Cho học sinh lớp 10 được thi xét tuyển ĐH nhưng nhà trường "không khuyến khích"

08/03/2023 06:41
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mặc dù cho phép học sinh lớp 10, 11 tham gia bài thi riêng, tuy nhiên các đơn vị tổ chức không khuyến khích học sinh tham gia quá sớm.

Năm nay, bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hiện đã có ít nhất 10 cơ sở giáo dục thông báo tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển đại học 2023. Trong đó, đáng chú ý, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội và đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho phép học sinh đã hoặc đang học trung học phổ thông đăng ký tham gia. Như vậy, không chỉ học sinh lớp 12, các thí sinh đang học lớp 10 và 11 cũng có thể dự thi kỳ thi riêng nếu có nhu cầu.

Thí sinh tham dự bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: DN

Thí sinh tham dự bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022. Ảnh: DN

Các trường đại học lưu ý gì với học sinh lớp 10, 11 muốn tham gia các bài thi riêng?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội lý giải, quy định này được đưa ra dựa trên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh lớp 10, 11 dự thi quốc gia, quốc tế cùng lớp 12. Ngoài ra, với bài thi IELTS đang phổ biến hiện nay, các em học sinh ở bậc trung học cơ sở từ lớp 8 cũng đã có thể đăng ký dự thi nếu có năng lực và nhu cầu.

Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền chia sẻ, bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được thiết kế gồm ba phần: Toán học, Đọc hiểu và Giải quyết vấn đề. Các câu hỏi được thiết kế theo ba mức độ tư duy: tái hiện, suy luận và bậc cao.

Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

Phó giáo sư Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: DN

“Bài thi với mục đích đánh giá khả năng tư duy, lập luận của học sinh thay vì chỉ đơn thuần kiểm tra học thuộc kiến thức, nên học sinh các lớp dưới vẫn có thể dự thi cùng lớp 12. Sau khi hoàn thành bài thi, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong hai năm, nên có thể dùng kết quả thi từ lớp 11 để xét tuyển năm tới”, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin.

Tuy nhiên, nhà trường không khuyến khích các em học sinh lớp 10 tham gia vì các em còn chưa đạt được “độ chín” về tư duy; đối với lớp 11, chỉ những học sinh “kiệt xuất”, muốn thử sức thì có thể xem xét tham gia để bảo lưu kết quả xét tuyển đại học cho năm sau, còn lại các thí sinh khác không nên quá vội vàng đăng ký thi.

Theo thầy Điền, kỹ năng tư duy được hình thành sau 3 năm học, do vậy, thông thường khi các em học đến lớp 12 kỹ năng tư duy mới đạt đến “độ chín” cần thiết. Với học sinh lớp 10, lớp 11, nếu không thật sự “kiệt xuất”, có năng lực vượt trội thì việc các em tham gia kỳ thi chỉ gây lãng phí cho gia đình, đồng thời, khó đảm bảo đạt được kết quả cao.

Do đó, đối với các em học sinh hiện đang học lớp 11 năm nay, có thể xem xét tham gia bài thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội vào khoảng tháng 9-10 vào năm học mới sắp tới. Theo thầy Điền, đây là thời điểm thích hợp hơn với các bạn lớp 11 năm nay, vì khi đó các em đã hoàn thành chương trình, có thêm thời gian nghỉ hè để tìm hiểu chương trình lớp 12.

Cùng quan điểm với Phó giáo sư Điền, Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đơn vị này không khuyến khích học sinh lớp 10, lớp 11 tham dự kỳ thi đánh giá năng lực.

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Thảo cho biết:

“Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế với 70% nội dung câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, 30% nội dung ở lớp 11 và lớp 10 (trong đó, 20% lớp 11 và 10% kiến thức môn Toán, Ngữ văn thuộc lớp 10).

Do vậy, với các bạn học sinh lớp 10, nếu làm bài thi đánh giá năng lực chỉ đạt 1/10 thang điểm, tức khoảng 15/150 điểm. Tương tự, học sinh lớp 11 nếu làm bài thi cũng chỉ đạt khoảng 45/150 điểm, đây là xét điểm tối đa với những học sinh có đủ năng lực để làm trọn vẹn tối đa nội dung kiến thức chương trình”.

Theo Giáo sư Thảo, việc học sinh tham dự các bài thi đánh giá năng lực quá sớm không chỉ gây lãng phí, tốn kém về tiền bạc mà còn dễ gây nên những xáo trộn về mặt tâm lý.

“Khi kiến thức và năng lực chưa được hình thành đầy đủ, học sinh tham gia bài thi sẽ rất khó để đạt điểm cao. Không chỉ riêng với lớp 10 và 11, ngay cả học sinh lớp 12, đa số các em tham gia bài thi thử nghiệm vào khoảng thời gian tháng 8, 9, 10 điểm thi cũng còn rất thấp.

Kết quả thi không đạt như kỳ vọng rất dễ khiến các em ngộ nhận kết quả thi, làm tâm lý bị hoang mang gây nên nhiều ảnh hưởng không tốt, do vậy chúng tôi không hề khuyến khích học sinh lớp 10, 11 tham gia quá sớm”, thầy Thảo thẳng thắn chia sẻ.

Không điều chỉnh thời gian và kiến thức bài thi cho các đối tượng thí sinh lớp 10, 11 có nhu cầu thi sớm

Liên quan đến đối tượng lớp 10, 11 có thể tham gia bài thi riêng để bảo lưu kết quả xét tuyển đại học, có ý kiến cho rằng, phạm vi kiến thức trong tất cả các phần/bài thi nên có sự điều chỉnh sao cho không bị lệ thuộc quá nhiều vào kiến thức môn học trong chương trình trung học phổ thông; Đồng thời, các đợt thi nên tổ chức rải rác trong năm thay vì đổ dồn trong năm như hiện nay.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh:

“Bài thi đánh giá tư duy phục vụ đối tượng chính là học sinh lớp 12 đang chuẩn bị xét tuyển vào đại học. Đồng thời, các mốc thời gian diễn ra kỳ thi đánh giá tư duy cũng đã được trường đặc biệt thiết kế nhằm phù hợp với lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông của các em, do vậy, sẽ không có sự điều chỉnh nào để nhằm phù hợp với đối tượng các em học sinh lớp 10, 11 có nhu cầu tham gia”.

Chia sẻ thêm, Phó giáo sư Điền cho biết, vào ngày 9/4 sắp tới, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi thử trực tuyến trên toàn quốc. Theo thầy Điền, “ở kỳ thi thử trực tuyến sắp tới đây, các em học sinh các lớp 10, 11 và 12 có thể đăng ký và dự thi thoải mái tại nhà. Dựa vào kết quả này, các em có thể đưa ra quyết định chính xác hơn về việc có nên thi sớm hay không. Học sinh yên tâm ôn tập, chỉ cần có khả năng, cơ hội của các em vẫn còn”.

Tuệ Nhi