Dạy thêm, học thêm có thu tiền bắt đầu xuất hiện ở các địa phương khoảng gần 30 năm trước nhưng giai đoạn đầu chủ yếu là tập trung ở khối Trung học phổ thông nhằm phục vụ cho việc thi tuyển đại học lúc bấy giờ.
Thời điểm đó, gần như học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở chưa phải đi học thêm như bây giờ. Phải đến những năm 2000 về sau thì việc dạy thêm, học thêm mới xuất hiện trên một diện rộng ở các cấp học, các địa bàn khác nhau.
Bây giờ, học thêm từ khi chưa vào lớp 1 cho mãi đến hết năm lớp 12, càng học sinh giỏi ở những khu vực có điều kiện kinh tế càng học thêm nhiều. Lịch học thêm kín hết các ngày trong tuần, kéo theo đó là không biết bao nhiêu tiền bạc của phụ huynh cũng đi theo.
Chương trình 2018 ra đời và đang trong lộ trình thực hiện cuốn chiếu được kỳ vọng là sẽ giảm tải cho người học, giảm được gánh nặng thi cử, học thêm cho học sinh. Thế nhưng, thực tế học sinh càng phải học thêm nhiều hơn vì có thêm nhiều môn học mới.
Đặc biệt, việc Bộ vừa thông qua dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 cho thấy áp lực thi cử đã tăng thêm 1 môn thi và tất nhiên là học sinh cũng phải học tập, ôn luyện nhiều hơn hiện nay.
Những phẩm chất và năng lực mà chương trình mới đã đề ra (Ảnh chụp từ màn hình) |
Ám ảnh chuyện dạy thêm, học thêm hiện nay ở các cấp học
Trong những năm gần đây, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khi bỏ đi kỳ thi chuyển cấp từ Tiểu học lên Trung học cơ sở; bỏ thi học sinh giỏi văn hóa cấp Tiểu học; bỏ thi tốt nghiệp Trung học cơ sở; dồn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và đại học vào 1 kỳ thi chung.
Song song với giảm các kỳ thi, chương trình 2006 cũng đã nhiều lần thực hiện giảm tải kiến thức mà gần đây nhất là Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH; Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, nhiều đơn vị kiến thức đã được chuyển sang hình thức tự học, tự làm hoặc khuyến khích tự học.
Bên cạnh đó, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học được ban hành. Mỗi môn học chỉ còn 2 bài kiểm tra định kỳ ở mỗi học kỳ cũng đã giúp cho học sinh dễ thở hơn khi các em giảm được rất nhiều bài kiểm tra định kỳ hàng năm.
Thế nhưng, cho dù là Bộ đã giảm tải cả nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, giảm bài kiểm tra định kỳ, thường xuyên so với những năm đầu thực hiện chương trình 2006 thì tình trạng dạy thêm, học thêm đối với những lớp đang dạy chương trình 2006 cũng khó giảm.
Học sinh phổ thông vẫn đang phải đi học thêm hàng ngày, nhất là những em chuẩn bị thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì càng phải đi học thêm nhiều hơn.
Đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 gần như trường nào cũng tổ chức dạy thêm tại trường và học sinh còn phải đi học thêm ở nhà thầy cô giáo nữa.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời và đang thực hiện ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7, lớp 10, theo quan sát, đánh giá của người viết - một giáo viên đứng lớp thì tình hình cũng không khả quan hơn. Học sinh vẫn đang phải đi học thêm.
Phương pháp dạy học mới, thầy cô giao nhiệm vụ, các nhóm, cá nhân học sinh sẽ chuẩn bị bài ở nhà, khi đến giờ học thì đại diện nhóm lên báo cáo sản phẩm. Sau đó, một số thành viên trong lớp nhận xét sản phẩm học tập của nhóm bạn và giáo viên nhận xét là xong.
Những em tích cực thì như vậy, những em không tích cực thì cũng thôi chứ giáo viên cũng khó sâu sát được tất cả học trò. Miễn là sản phẩm đó đã được các nhóm thực hiện, còn cá nhân mỗi học sinh trong nhóm chuẩn bị như thế nào gần như đang được bỏ ngỏ.
Vì thế, học sinh học trên lớp là học theo phương pháp mới của giáo viên nhưng đi học thêm là học theo phương pháp cũ. Cơ bản, giáo viên vẫn là người truyền thụ kiến thức thì học sinh mới hiểu được bài, nắm được kiến thức trong sách giáo khoa và chương trình học.
