Chèn môn tự nguyện vào chính khóa: Cần yêu cầu hiệu trưởng giải trình công khai

11/10/2023 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cách trộn chung tiết chính khóa và ngoại khóa trong thời khóa biểu là câu chuyện về trách nhiệm của quản lý nhà trường, cách thức hoạt động của Ban đại diện CMHS.

Tình trạng nhiều trường phổ thông tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa như dạy Tiếng Anh tăng cường, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục STEM qua liên kết với các trung tâm bên ngoài nhưng lại chèn vào lịch học chính khóa ở thời khóa biểu đã gây ra nhiều bất cập cho phụ huynh và học sinh.

Theo nhiều ý kiến, cách làm như vậy có thể khiến nhiều em học sinh dù không có nhu cầu nhưng vẫn phải đăng ký học; nhiều trường lợi dụng việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để lạm thu.

Trước thực trạng trên, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng, trước hết, chúng ta cần thống nhất, thời khóa biểu cho các tiết chính khóa ở trường phổ thông được sắp xếp để tổ chức các hoạt động giáo dục như: môn học bắt buộc, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn và nội dung giáo dục địa phương.

Điều này có nghĩa là tất cả môn học và hoạt động giáo dục được xác định số tiết để các lớp sắp xếp thời khóa biểu và tổ chức giáo dục cho học sinh. Đây có thể hiểu là quy định có tính pháp lệnh, các trường không được thêm hay bỏ bớt tiết.

Trên thực tế, do thời gian trong buổi vẫn còn mặc dù đã bố trí xong thời khóa biểu chính khóa, các trường có thể bố trí thêm các tiết giáo dục mới - gọi là tiết ngoại khóa.

Như vậy, về bản chất, tiết giáo dục chính khóa và ngoại khóa rất khác nhau, một đằng là tiết giáo dục bắt buộc, một đằng là tiết giáo dục tự nguyện, theo nhu cầu riêng của từng học sinh.

Tiến sĩ Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (Ảnh: Kim Ngọc).

Tiến sĩ Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (Ảnh: Kim Ngọc).

Do đó, việc xếp thời khóa biểu “trộn” chung tiết chính khóa và ngoại khóa là vi phạm quy định của nhà nước là không rõ ràng giữa học tập bắt buộc và học tập tự nguyện, không bắt buộc.

Cách làm như vậy có thể do các trường hiểu đơn giản là muốn thuận tiện trong việc theo dõi, quản lý giáo dục trong trường hay thể hiện sự công khai, thống nhất, chuẩn hóa hoạt động nhà trường. Nhưng cũng có thể các trường cố ý làm như vậy nhằm đồng nhất tiết chính khóa và ngoại khóa, giữa không có thu phí và thu phí, giữa học sinh tự nguyện và học sinh không theo học tập các tiết tự nguyện.

Mặt khác, cách sắp xếp thời khóa biểu như vậy vô hình chung tạo ra sự lộn xộn trong quản lý giờ học giữa các học sinh trong cùng một lớp, thậm chí trong cả một trường.

Sự không minh bạch trong việc xếp thời khóa biểu theo cách này đã tạo ra áp lực quá tải cho học sinh, không giúp cho các em có thời gian được giáo dục theo nhu cầu, sở thích theo sự phát triển sở trường và khả năng tiềm tàng, vốn có của mỗi học sinh.

“Nếu tự nguyện mà lại ép buộc sẽ ảnh hưởng không nhỏ uy tín nhà giáo, gây băn khoăn bức xúc, mất đoàn kết trong nội bộ các bậc cha mẹ học sinh trong trường. Và môi trường giáo dục học đường sẽ ít nhiều thiếu lành mạnh”, Tiến sĩ Đặng Tự Ân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Đặng Tự Ân cũng cho rằng, cách sắp xếp “trộn” chung tiết chính khóa và ngoại khóa trong thời khóa biểu là câu chuyện về quản lý nhà trường và có liên quan tới trách nhiệm cùng cách thức hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban đại diện) ở lớp, ở trường.

Theo đó, hiệu trưởng các nhà trường là người đại diện pháp luật tại mỗi cơ sở giáo dục do đó, mọi hoạt động trong trường kể cả hoạt động sắp xếp thời khóa biểu thì hiệu trưởng phải có trách nhiệm. Việc xếp lịch học phải đảm bảo nguyên tắc, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và cần được thông báo công khai, dân chủ trong toàn trường, trong tất cả cha mẹ học sinh.

Khi xuất hiện dư luận phản ánh trong việc “chèn” tiết học tập không chính khóa vào thời khóa biểu chính khóa, hiệu trưởng nhà trường phải tổ chức giải trình công khai trong hội nghị giáo viên toàn trường và các đại diện cha mẹ học sinh các lớp.

Đặc biệt, nhà trường tuyệt đối không được bỏ qua dư luận hoặc đổ lỗi, chẳng hạn như muốn thuận tiện, chuẩn hóa hay giám sát trong việc việc chỉ đạo hoạt động giáo dục trong trường.

Tuy nhiên, ông Đặng Tự Ân cho rằng, không thể và không nhất thiết phải cần tới phương án xử lý để đủ sức răn đe đối với các trường xảy ra tình trạng trên do đây là môi trường học đường, nên phương pháp giáo dục vẫn rất cần được ưu tiên.

Bởi, cách hành xử thiếu cân nhắc có thể làm thương tổn nhà giáo hay cá nhân cha mẹ học sinh sẽ là phản tác dụng, gây tiêu cực ngược hết sức không nên. Chúng ta cần tìm gốc của vấn đề chứ không chỉ lo giải quyết phần ngọn của nó.

Giáo dục các tiết bắt buộc thuộc về quản lý nhà nước, do nhà trường có trách nhiệm quản lý. Trong khi đó, giáo dục tự nguyện là do nhà trường phối hợp với cha mẹ học sinh, các tổ chức giáo dục có uy tín, được mời liên kết cùng hoạt động và loại hình hoạt động này có thu phí theo thỏa thuận.

Ở các nước phát triển, hoạt động có thu phí được tổ chức dưới dạng các câu lạc bộ giáo dục ngoài giờ. Nhà trường quản lý, giám sát và quyết định về chuyên môn, quyết định nội dung giáo dục và đánh giá chất lượng người dạy, người học, có hỗ trợ cơ sở vật chất cũng như bố trí thời gian giáo dục của câu lạc bộ hợp lý. Các tổ chức liên kết chịu trách nhiệm triển khai hoạt động các câu lạc bộ và cùng với phụ huynh thống nhất mức phí thỏa thuận của học sinh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Viết Vượng - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cũng cho rằng, việc chèn các hoạt động ngoài giờ vào thời biểu chính khóa là cách làm không đúng với tinh thần giáo dục; gây nên áp lực cho học sinh và ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các em.

Tường San