Trong khi các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đều khẳng định không tổ chức hay phát hành sách ôn luyện cho kỳ thi, thì trên nhiều trang web, mạng xã hội lại xuất hiện quảng cáo về các lớp ôn luyện với đủ mức giá khác nhau.
Ngày càng có nhiều cơ sở giáo dục đại học chủ trương tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng làm căn cứ xét tuyển, nâng cao chất lượng thí sinh đầu vào, phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2023, dự kiến có nhiều trường cùng công nhận kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của nhau.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh mà còn giúp nhiều trường tiết kiệm được nguồn lực đáng kể và cũng là giải pháp nâng cao hơn chất lượng tuyển sinh đại học.
Ồ ạt xuất hiện các lò luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy
Tuy nhiên, sức nóng của các kỳ thi này cũng là cơ hội để nhiều tổ chức, cá nhân mở ra nhiều lò luyện thi từ cấp tốc đến dài hạn, với đa dạng các mức giá chỉ từ vài trăm nghìn cho đến 5-6 triệu đồng…
Cụ thể, chỉ cần thực hiện thao tác tìm kiếm trên Google, với từ khóa “trung tâm luyện thi đánh giá năng lực”, có khoảng 20.700.000 kết quả trong vòng 0,41 giây.
Chỉ một thao tác tìm kiếm đơn giản, hàng loạt các khóa học ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được hiện ra. Ảnh chụp màn hình |
Ngoài các khóa học, trên thị trường hiện nay cũng bán tràn lan rất nhiều các đầu sách ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Ảnh chụp màn hình |
Tìm kiếm trên mạng xã hội Facebook, kết quả cũng xuất hiện rất nhiều hội nhóm ôn thi, các giáo viên chuyên nhận ôn thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy với số lượng thành viên tham gia lên đến hàng trăm nghìn người như: “Luyện thi đánh giá tư duy Bách Khoa Hà Nội 2022- Thầy V.H”, “Luyện thi đánh giá năng lực 2022-2023”, “Luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội - HSA”...
Các hội nhóm luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy rất đông thành viên tham gia trên Facebook. Ảnh chụp màn hình. |
Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được tổ chức từ năm 2020, từ đó đến nay có rất nhiều hội nhóm được mở ra với đa dạng các khóa học. Một trang giới thiệu về khóa học ôn thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội với nội dung như sau: “Bao quát toàn bộ nội dung kiến thức trọng tâm trong cấu trúc đề thi cho kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Khóa học duy nhất trong trong năm và trên toàn quốc phục vụ kỳ thi...”.
Trang này còn “tự tin” khẳng định tỷ lệ đỗ rất cao khi ôn luyện tại đây: “Với lớp 2k4 đạt 80% đậu vào các ngành top”.
Mức học phí cho toàn bộ khóa học được chia sẻ có giá 6 triệu đồng (gồm 120 buổi học: Tư duy Toán học – 50 buổi; Tư duy đọc hiểu – 10 buổi; Tư duy Khoa học – 50 buổi; Thi thử -10 buổi). Đây cũng là mức học phí cao nhất phóng viên tìm hiểu được khi tìm kiếm các trung tâm ôn luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Một trang khác lại bán khóa học cấp tốc với nội dung: “Khóa luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực Đại học quốc gia Hà Nội - Tăng tốc về đích trong 90 ngày” với giá các khóa học dao động từ hơn 1 triệu đồng đến khoảng gần 2 triệu đồng.
Còn khóa học khác có chi phí rẻ hơn, 790 nghìn đồng cho cả khóa ôn thi đánh giá năng lực Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu 900+ (tính theo thang điểm tối đa của bài thi là 1200 điểm).
Tất cả các khóa học kể trên đều do các cá nhân/trung tâm tự phát mở, hình thức dạy học online (dạy trực tuyến). Thế nhưng, có ý kiến từ người học cho rằng việc đăng ký những khóa học này không hiệu quả.
Một học sinh đã từng tham gia kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 chia sẻ lại trải nghiệm khi “lỡ” mua khóa luyện thi online rằng:
“Em và các bạn của mình đều mua khoá học online vì sợ không biết bắt đầu ôn từ đâu; chắc nhiều bạn sinh năm 2005, năm nay thi, tuyển sinh đại học bây giờ cũng lo lắng như vậy.
