Chiến thắng Điện Biên Phủ được đưa vào CTGDPT mới hấp dẫn, dễ tiếp cận, dễ học

07/05/2024 06:20
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sức mạnh của Việt Nam không chỉ nằm ở sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mà còn nằm ở sức mạnh thời đại; trong đó, hai chữ “chính nghĩa” là vô cùng quan trọng.

Cách đây tròn 70 năm (7/5/1954 – 7/5/2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn, thắng lợi và những câu chuyện xung quanh chiến dịch Điện Biên Phủ thực sự là bài học ý nghĩa được đưa vào chương trình giáo dục cho các thế hệ học sinh, sinh viên.

Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên thực tế, từ thời cổ – trung – cận – hiện đại đến nay, không có đế quốc hay đế chế nào khi đem quân sang xâm lược Việt Nam lại không ôm thất bại trở về. Trong đó, có Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (ngày 7/5/1954) là một ví dụ cụ thể của thời hiện đại, đánh thắng ách xâm lược của thực dân Pháp.

Đỏ Vàng Ngày Quốc khánh Cựu chiến binh Việt Nam Poster.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng – Nguyên Trưởng khoa Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

“Những thắng lợi của dân tộc Việt Nam không có nguyên nhân nào đến từ sự “ăn may”, bởi trong chiến tranh, không có thắng lợi quân sự nào nằm ngoài quy luật mạnh được yếu thua.

Đối với chiến thắng Điện Biên Phủ, ta thấy được nghệ thuật quân sự đỉnh cao của Việt Nam khi chuyển hóa từ yếu thành mạnh. Nói đến nghệ thuật quân sự của chiến dịch lịch sử này, phải nói đến nghệ thuật huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện trong kháng chiến trường kỳ; nghệ thuật dựa vào sức mình là chính để tận dụng sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ quốc tế từ bạn bè quốc tế (Liên Xô, Trung Quốc); nghệ thuật kết hợp chiến trường chính Bắc bộ với chiến trường phối hợp Nam bộ; nghệ thuật tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, phá tan kế hoạch tập trung quân của Nava nửa cuối năm 1953; nghệ thuật đánh chắc, tiến chắc khi bao vây và đánh chia cắt khi công phá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…” – Phó Giáo sư Hà Minh Hồng nhận định.

Có thể thấy, với mưu lược và sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đường lối chiến tranh Nhân dân Việt Nam được phát huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đạt đến trình độ nghệ thuật, vô cùng phong phú và độc đáo.

Trong dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn…”.

“Mốc son Điện Biên Phủ đánh dấu kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ đầu tiên trong thời hiện đại, mở ra thời kỳ đặc biệt 20 năm đất nước đấu tranh thống nhất Tổ quốc và làm nên thời đại hào hùng bậc nhất trong truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam” – Phó Giáo sư Hà Minh Hồng nhấn mạnh.

Còn đối với phong trào giải phóng dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam là biểu tượng lớn của các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên thế giới, là “một lỗ hổng được đột phá rất to cho các dân tộc khác”.

Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn giúp các dân tộc thuộc địa trên thế giới vượt qua khó khăn, gian khổ, đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do dân tộc.

“Điện Biên Phủ tuy là một trận chiến, nhưng mang đậm chất nhân văn”

Là người từng có cơ hội được tiếp xúc, trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lúc sinh thời, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam không khỏi xúc động khi nhắc đến chiến thắng lịch sử này.

Inner Page (1).png
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Theo Giáo sư, Việt Nam là một quốc gia nằm ở khu vực địa chiến lược. Vì thế, lịch sử đất nước cũng hết sức đặc đặc biệt, quá trình dựng nước luôn đi cùng với giữ nước.

Chiến tranh chống ngoại xâm được coi là một phần rất quan trọng của lịch sử dân tộc. Nói về điểm nhấn của những cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc ấy, không thể không kể đến những trận quyết chiến chiến lược, những chiến công chói lọi, tiêu biểu là chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Sau 70 năm kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, chúng ta đã có nhiều phân tích, ngợi ca về cuộc đối đầu mang tính quyết chiến, chiến lược, một cuộc đọ sức phi đối xứng (giữa một bên là binh hùng tướng mạnh, được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, có đủ hải lục, không quân; và một bên là những người nông dân “chân đất”),… thể hiện sự vĩ đại của chiến thắng.

Nhưng khi tĩnh lặng lại để cảm nhận sâu sắc hơn, tôi cho rằng, Điện Biên Phủ tuy là một trận chiến, nhưng mang đậm chất nhân văn” – Giáo sư Vũ Minh Giang chia sẻ.

