Từ những năm con tôi học cuối cấp mẫu giáo, cả lớp chỉ có riêng con mình không học chữ học toán trước chương trình lớp 1, cô giáo nhắc miệng, nhắc bằng điện thoại, nhắc bằng thư…
Hội trưởng hội phụ huynh còn đề nghị: Để tụi chị hò nhau mỗi người hùn một ít để nộp học phí cho học thêm cho con em…
Tôi đã thẳng thừng từ chối. Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, mình làm được điều đó, bởi vì mình là giáo viên, mình không sợ con sẽ học dốt, và là nhà báo, nên không sợ bị trù dập. Bạn bè của mình hầu như cũng toàn là dân sư phạm, giáo dục, hoặc báo chí.
Nhớ năm lớp 1, khi Xu không phân biệt được cách phát âm từ chuối/chúi, mình gọi điện thoại cho bạn thân là giáo viên giỏi để bạn dạy Xu. Khi Xu Sim kém tiếng Anh, mình chở con tới người bạn từng du học Mỹ để bạn truyền cảm hứng.
Nhưng không phải phụ huynh nào cũng làm những nghề để có hệ sinh thái về giáo dục, không phải học sinh nào bị đuổi trường này thì dễ dàng qua trường khác. Nhiều ba mẹ bức xúc nhưng không thể lên tiếng, do cái thế kẹt họ đang phải chịu. Đừng buồn nhé, những gì bạn đã làm là tốt nhất với con và gia đình bạn trong hoàn cảnh đó rồi.
Chị Trần Thu Hà và hai con gái. |
Và khi Xu lên lớp 3 và Sim lớp 2, mình đã tha cả 2 con sang trường tư. Sang trường tư, hầu như những bức xúc về dạy thêm học thêm, tăng cường… được giải quyết. Nhưng thú thật là lại nảy sinh những nỗi lo khác lớn hơn, mình phải trả những cái giá đắt hơn. Học phí trường tư cao hơn tổng các tiền học thêm ở trường công, thậm chí cao gấp nhiều lần. Mà đâu phải địa phương nào cũng có sẵn trường tư đâu.
Trường tư, tiền thu minh bạch, rõ ràng, thẳng thắn nhưng học phí là 150 triệu đồng/năm/học sinh, đồng phục 200.000 - 300.000 đồng/bộ, ăn trưa 2-3 triệu đồng/tháng, tiền thi đầu vào, tiền cơ sở vật chất từ 20 triệu, hay 80 triệu, thậm chí hơn, cho mỗi học sinh. Nhiều năm liền, để nuôi 2 con học trường tư mình phải cày cật lực, nhiều khi chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày.
Năm nay Xu Sim đã đi du học ở Phần Lan, quốc gia có nền giáo dục được xếp hạng cao trên thế giới, giáo dục miễn phí, chính phủ trả. Nhưng không phải tiền của chính phủ, mà là tiền đóng thuế của người dân. Sau này khi con mình bắt đầu đi làm, là bắt đầu đóng thuế. Làm thêm, làm chính đều phải đóng thuế hết, và đóng thuế tới tận 65 tuổi, có khi còn dài hơn, mà thuế cao, 25-35-45% thu nhập.
Còn nếu để phụ huynh tự tổ chức cho con học liên kết thì sao? Tôi cũng đã từng đi tìm thầy cô, thuê địa điểm, tự gom đủ học sinh, tự thu tiền…
Tôi tổ chức vài khóa kỹ năng sống, sơ cứu và thoát hiểm từ những chuyên gia rất xịn, nhưng hành trình gom lớp, thuê địa điểm, thu học phí, theo dõi điểm danh… thì đuối, được 2 khóa là ngưng.
Tôi thấy khối giáo dục tư nhân nếu được trọng dụng, thì sẽ cải thiện chất lượng giáo dục nhanh hơn. Khối tư nhân năng động, có cơ hội tiếp cận với những phương pháp giảng dạy chất lượng cao và sáng tạo từ các quốc gia tiên tiến.
Họ nhanh nhạy với các sáng kiến giảng dạy mới như chuyển đổi kỹ thuật số, nội dung số, học tập kết hợp (ảo, trực tuyến), các phương pháp đổi mới để quản lý hiệu quả quy mô lớp học và nâng cao trải nghiệm học tập. Họ có những lĩnh vực ngoài tầm của chương trình giảng dạy tiêu chuẩn, như giáo dục STEM.
Nhìn ra thế giới, Úc đưa ra nhiều lựa chọn trong các hoạt động sau giờ học. Phụ huynh và học sinh được cung cấp thông tin tóm tắt chi tiết và các lựa chọn, đảm bảo họ chọn tham gia các chương trình này theo sự lựa chọn chứ không bị ép buộc.
Nếu Việt Nam có thể triển khai một hệ thống lựa chọn minh bạch tương tự có thể sẽ đảm bảo cho học sinh và phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt. Trao quyền không tham gia là một quyền cần phải được tôn trọng cả về mặt nguyên tắc lẫn trong thực tế.
Quan trọng là cần minh bạch và đàng hoàng, giám sát và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Công ty nào làm tốt phải được duy trì, bên nào chất lượng không đảm bảo, có dấu hiệu trục lợi học sinh, hối lộ tham nhũng, phải bị cấm.
Học sinh và phụ huynh phải thực sự được trao quyền tự chủ lựa chọn, phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng riêng biệt của từng gia đình. Mô hình dạy liên kết đã được chứng minh trên thế giới từ lâu là mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Việc áp dụng ở các trường công lập Việt Nam bước đầu cũng đã cho thấy giúp giải quyết được nhiều vấn đề, chẳng hạn như các môn học tăng cường, ngoại khóa, năng khiếu... mà trường công không đáp ứng được hết.
Tất nhiên, nhà trường công lập đã làm được một việc lớn, đó là dạy các tiết chính khóa cho hàng chục triệu học sinh phổ thông.
Nếu ngành giáo dục quyết tâm thực hiện cuộc “cách mạng” về giáo dục, bắt đầu từ việc “bật đèn xanh”, “trải thảm đỏ” để khu vực tư nhân vào cuộc, hợp tác với khu vực công lập, cung cấp những tiết học tự chọn có chất lượng, dựa trên nhu cầu có thực của học sinh, tôi tin là chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện đáng kể.
Suy cho cùng, muốn các môn học tự chọn thực sự là tự chọn, thì chúng ta cần tạo ra không gian cởi mở, bình đẳng tạo điều kiện để các bên cung cấp dịch vụ giáo dục đưa những môn học tự chọn tốt vào nhà trường công lập. Khi ấy, tất cả các bên đều có lợi, đặc biệt là những trụ cột của nước nhà trong tương lai.
Tác giả Trần Thu Hà (tên gọi thân mật: mẹ Xu Sim) là nhà báo nổi tiếng, tác giả của 3 cuốn sách Best seller: Con nghĩ đi, mẹ không biết; Buông tay để con bay và Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc. Trang Facebook cá nhân của cô hiện có hơn 278.000 người theo dõi.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề báo, những bài viết thú vị và sâu sắc của cô về đề tài giáo dục đều nhận được phản hồi tích cực của các bậc phụ huynh. Rất nhiều bài viết của cô đã được đăng tải trên các tờ báo lớn như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân Trí, VnExpress...