Riêng đối với môn Ngữ văn, Bộ đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu ở các nhà trường nhưng nó cũng đang tạo ra những hẫng hụt lớn cho học trò.
Học cả kỳ, cả năm theo kiến thức sách giáo khoa nhưng khi kiểm tra Bộ hướng dẫn lấy ngữ liệu cho phần đọc hiểu và phần viết ở ngoài sách giáo khoa. Phần đọc hiểu thì dù sao học sinh cũng có thể làm được một số câu vì kiến thức hỏi nằm trong nội dung học trên lớp.
Nhưng, đối với phần viết quả là nan giải cho một bộ phận lớn học sinh, nhất là học sinh Trung học cơ sở vì rất khó để học sinh cảm nổi một bài thơ, một đoạn văn bản văn xuôi ở ngoài sách giáo khoa.
Bởi, ngay cả những văn bản trong sách giáo khoa giảng đi, giảng lại mà nhiều học sinh còn gặp khó khăn thì việc học sinh tiếp cận với một tác phẩm mới toanh là một vấn đề không hề đơn giản với học trò.
Vì thế, các lớp học thêm sẽ đáp ứng yêu cầu này cho học sinh. Những khó khăn trong học tập, kiểm tra gần như sẽ được giải đáp từ các lớp học thêm. Tình trạng bật mí đề, lộ đề ở các nhà trường cũng phần lớn từ các lớp học thêm mà ra.
Gánh nặng thi cử của chương trình mới liệu có được giảm tải?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến xã hội. Theo dự thảo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Ngoài ra, thí sinh còn phải chọn 02 môn học lựa chọn trong số 4 môn học đã chọn học trong nhóm tổ hợp.
Điều này cho thấy gánh nặng thi cử của chương trình mới không hề giảm tải so với chương trình hiện hành. Bởi, suốt nhiều năm qua, học sinh lớp 12 khi dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chỉ dừng lại ở 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài tổ hợp.
Thế nhưng, theo dự thảo Phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 - khi học sinh khóa đầu tiên dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đã có thêm môn Lịch sử- môn thứ tư nên áp lực cho thí sinh sẽ nặng hơn chương trình hiện hành.
Chính vì thêm môn thi bắt buộc nên việc học sinh lớp 12 sẽ phải đối mặt với áp lực học tập, ôn tập và học thêm 1 môn thi nữa.
Đối với học sinh lớp 9 thi tuyển sinh 10 tới đây cũng phức tạp và khó khăn không kém- nhất là những học sinh có ý định thi vào các trường Trung học phổ thông chuyên.
Bởi vì chương trình học của cấp Trung học cơ sở có 2 môn học tích hợp là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý nhưng nếu khi thi vào các trường chuyên thì không có 2 môn học tích hợp mà các em sẽ lựa chọn vào các lớp chuyên: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Vì thế, gánh nặng học thêm chắc chắn sẽ rất lớn vì tới đây sau khi các địa phương bồi dưỡng xong cho giáo viên 2 môn tích hợp thì giáo viên sẽ dạy 2-3 phân môn của môn học tích hợp.
Trong khi, giáo viên rất khó làm chủ được kiến thức của tất cả các phân môn vì họ đã bỏ nhiều năm trời. Hơn nữa, dù học sinh học tích hợp nhưng khi ôn thi phải ôn theo phân môn để phục vụ mục đích cho mình. Đương nhiên, phụ huynh lại phải tốn kém thêm tiền cho con em mình ôn tập.
Chính vì vậy, chương trình mới tưởng nhẹ mà rất khó có thể nhẹ nhàng hơn chương trình hiện hành. Với phương pháp học tập hiện nay giáo viên đã chuyển giao học tập cho học trò nên phần học trên lớp giáo viên chỉ là những người giao nhiệm vụ, định hướng học tập và chốt lại các hoạt động học tập cho học sinh sau khi trình bày, thảo luận.
Điều này sẽ rất khó cho học sinh ôn tập, thi cử vì phương pháp dạy học mới sẽ có ưu điểm phát huy phẩm chất, năng lực cho học trò- nhưng phải là những em giỏi thực sự. Những em thường thường bậc trung sẽ khó nắm bắt và kiến thức sẽ trôi dần.
Vì thế, với tình hình hiện nay cũng như lộ trình mà Bộ đang vạch ra, ít nhiều khiến chúng ta mường tượng về bức tranh dạy thêm, học thêm trong những năm tới đây vẫn còn rất phức tạp và chắc chắn học sinh phổ thông đang còn phải học thêm dài dài vì rất nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.