Bởi, khi nói đến chiến thắng Điện Biên Phủ, người ta hay nói đến một quyết định khó khăn nhưng có tầm chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Nhưng để đi tới quyết định này, còn rất nhiều điều cần bàn đến. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều ngày “mất ăn, mất ngủ” khi nghĩ về việc thay đổi phương châm tác chiến. Người nghĩ tình hình tại mặt trận Điện Biên Phủ diễn biến rất nhanh, nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thì ta phải chịu tổn thất rất lớn.

“Từ xưa đến nay, khi nhắc đến chiến tranh, người ta vẫn thường quan niệm “một tướng danh thành, vạn cốt khô” (hiểu là, để làm nên vinh quang, chiến thắng của một vị tướng thì phải đánh đổi bằng rất nhiều xương máu của binh lính, dân thường).

Nhưng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì không như thế. Đại tướng sót máu xương của quân dân, và luôn trăn trở về việc làm sao để chiến thắng nhưng ít gây tổn thất nhất, đặc biệt là tổn thất về con người.

Kể cả khi chiến tranh đã qua đi, Đại tướng cũng luôn nhắc tới việc phải ghi nhớ công ơn của những người tham gia kháng chiến. Những người này không chỉ là binh lính trên chiến trường, mà còn là hàng vạn chiến sĩ vô danh khi có chiến tranh thì cầm súng, hòa bình thì cày cuốc, làm công nhân; là hàng vạn dân công ngày đêm chở gạo, chở đạn lên chi viện cho chiến trường… Nếu không có họ, sẽ không có chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.

Điều ấy làm tôi nhìn thấy khía cạnh nhân văn của chiến thắng, thấy được tính chất nhân hậu của vị đại tướng này” – Giáo sư Vũ Minh Giang bày tỏ.

Chia sẻ thêm những câu chuyện đằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Giáo sư Vũ Minh Giang kể lại câu chuyện ông từng được một học giả người nước ngoài hỏi về việc, tại sao trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ở dân tộc Việt Nam không có hiện tượng bắt cóc trẻ em và phụ nữ (như ở nhiều thuộc địa khác của Pháp) để trao đổi yêu cầu về mặt chính trị.

Inner Page (2).png

“Khi đem câu hỏi này đi hỏi lại Đại tướng, tôi nhận được câu trả lời mà mình thấm thía đến tận bây giờ. Đó là sức mạnh của đất nước Việt Nam không chỉ nằm ở sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, mà còn nằm ở sức mạnh thời đại; trong đó, hai chữ “chính nghĩa” là vô cùng quan trọng. Ta không thể đem trẻ em và phụ nữ để đánh đổi thành quyền lợi khác, bởi điều này làm cho hai chữ “chính nghĩa” ấy bị hoen ố” – Giáo sư Vũ Minh Giang kể lại.

Theo Giáo sư Giang, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến công, mà còn là đỉnh cao của cách thức ứng xử nhân văn. Đằng sau chiến thắng, còn rất nhiều chi tiết thể hiện hình ảnh lịch lãm, trí thức, nhân hậu của một vị tướng tài Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông còn nhận định, nghiên cứu nghệ thuật quân sự của Việt Nam, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ nếu chỉ tiếp cận dưới góc độ quân sự thôi là chưa đủ, mà còn phải tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau (quân sự, ngoại giao, văn hóa,…). Trong đó, tính chất Nhân dân, nhân văn của cuộc chiến mới là nét đặc sắc nhất, hiếm có (thậm chí là không tìm được) ở các cuộc chiến tranh khác trên thế giới.

Điểm mới trong việc truyền tải những trang sử oai hùng vào chương trình đổi mới giáo dục phổ thông môn Lịch sử

Với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn, chiến thắng Điện Biên Phủ là một nội dung Lịch sử quan trọng được đưa vào chương trình giáo dục để giảng dạy cho thế hệ trẻ.

LS12-SHS-BIT.png
Sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 12 Bộ sách Chân trời sáng tạo do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng làm Chủ biên. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Chia sẻ về việc đưa chiến thắng lịch sử này vào nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử Bộ sách Chân trời sáng tạo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Minh Hồng – Chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử lớp 10, 11 và 12 bộ sách này cho biết, bài 7 trong chương trình sách giáo khoa lớp 12 đã viết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) với 8 trang, truyền tải qua kênh chữ, kênh hình ảnh, kênh tư liệu và sơ đồ, lược đồ.

