Năm 2021, bên cạnh những tiêu cực trong lĩnh vực y tế được đưa ra "ánh sáng", thì trong lĩnh vực giáo dục cũng có nguyên lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tại một số tỉnh như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Điện Biên bị khởi tố.
Các sai phạm này cùng có điểm chung là liên quan tới đấu thầu trang thiết bị giáo dục. Sự trục lợi của những người làm quản lý khiến dư luận bức xúc, vậy phải chăng sau những vụ việc trên sẽ là bài học cảnh tỉnh lãnh đạo đơn vị địa phương khác?
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) có những chia sẻ về vấn đề trên.
PGS.TS Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII). (Ảnh: Mạnh Đoàn) |
Phóng viên: Trong lĩnh vực giáo dục năm 2021, một số cán bộ từng làm lãnh đạo Sở Giáo dục các tỉnh thành như Thanh Hóa, Điện Biên, Quảng Ninh bị bắt vì liên quan đến lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị giáo dục. Đặc biệt, có điểm chung về các sai phạm ở các tỉnh đó là cơ quan quản lý thông đồng với đơn vị thẩm định giá, bà đánh giá như nào về việc này?
Bà Bùi Thị An: Ngành giáo dục là ngành được cả xã hội tôn trọng thì không thể có những cán bộ như vậy. Bởi lẽ giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu, giáo dục phát triển thì đất nước phát triển bền vững. Vì thế, những sai phạm xảy ra trong lĩnh vực này thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận.
Năm vừa qua có một số cán bộ các Sở Giáo dục vướng vòng lao lý do liên quan đến lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị, một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm của cán bộ, lãnh đạo cho thấy bản thân họ tu dưỡng kém và cần siết hơn nữa việc tuyển chọn cán bộ, giám sát cán bộ thực thi quyền lực.
Chúng ta cần lựa chọn cán bộ, lãnh đạo trong ngành giáo dục là những người trưởng thành, kinh qua thực tiễn và biết cách quản trị.
Tiếp đó là sự công khai, minh bạch để chọn được cán bộ giỏi năng lực về chuyên môn quản trị.
Và quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu địa phương, đứng đầu ngành giáo dục phải có tâm trong sáng thì mới chọn được người cán bộ tốt.
Đối với người lãnh đạo, họ cần phải biết lắng nghe ý kiến từ các trường, cơ sở, phụ huynh và cần có sự cầu thị. Nếu như cán bộ, thầy cô không tốt sẽ ảnh hưởng đến học sinh và toàn xã hội.
Thực tế, có một số nơi quy hoạch cán bộ theo độ tuổi, trong khi có những giáo viên trẻ dạy giỏi nhưng lại vướng việc quy hoạch. Vì vậy, chúng ta cần phải có cơ chế để lựa chọn người tài.
Bên cạnh đó, quá trình quản lý, giám sát cán bộ của chúng ta buông lỏng, nên để xảy ra sai phạm của các cán bộ, lãnh đạo.
Phóng viên: Như bà nói ở trên, rõ ràng, lĩnh vực giáo dục nếu sai phạm của thầy cô làm quản lý sẽ để lại ảnh hưởng rất lớn?
Bà Bùi Thị An: Tôi nhận thấy sự suy đồi về đạo đức của những người thầy giáo làm nhiệm vụ quản lý. Họ là những người có trực quan rất tốt, là tấm gương để học sinh noi theo.
Học sinh vốn trong sáng nhưng khi nhìn vào tấm gương là các thầy cô giáo này lại "đen", sẽ làm cho suy nghĩ non trẻ của học sinh bị ảnh hưởng bởi người thầy. Học sinh không những bị ảnh hưởng tâm lý, phụ huynh bị ảnh hưởng đến lòng tin.
Trong lĩnh vực giáo dục, người làm lãnh đạo có vị trí quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Chúng tôi khi xưa đi học thì người thầy là người truyền lý tưởng, say mê việc học cho học sinh, vì vậy họ rất quan trọng đối với học sinh.
Phóng viên: Những sai phạm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu trang thiết bị giáo dục liên tiếp bị phanh phui, phải chăng đấu thầu trong lĩnh vực giáo dục đang là “miếng bánh” dễ bị trục lợi?
Bà Bùi Thị An: Thực tế, việc trang bị các thiết bị dạy và học là điều cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Vì thế, việc mua sắm trang thiết bị giáo dục ở các địa phương là tất yếu. Nhưng vì bản thân một số cán bộ thoái hóa nên họ vẫn sẽ có ý định trục lợi từ ngân sách, bởi đó không phải là tiền túi của họ. Bên cạnh đó, việc giám sát hoạt động đấu thầu ở các địa phương chưa chặt chẽ nên mới để xảy ra sai phạm, là cơ hội để những kẻ thoái hóa biến chất móc ngoặc với nhau.
Tới đây, chúng ta cần phải quản lí việc chi tiêu ngân sách phải chặt chẽ và minh bạch, công khai. Trong đó, việc đấu thầu là phải minh bạch về giá, về sản phảm để việc giám sát rộng rãi và hiệu quả hơn. Và phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu làm không đúng.
Phóng viên: Trong năm mới, bên cạnh việc phải xử lý nghiêm các cá nhân sai phạm trong lĩnh vực giáo dục, bà kỳ vọng việc đầu tư cho giáo dục như thế nào, và vấn đề gì theo bà cần phải chú trọng để tạo chuyển biến tích cực?
Bà Bùi Thị An: Theo tôi, nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, trong đó là việc đào tạo giáo viên rất quan trọng, có thể tăng thêm phụ cấp cho họ để họ yên tâm làm việc.
Tiếp đó, đối với chương trình đào tạo phải gọn nhẹ, để học sinh học và tiếp thu tốt.
Đối với vùng sâu, vùng xa, giáo dục cần phải có sự quan tâm để cho các em có sự giáo dục tốt.
Trước mắt, chúng ta phải thích ứng giáo dục để đảm bảo chất lượng trong điều kiện phòng chống Covid-19, đây là mục tiêu rất quan trọng.
Có nghĩa chúng ta vừa phải đảm bảo an toàn trong dịch bệnh, mà vẫn phải đảm bảo chất lượng. Việc học online hiện nay của học sinh, tôi cho rằng vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Các cơ quan quản lí cần phải nghiên cứu phương pháp để đạt được điều mà tôi nói ở trên. Trong đó quan trọng nhất là cần phải tuyển chọn người giỏi và nâng cao mức lương cho giáo viên.
Trân trọng cảm ơn bà!