Ở đây chúng tôi tâm niệm: tất cả vì học sinh thân yêu
Vàng A Chử rón rén mang tấm thiệp thủ công tặng thầy Phạm Văn Toàn. Bức thiệp nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 được cắt gọt vụng về, dòng chữ nguệch ngoạc: “Em tặng thầy Toàn nhân ngày 20/11. Chúc thầy sống lâu trăm tuổi”.
Thầy Toàn đón nhận tấm thiệp của học sinh bằng nụ cười tươi tắn: “Thầy cảm ơn các em!”.
Thầy Toàn lấy một xấp những tấm thiệp của học sinh, khoe: “Đây, ngày 20/11 của chúng tôi ở trên đây chỉ có những tấm thiệp, những bông hoa rừng của học sinh thôi. Nhưng ấm áp bởi cáitình, sự trân trọng và biết ơn của học sinh đối với thầy cô của mình.
Ở đây chúng tôi tâm niệm: Tất cả vì học sinh thân yêu!”.
Học sinh ở trường được thầy cô chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Mọi vật dụng sinh hoạt từ cái nhỏ nhất như chăn gối, bàn chải, kem đánh răng… đều được nhà nước chi trả 100% (Ảnh: Vũ Ninh). |
Thầy Phạm Văn Toàn, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Lư (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai), giới thiệu mô hình bán trú của nhà trường:
“Mỗi giáo viên phải làm bằng 2, bằng 3 giáo viên ở miền xuôi. Ở đây, chúng tôi thay cha, thay mẹ chăm sóc các em.
Đôi khi mình vẫn tự động viên nhau: Con mình ở nhà thì để ông bà chăm, lên đây chăm con người khác”.
Tuy vất vả, thiếu thốn, khó khăn nhưng theo thầy Toàn: Điều mà thầy cô nhận được đó chính là tình cảm và sự biết ơn của học sinh.
Thầy Toàn tâm sự: “Có những năm ngày 20/11 học sinh lội suối, băng rừng hái những bông hoa dại về tặng các thầy cô. Nhiều khi nghĩ mà thương học trò lắm. Cho nên khi học trò đến đây chúng tôi luôn cố gắng mang lại những gì tốt đẹp nhất cho các em từ miếng ăn cho đến giấc ngủ.
Người làm nghề giáo viên phải có chữ Tâm, có chữ Đạo thì mới có thể công tác tốt được”.
Chúng tôi hỏi cô giáo Trần Thị Hoa: “Theo cô, tinh thần giáo dục của vùng cao là gì?”.
Cô Hoa trầm ngâm rồi trả lời: “Tinh thần giáo dục vùng cao đó là vì con người. Ở đây dẫu sao mọi thứ vẫn chưa bị thị trường hóa. Chúng tôi dạy dỗ các em thực sự bằng cái tâm của người làm giáo dục chứ không phải vì mưu cầu vật chất. Đổi lại, tình cảm thầy trò rất khăng khít.
Cô giáo Tuyết trên đỉnh Pà Vầy Sủ |
Tôi cảm nhận học sinh trân trọng, yêu quý và biết ơn thầy cô thực lòng. Đôi khi chỉ là một bó hoa dại, một chiếc thiệp các em tự làm cũng chứa chan đầy tình cảm chứ không phải vì những món quà vật chất sang trọng, đắt tiền”.
Trong khi ngồi nghe cô Hoa và thầy Toàn chia sẻ, trong lớp Vàng A Chử đang cùng các bạn làm những bức tranh từ hạt gạo, hạt ngô… để tặng thầy cô nhân ngày 20/11.
A Chử cười tủm tỉm: “Tranh của lớp em năm nay tặng thầy cô rất đẹp. Bọn em rất biết ơn các thầy cô đã cho chúng em đến lớp, được học tập và vui chơi”.
Cuộc thiên di của những người H’Mông đi học
Mấy năm trước, khi đến những tỉnh vùng cao, chúng tôi buốt lòng trước hình ảnh những đứa trẻ người H’Mông đầu trần, chân đất, một chữ bẻ đôi cũng không biết.
Nay trở lại mảnh đất Lào Cai, chúng tôi thực sự vô cùng bất ngờ trước những ngôi trường khang trang, nhỏ xinh nằm êm đềm trong màn sương trắng.
Trong những ngôi trường đó, các em học sinh đồng phục xúng xính, được học tập, được tạo mọi điều kiện về nơi ăn, chốn ở. Đó là những tín hiệu về cuộc thiên di của những người H’Mông xuống phố - người H’Mông nay đã có chữ rồi.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, nhà nước và sự chăm lo của các thầy cô, học sinh vùng cao đã có nhiều điều kiện học tập hơn trước (Ảnh: Vũ Ninh). |
Vàng A Chử từng khóc, từng bỏ về nhà khi không chịu đến lớp. Cô Hoa phải dỗ dành mãi Chử mới chịu ở lại trường.
Cô bảo anh Vàng A Sinh, bố của Vàng A Chử: “Anh cứ để cháu ở đây chúng tôi nuôi nấng, dạy dỗ, phụ huynh không phải lo lắng gì cả”.
Quả đúng như lời cô Hoa nói, A Chử ở trường được học tập, từ cái ăn đến cái mặc đều được các cô chăm chút cẩn thận.
Đến nay, A Chử đã biết đọc, biết viết và còn tăng cân sau thời gian ở trường. A Chử vui lắm, thích đi học lắm.
Cô Hoa thì mừng rỡ: “Sĩ số của trường hiện nay đều đạt từ 98-100%. Chúng tôi rất tự hào về thành tích này.
Quan trọng hơn khi chứng kiến sự thay đổi trong suy nghĩ của phụ huynh. Phụ huynh nay đã nhận thức được vai trò của việc học tập và học cũng rất hào hứng cho các con đến trường”.
Nhắc đến sự thành công của giáo dục vùng cao, ngoài sự nhiệt huyết và cái Tâm của thầy cô giáo không thể không nhắc đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thầy Phạm Văn Toàn chia sẻ:
“Giáo dục vùng cao tuy còn nhiều thiếu thốn và không thể so với miền xuôi nhưng như thế này là tốt lắm rồi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền các trường bây giờ đã “thay da, đổi thịt”, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Nếu bạn đến vùng cao tỉnh Lào Cai sẽ không khỏi bất ngờ vì các trường giờ đẹp quá, đường sá cũng thuận tiện hơn rất nhiều”.
Trong màn sương trắng bảng lảng của núi rừng Tây Bắc những ngôi trường bán trú như những đóa hoa rừng khoe sắc.
Ở nơi đó, không khí giáo dục vẫn còn hoang sơ chưa bị tiêm nhiễm bởi những thói hư thị trường. Rong ruổi một dải vùng cao địa đầu Tổ Quốc, cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi: Vậy bản chất của giáo dục là gì? Xin thưa: Giáo dục là vì con người!