Năm học cận kề, chương trình GDTX cấp THPT vẫn chưa có khiến các nơi gặp khó

01/07/2022 06:46
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Một số địa phương không thực hiện mô hình sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nhưng vẫn tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Trong Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Tại một số địa phương, chỉ có trung tâm giáo dục thường xuyên đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua, tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn trong thực tiễn triển khai.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Ngọc Châu (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Từ trước đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu không có trung tâm giáo dục nghề nghiệp, chỉ có các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội. Còn các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, nên không thực hiện mô hình sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên”.

Ông Nguyễn Huy Hoàng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La, có 12 trung tâm giáo dục thường xuyên (gồm 11 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và 01 trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh).

Một giờ học tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sông Mã (Sơn La). (Ảnh: SGDĐT Sơn La cung cấp).

Một giờ học tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sông Mã (Sơn La). (Ảnh: SGDĐT Sơn La cung cấp).

Trong những năm qua, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã đi vào hoạt động ổn định và nền nếp, số lượng học viên tại các trung tâm ngày một tăng lên, nhu cầu của học sinh trong việc định hướng và phân luồng sau trung học cơ sở đã được quan tâm và triển khai đồng bộ; tỉ lệ học viên vừa tham học chương trình văn hóa và kết hợp với học nghề được chú trọng và nâng cao.

Tại tỉnh Sơn La, không có mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, do đó, việc bố trí, sắp xếp giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên để đảm bảo giảng dạy cho học viên học chương trình giáo dục phổ thông cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người học. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm và chỉ đạo các trường trung học phổ thông trên địa bàn bố trí hỗ trợ giáo viên giảng dạy cho các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện nhằm trao đổi và nâng cao hoạt động chuyên môn tại các trung tâm giáo dục thường xuyên từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện tại, đội ngũ giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên luôn yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện nhiệm vụ của các trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay, nhất là hệ thống văn bản chỉ đạo của cấp trên về giáo dục thường xuyên chưa được ban hành, hoặc nếu ban hành đã không còn phù hợp với tình hình thực tế”.

Vị Giám đốc Sở này dẫn chứng: “Về chế độ đối với học viên tại trung tâm, hiện nay, học sinh học dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nếu học tại các trường trung học phổ thông được hỗ trợ tiền ăn 40% lương cơ sở/tháng, hỗ trợ tiền ở 10% lương cơ sở/tháng, hỗ trợ 15kg/tháng; nhưng nếu đi học tại trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện thì không được hưởng chế độ.

Về chương trình, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành thông tư về chương trình giáo dục phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, rất khó khăn cho các trung tâm giáo dục thường xuyên trong việc xây dựng chương trình tổ hợp bộ môn để xác định cho năm học 2022-2023.

Về xác định biên chế giáo viên, hiện tại, theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập không có quy định về định mức biên chế giáo viên, nhân viên đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên. Do đó, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng biên chế tại các trung tâm giáo dục thường xuyên”.

Tại Bắc Giang, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện và trung tâm giáo dục thường xuyên - ngoại ngữ tin học tỉnh đều trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện và trung tâm giáo dục thường xuyên - ngoại ngữ tin học tỉnh Bắc Giang đều trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh chụp màn hình).

Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện và trung tâm giáo dục thường xuyên - ngoại ngữ tin học tỉnh Bắc Giang đều trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh chụp màn hình).

Chính vì vậy, theo ông Tạ Việt Hùng (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang), những bất cập mà một số địa phương gặp phải trong công tác quản lý các trung tâm này, tại tỉnh Bắc Giang không quá lớn.

Ngân Chi