Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng tại hội thảo: “Thực hành xây dựng và tự đánh giá chương trình đào tạo phục vụ kiểm định chất lượng chất lượng giáo dục” do Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 26/6.
Các đại biểu chia sẻ về việc xây dựng chương trình đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng, xã hội. Ảnh: AN |
Tham dự hội thảo có 150 đại biểu đến từ 42 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.
Đổi mới, cập nhật các chương trình đào tạo để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 trong kỷ nguyên số và đổi mới sáng tạo là nhu cầu tất yếu đối với các trường đại học.
Trong đó, đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục không chỉ là thực thi cam kết và trách nhiệm xã hội của nhà trường đối với người học mà còn để không ngừng cải tiến nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học - đánh giá, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin, cập nhật về nội dung, phương pháp và cách tiếp cận, đánh giá chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra;
Quy trình xây dựng chương trình đào tạo, thực hành làm việc nhóm các kỹ năng xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và các học phần;
Thực hành phân tích, sử dụng các công cụ kiểm soát (ma trận liên kết giữa chuẩn đầu ra của các học phần với chương trình đào tạo, đề cương chi tiết học phần, bản mô tả chương trình đào tạo, cấu trúc chương trình và các bài kiểm tra mẫu…).
Qua đó, đánh giá các chuẩn đầu ra cũng như sự phù hợp của chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra; Kinh nghiệm và kỹ năng thực hành lấy ý kiến các bên liên quan…
Phó Giáo sư Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết:
“Chương trình đào tạo phải được xây dựng, đánh giá và liên tục cải tiến để đáp ứng được các chuẩn đầu ra thích ứng với nhu cầu của nhà trường, nhà tuyển dụng và xã hội.
Chương trình cũng phải mang tính hội nhập và cập nhật tri thức tiên tiến, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đem lại những thay đổi mạnh mẽ, chưa từng có trên thế giới”.
Còn theo Phó Giáo sư Đinh Thành Việt - Trưởng ban Ban đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Đà Nẵng):
“Chất lượng đầu ra đóng vai trò quyết định đối với công tác đào tạo do đó chúng ta cần xây dựng các chuẩn đầu ra rõ ràng.
Thể hiện được mục tiêu đào tạo, yêu cầu về nội dung, khối lượng tri thức, kỹ năng, phẩm chất, thái độ người học cần đạt được.
Và quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng phải đánh giá được các chương trình đào tạo có đáp ứng được các chuẩn đầu ra đó hay không?
Từ đó rà soát, không ngừng cập nhật, cải tiến các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực và chuẩn đầu ra cho người học là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và được chú trọng trong kiểm định giáo dục trong nước cũng như quốc tế”.