã từng xảy ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8017

[2] https://giaoduc.net.vn/ki-thi-danh-gia-nang-luc-sap-ket-thuc-su-menh-cua-minh-post232240.gd

[3] https://thanhnien.vn/co-sai-sot-de-thi-danh-gia-nang-luc-diem-thi-duoc-tinh-ra-sao-1851444085.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hương Ly