“Chạy đua” xếp hạng đại học là không ổn

30/06/2022 09:25
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các cơ sở giáo dục sẽ có nhiều lợi ích khi tham gia kiểm định chất lượng giáo dục cũng như tham gia các bảng xếp hạng, đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Ngày 29/6, tại Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng), Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng tư thục (trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức toạ đàm “về chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng – Góc nhìn từ thực tiễn qua các tiêu chuẩn chất lượng và các xếp hạng – đối sánh” với sự tham gia của nhiều trường đại học, cao đẳng tư thục trên cả nước.

Tầm quan trọng của kiểm định chất lượng giáo dục

Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khối trường đại học, cao đẳng tư thục, Chủ tịch hội đồng trường Trường Đại học FPT chia sẻ:

Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Ảnh: An Nguyên)

Tiến sĩ Lê Trường Tùng (Ảnh: An Nguyên)

“Chất lượng giáo dục là nền tảng cho sự phát triển bền vững của giáo dục đại học, và cũng là cam kết của nhà trường trong việc thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm với xã hội.

Chất lượng giáo dục không đơn thuần là khi nào làm kiểm định chất lượng giáo dục thì mới làm, mà phải là hoạt động thường ngày trong từng hoạt động của nhà trường, tạo nên văn hóa chất lượng của đơn vị”.

Cũng theo thầy Tùng, các trường trong Hiệp hội sẽ cùng hỗ trợ, giúp đỡ nhau để làm sao tăng được chất lượng đào tạo dù cách thức thực hiện còn nhiều quan điểm, đường hướng khác nhau.

Liên quan đến vấn đề xếp hạng đại học hiện nay, thầy Tùng cho rằng, mỗi trường có những cách thức thực hiện khác nhau. Tuy nhiên cần định hướng xếp hạng mang lại giá trị, lợi ích gì cho người học chứ không phải cạnh tranh để vươn lên số 1, loại trừ các trường khác.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, vấn đề bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một cơ sở giáo dục. Hai thành phần này sẽ góp phần quản lý chất lượng tại cơ sở giáo dục và trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

“Kết quả của việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giúp các trường xây dựng thương hiệu, uy tín, niềm tin. Từ đó tạo sự cạnh tranh về chất lượng để phát triển.

nó là một trong các điều kiện để cơ sở giáo dục thực hiện quyền tự chủ. Trong đó có tự chủ mở ngành đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Hai thành phần này cũng là căn cứ để công nhận kết quả tích lũy của người học trong các không gian giáo dục khác nhau”, Tiến sĩ Phụng cho hay.

Tại toạ đàm, một số ý kiến cũng cho rằng, trường đại học, cao đẳng tư thục "đi sau" trường công lập, không được đầu tư từ Nhà nước nên phải tìm cách để phát triển nhà trường theo hướng chất lượng.

Trong đó, có chú trọng đầu tư phát triển một số ngành đào tạo vượt trội, chất lượng cao để kéo theo sự phát triển của các ngành khác.

Những khuyến nghị khi lựa chọn trung tâm kiểm định, xếp hạng

Về vấn đề kiểm định, xếp hạng, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cũng đưa ra một số khuyến nghị cho các cơ sở giáo dục về lựa chọn trung tâm kiểm định chất lượng. Trong đó, đối với việc lựa chọn trung tâm kiểm định chất lượng trong nước thì các tiêu chuẩn, quy trình đều theo hướng dẫn chung của Bộ.

Đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng tư thục tham gia hội thảo. Ảnh: An Nguyên

Đại diện nhiều trường đại học, cao đẳng tư thục tham gia hội thảo. Ảnh: An Nguyên

Sự khác nhau về chất lượng, giá dịch vụ, kiểm định viên cơ hữu, cách thức phối hợp với cơ sở giáo dục… giữa các trung tâm này là không nhiều.

“Nếu cần chất lượng và quyết định công nhận thì cơ sở giáo dục nên hợp tác với hơn 1 CEA (trung tâm kiểm định) để đối sánh, không lặp lại, sử dụng những kinh nghiệm và thế mạnh khác nhau. Nếu chú trọng về quyết định công nhận thì có thể hợp tác với chỉ 1 CEA”.

Đối với trung tâm kiểm định nước ngoài thì Tiến sĩ Phụng cũng nêu ra những Trung tâm chuyên đánh giá về các lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể như: FIBAA đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực: Pháp luật, kinh doanh và quản lý, Khoa học xã hội và hành vi.

AQAS thì đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo theo quy định của Việt Nam…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á chia sẻ, việc kiểm định chất lượng là tất yếu, các trường qua đó tự đo lường để nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nhiều trường đang “chạy đua” xếp hạng là không ổn. Theo đó, phải đẩy mạnh mạnh kiểm định chất lượng giáo dục mới có tính giá trị cao hơn, khẳng định được vị thế của nhà trường hơn.

Qua toạ đàm lần này, Tiến sĩ Đào cũng đưa ra một số kiến nghị với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để có những góp ý, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng nhằm sửa đổi chính sách hợp lý hơn.

“Thứ nhất, hiện tại chỉ số hao hụt sinh viên hàng năm đối với trường công lập ít nhất 10%, đối với trường ngoài công lập cũng chiếm 25%.

Trong khi đó các trường tuyển sinh quá 5% đã không được Bộ Giáo dục cho phép. Vì vậy, đề nghị Bộ khi ban hành văn bản cần có chỉ số linh hoạt và nên tính vào chỉ tiêu đầu ra.

Thứ hai, các trường ngoài công lập nên chọn một số ngành để nhập khẩu và chia sẻ với nhau về nhân lực như: y tế, dịch tễ, y học dự phòng, y học cộng đồng… Qua đó, sẽ nâng cao chất lượng, phát huy được nguồn lực từ các trường.

Một ví dụ đưa ra là, sinh viên học điều dưỡng ở Phillippin đã có thể làm việc tại Mỹ, Nhật, Canada còn ở Việt Nam thì rất khó.

Do đó, chúng ta kết nối, kết hợp cùng nhau nhập chương trình nước ngoài để chia sẻ chương trình đào tạo. 5 năm sau, các trường sẽ có chương trình đầu ra đáp ứng được yêu cầu của nước ngoài”, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á khuyến nghị.

AN NGUYÊN