Và trải nghiệm của em dành cho các khoá học đã tham gia là rất tệ, cảm tưởng phải nhồi kiến thức toàn bộ 3 năm trong 1 tháng rất bất khả thi… Nên khoá học ôn thi đánh giá năng lực chỉ đơn giản là điểm tên, gọi mặt lại các chủ điểm kiến thức thôi. Đối với các bạn đã có kiến thức học chắc chắn thì khóa học này không cần thiết, còn bạn nào đã hổng kiến thức từ trước thì khóa học không khác gì nước đổ lá khoai…”
Học thực chất thay vì đổ xô tham gia các lớp ôn luyện
Chia sẻ tại buổi tư vấn tuyển sinh trực tuyến: "Lưu ý gì trong thi đánh giá năng lực - tư duy năm 2023?" diễn ra vào tối ngày 11/1, đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đều khuyến khích các thí sinh nên chú trọng vào việc “học một cách thực chất”, thay vì đổ xô tham gia các khóa ôn luyện.
Đại diện cả 3 đơn vị: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội đều khẳng định, các đơn vị này không hề có một trung tâm luyện thi cho kỳ thi riêng nào cả.
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: BS |
Theo các chuyên gia phân tích, bài thi nhằm đánh giá năng lực, năng lực tư duy của học sinh, không phải là bài kiểm tra ghi nhớ thông thường. Vì vậy, đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi đều không khuyến khích thí sinh tham gia các lớp ôn luyện trôi nổi trên thị trường hiện nay.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Bài thi đánh giá tư duy không tập trung kiểm tra kiến thức nên không đòi hỏi thí sinh dành thời gian ôn luyện nhiều, bởi rèn luyện tư duy đã được hình thành trong suốt quá trình học.
Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đang trong quá trình thảo luận và xem xét những câu hỏi trong đề thi. “Tuy nhiên ở bên ngoài đã có những tài liệu về hướng dẫn ôn tập kỳ thi đánh giá tư duy rồi, do vậy thí sinh không nên tìm hiểu những tài liệu trôi nổi đó, “nó khiến các em mất thời gian và không đúng hướng”, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến cáo các thí sinh.
Nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng và hoang mang khi không biết nên ôn tập bắt đầu từ đâu. Đây chính là một trong những điểm mấu chốt để các trung tâm luyện thi đánh vào tâm lý thí sinh.
Dành lời khuyên cho các thí sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, chia sẻ thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 12/1, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:
“Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có sự thay đổi về đề thi theo hướng giảm nhẹ khối lượng kiến thức và rút ngắn thời gian, nội dung kiến thức chủ yếu tập trung vào bậc phổ thông, do vậy các em chỉ cần học chắc kiến thức là có thể tham gia bài thi đánh giá tư duy.
Ngoài ra, thí sinh có thể định hướng việc ôn tập theo cấu trúc đề thi minh họa nhà trường công bố, đồng thời theo dõi thông tin trên trang tin điện tử của trường để cập nhật các thông báo mới về kỳ thi đầy đủ nhất”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (vào ngày 13/11), ông Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhấn mạnh đến việc học và nắm chắc kiến thức hơn thay vì "chạy" theo các trung tâm luyện thi:
"Tôi đã khuyên các bạn học sinh rất nhiều lần rằng việc ôn thi ở các lò luyện thi chỉ giúp giải quyết vấn đề về tâm lý. Khi các bạn tìm đến các trung tâm, các thầy cô giáo để hướng dẫn ôn tập hầu như không mang lại nhiều kết quả về kiến thức.
Trên thực tế, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và bài thi đánh giá năng lực của hai Đại học Quốc gia nói chung, đều được xây dựng dựa trên việc đánh giá năng lực thí sinh theo chuẩn đầu ra chương trình trung học phổ thông. Nếu thí sinh không nắm chắc kiến thức ở phổ thông, không có khả năng lập luận, khả năng tư duy thì rất khó để đạt được điểm cao.
Ngoài ra, bộ ngân hàng câu hỏi của chúng tôi rất lớn. Trong khi đó, các trung tâm bên ngoài đa số chỉ dựa vào các đề thi tham khảo để đưa ra mô hình đề tương tự, về bản chất chỉ là bài kiểm tra kiến thức, chưa kể không có một cơ sở kiểm chứng chất lượng đề thi ra sao", ông Nguyễn Tiến Thảo nói.