Nếu chỉ nhìn vào những bản giới thiệu, kêu gọi thí sinh đăng ký nhập học thì quả thực đó là một bức tranh muôn màu, muôn vẻ đầy tươi sáng của giáo dục đại học.
Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, đằng sau những lời mật ngọt trong tuyển sinh lại ẩn chứa bức tranh xám xịt đáng báo động về thực tế chất lượng đào tạo của giáo dục đại học hiện nay.
Điều này đã được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục kiểm định Chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến về công tuyển sinh đại học năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 17/7.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định Chất lượng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Theo ông Trinh, đích đến của các trường đại học không phải tuyển sinh, cũng không phải quá trình đào tạo; điểm đến phải là sản phẩm đầu ra, là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội mà trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỷ lệ sinh viên có việc làm.
Tuy nhiên theo ông Trinh: "Hiện nay phần lớn các trường đại học đã có bộ phận chăm lo công tác đảm bảo chất lượng bên trong nhưng cơ chế hoạt động, tầm nhìn của đại học, cách tiếp cận thế nào đang còn rất khác biệt.
Chúng ta thấy rằng những cơ sở nào tạo thuận lợi cho hệ thống này thì chất lượng đào tạo tốt, việc tuyển sinh cũng thuận lợi hơn.
Hiện nay chúng ta đã có 251/268 cơ sở giáo dục đại học (218 đại học, 33 cao đẳng) đã hoàn thành việc tự đánh giá.
Như vậy ta còn khoảng 20 trường chưa làm việc tự đánh giá. Trong số này mới chỉ có 121 cơ sở giáo dục được đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục.
Trong đó 181 trường đại học, 3 cao đẳng, 6 cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo chuẩn của các tổ chức quốc tế".
Nếu sai phạm, trường đại học sẽ bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm |
Không chỉ vậy, ông Mai Văn Trinh còn nhấn mạnh: "Kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo thì bức tranh xám mầu hơn.
Đến nay mới có hơn 144/hàng nghìn chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Trong đó 16 chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng tiêu chuẩn trong nước còn lại là quốc tế".
Ông Trinh cho rằng, sắp tới chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng và ông đưa ra giải pháp cụ thể, theo đó: "Căn cốt nhất là chăm lo phát triển, hoàn thiện điều kiện đảm bảo chất lượng bên trong, thể hiện của nó rất cụ thể là các điều kiện đảm bảo chất lượng trên một số nhóm vấn đề.
Đầu tiên là cơ chế quản lý; đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ giảng dạy; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo; trách nhiệm với sinh viên để sao cho các em ra có việc làm.
Công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và phải chịu trách nhiệm trước xã hội với những thông tin công khai đó.
Các nhà trường đồng thời phải tập trung kiểm định chất lượng, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm định các chương trình đào tạo.
Khoản 5 điều 33 Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã quy định rõ: Nếu một chương trình đào tạo trong quá trình đào tạo không thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng hoặc kiểm định chất lượng nhưng không đạt thì phải dừng quá trình tuyển sinh tiếp theo;
Đối với cơ sở giáo dục đào tạo, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là những vấn đề hết sức căn cốt đã quy định rõ trong Luật Giáo dục".
Cuối cùng ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: "Tất cả những điều nêu trên phải gắn với trách nhiệm giải trình và công khai trước xã hội.
Về phía Bộ sẽ tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. 2 năm vừa rồi Bộ đã thanh tra kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Tới đây sẽ cố gắng hoàn thiện cơ sở dữ liệu số về các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học để việc quản lý tốt hơn".