Bố cục của bài này có sự thống nhất với bố cục chung của tất cả các bài trong bộ sách, với cấu trúc: Mở đầu – Hình thành kiến thức mới – Luyện tập – Vận dụng – Lắng nghe lịch sử.

Nội dung chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện trong phần hình thành kiến thức mới, được trình bày gợi mở ở cả kênh chữ, kênh hình ảnh, lược đồ, kênh tư liệu, kết nối Internet và câu hỏi đan xen trong các mục.

Cũng là người có nhiều đóng góp trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông môn Lịch sử và là Tổng chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử trong Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 9 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống, Giáo sư Vũ Minh Giang vô cùng trăn trở về việc một bộ phận thế hệ trẻ thờ ơ, không hào hứng với việc học Lịch sử (thậm chí có nhiều người sợ học Lịch sử).

Do đó, khi đổi mới nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông môn Lịch sử do ông làm chủ biên, có một số điểm mới được lưu ý như sau:

Thứ nhất, đổi mới chương trình, sách giáo khoa môn Lịch sử đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn nội dung, hạn chế các chi tiết cần phải nhớ, phải học thuộc lòng. Thay vào đó, khơi dậy tinh thần say mê, thích thú với lịch sử cho học sinh.

Bởi, theo thầy Giang, lịch sử là thứ đã qua đi, cái viết lại là Sử học và Khoa học lịch sử (nhằm tái hiện, nhận thức lịch sử và dự báo cho tương lai). Từ lịch sử, rút ra những bài học kinh nghiệm và giáo dục cho thế hệ sau về truyền thống yêu nước, yêu quê hương và tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm…

Tuy nhiên, đối với Khoa học lịch sử (hay môn Lịch sử), có rất nhiều chi tiết phải nhớ (như năm tháng, sự kiện, diễn biến, số liệu, địa danh, nhân danh…). Điều này khiến cho người học, nhất là người trẻ mất dần sự thích thú đối với môn học.

Vì thế, khi đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông môn Lịch sử, nội dung được quán triệt mạnh mẽ là lựa chọn chi tiết cần phải nhớ của môn học. Quan trọng là khiến người học cảm thấy thích thú, và hướng dẫn họ biết cách tìm hiểu thông tin.

lsdl9kn.jpg
Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 9 bộ Kết nối tri thức và cuộc sống do Giáo sư Vũ Minh Giang làm Tổng chủ biên xuyên suốt phần Lịch sử. Ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Thứ hai, đổi mới giáo dục phổ thông môn Lịch sử được trình bày khách quan hơn, gần sự thật hơn.

Nói về vấn đề này, Giáo sư Vũ Minh Giang cho biết: “Có một thời kỳ, lịch sử của đất nước ta được trình bày theo cách coi những chiến thắng của dân tộc là điều hiển nhiên, vô cùng dễ dàng và có những đánh giá hạ thấp tướng lĩnh của đối phương.

Điều này trước hết là không đúng với lịch sử; đồng thời, đang hạ thấp đất nước, hạ thấp giá trị của những chiến công lịch sử.

Vì thế, đổi mới giáo dục lịch sử cần phải chú trọng về việc trình bày nội dung sao cho gần với sự thật hơn (giúp người học hiểu rằng để có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, những thế hệ đi trước đã phải gian khổ, hy sinh xương máu như thế nào).

Sự thật có tính khách quan, dễ thuyết phục hơn và mang lại sức hấp dẫn” – Giáo sư Giang cho hay.

Thứ ba, giáo dục học sinh thông qua trải nghiệm thực tiễn. Bằng những câu hỏi, sự liên hệ, hay cách thức giáo dục trực quan (đến bảo tàng, tiếp xúc nhân vật lịch sử…), giúp người học có nhiều trải nghiệm gần gũi với sự kiện lịch sử hơn, làm sinh động kiến thức. Việc học Lịch sử cũng trở nên đặc sắc hơn.

Nói thêm về những lưu ý đối với giáo viên dạy Lịch sử theo chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung và nội dung về chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng, các chuyên gia đều cho rằng, bên cạnh việc bám sát nội dung chương trình giảng dạy và tình hình của đất nước, của địa phương, thầy cô giáo cũng phải tự trau dồi kiến thức, phải có tâm huyết, “sống với lịch sử” thì những bài giảng mới “có hồn”, thu hút được sự quan tâm của học sinh.

Kim Minh Châu