Chi tiết điểm chuẩn các ngành "hot" Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM 4 năm gần nhất

05/07/2024 06:38
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Thiết kế đồ họa là ngành có điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp cao nhất trong 4 năm trở lại đây tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh ban đầu có tên là Trường Kiến trúc thuộc Cao đẳng Mỹ thuật. Từ năm 1954 đến 1975, trường mang tên Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn thuộc Viện Đại Học Sài Gòn. Ngày 27/10/1976, trường được đổi tên là Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh từ đó cho tới nay.

Website nhà trường thông tin về giá trị cốt lõi của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh là: “Truyền thống - Sáng tạo - Chuyên nghiệp”, với định hướng phát triển đa dạng hóa các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và các lĩnh vực gần.

Trường có 5 cơ sở, trong đó 3 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, 1 cơ sở tại thành phố Cần Thơ, 1 cơ sở tại thành phố Đà Lạt.

Hiện nay, Tiến sĩ Hoàng Bắc An là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Văn Thương làm Hiệu trưởng.

thiet-ke-noi-that-dai-hoc-kien-truc-tp-hcm.jpg
Cơ sở chính của trường có địa chỉ số 196, Pasteur, quận 3, TP.HCM. Ảnh: Website nhà trường

Theo thông tin tuyển sinh từ năm 2020 - 2024 của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy các phương thức xét tuyển của trường có sự thay đổi.

STT Phương thức xét tuyển 2020 2021 2022 2023 2024
1 Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo
x x x x x
2 Xét tuyển đối với các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp (từ cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên) x x x
3 Xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các trường Trung học phổ thông chuyên, năng khiếu trong cả nước x x x
4 Xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ Trung học phổ thông x
5 Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh x x x x x
6 Xét tuyển theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông x x x x x

Cụ thể, năm 2020, trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, xét tuyển theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tới năm 2021, trường sử dụng thêm phương thức xét tuyển dựa vào điểm trung bình học bạ trung học phổ thông. Tuy nhiên, trường chỉ sử dụng phương thức này trong 1 năm duy nhất. Từ năm 2022 đến nay, trường không xét tuyển học bạ nữa.

Cũng từ năm 2022 đến năm 2024, ngoài 3 phương thức xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; xét tuyển theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trường bắt đầu sử dụng thêm 2 phương thức: xét tuyển đối với các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp (từ cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương trở lên) và xét tuyển đối với các thí sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông tại các trường Trung học phổ thông chuyên, năng khiếu trong cả nước.

Năm 2024, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh công bố tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 1555 sinh viên. Trong đó, chỉ tiêu tại cơ sở chính ở TP.HCM chiếm ưu thế là 1345, tiếp theo là cơ sở tại Cần Thơ là 130 và cơ sở tại Đà Lạt là 80.

GDVN_Chỉ tiêu.JPG

Về chỉ tiêu cho từng phương thức, phương thức xét tuyển theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỷ lệ cao nhất với 50% chỉ tiêu. Tiếp theo là phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 25%.

Chỉ tiêu cho các phương thức khác như xét tuyển đối với các thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và các thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tại các trường chuyên, năng khiếu lần lượt chiếm 9% và 15%. Cuối cùng, xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chiếm 1%.

Ngoài ra, ngoại trừ các ngành khối A (3 ngành Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Quản lý xây dựng), các ngành còn lại xét tuyển theo các phương thức xét tuyển nêu trên kết hợp với kết quả thi bổ sung các môn năng khiếu do Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Riêng ngành Thiết kế đô thị (Chương trình Tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh) có yêu cầu kiểm tra năng lực tiếng Anh đầu vào.

Các tổ hợp xét tuyển năm 2024 của Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh:

STT Tổ hợp
1 A00 (Toán – Vật lí – Hóa học)
2 A01(Toán – Vật lí – Tiếng Anh)
3 C01 (Ngữ văn – Toán – Vật lí)
4 C02 (Ngữ văn – Toán – Hóa học)
5 D01 (Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh)
6 V00 (Toán – Vật lí – Vẽ Mỹ thuật)
7 V01 (Toán – Ngữ văn – Vẽ Mỹ thuật)
8 V02 (Toán – Tiếng Anh – Vẽ Mỹ thuật)
9 H01 (Toán – Ngữ văn – Vẽ trang trí màu)
10 H02 (Toán – Tiếng Anh – Vẽ trang trí màu)
11 H06 (Ngữ văn – Tiếng Anh – Vẽ trang trí màu)

Trong 4 năm tuyển sinh gần nhất, các ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Kiến trúc, Thiết kế nội thất, Thiết kế công nghiệp liên tục có điểm chuẩn (theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông) nằm trong top đầu của trường.

GDVN_điểm cao (2).JPG

Biểu đồ trên cho thấy điểm chuẩn của 5 ngành này vào năm 2023 đều đồng loạt tăng so với năm 2022.

Trong những ngành có điểm chuẩn cao tại Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, ngành Thiết kế đồ họa luôn đứng đầu với điểm chuẩn từ 25.4 đến 25.69 điểm trong suốt giai đoạn 2020 - 2023. Ngành Thiết kế thời trang có điểm chuẩn dao động từ 24.22 đến 24.7 điểm. Ngành Kiến trúc, Thiết kế nội thất và Thiết kế công nghiệp cũng duy trì mức điểm chuẩn cao, lần lượt là 24.64 điểm, 24.61 điểm và 24.57 điểm vào năm 2023.

Các ngành có điểm chuẩn thấp của trường tại cơ sở thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 là Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (15 điểm), Kỹ thuật xây dựng (20.95 điểm), Thiết kế đô thị - chương trình tiên tiến (20.96) điểm. Các ngành còn lại đều có mức điểm từ 21.1 điểm trở lên.

GDVN_cơ sở Cần Thơ (2).JPG

Đối với cơ sở của trường tại thành phố Đà Lạt, điểm chuẩn ngành Kiến trúc dao động từ 18.85 đến 21.94 điểm trong giai đoạn 2020 - 2023.

Ngành Kỹ thuật xây dựng có mức điểm chuẩn thấp hơn, cao nhất là 17.2 điểm vào năm 2021 và giảm còn 15 điểm vào năm 2023.

GDVN_cơ sở Đà Lạt (2).JPG

Còn với cơ sở tại thành phố Cần Thơ, ngành Kiến trúc có sự biến động điểm chuẩn đáng kể, từ 20.8 điểm vào năm 2020, tăng lên 21.16 điểm vào năm 2021, giảm xuống 18.27 điểm vào năm 2022 và tăng mạnh lên 22.19 điểm vào năm 2023.

Ngành Kỹ thuật xây dựng có mức điểm chuẩn ổn định hơn, dao động từ 15 (năm 2023) đến 17.15 điểm (năm 2021), khá tương đồng với điểm chuẩn ngành này tại cơ sở thành phố Đà Lạt.

Ngành Thiết kế nội thất tại đây cũng có sự biến động, từ 20.75 điểm vào năm 2021, giảm xuống còn 17 điểm vào năm 2022 và tăng nhẹ lên 18.73 điểm trong năm 2023.

Châu Anh