Bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng là những hoạt động quan trọng và bắt buộc, thể hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục là yếu tố nền tảng giúp duy trì, cải tiến và nâng cao chất lượng các lĩnh vực hoạt động, đồng thời là cơ sở để thực hiện quyền tự chủ tại các trường.
Công tác này đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Chính vì vậy, hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định cần được thực hiện hiệu quả và nghiêm túc.
Mặc dù, trong những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận, song vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục.
Tính đến tháng 9/2019 mới chỉ có chưa tới 50% số cơ sở giáo dục được kiểm định (Ảnh minh họa trên Giáo dục thời đại) |
Trước thực tế đó, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra thực trạng công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam từ đó đề xuất một số nội dung nhằm cải tiến và nâng cao hiệu quả công tác này.
Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ một số bất cập, hạn chế trong công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng tại Việt Nam hiện nay.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đang tập trung chủ yếu cho công tác đánh giá, kiểm định, trong khi chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vì mục tiêu nâng cao chất lượng.
Hệ thống văn bản phục vụ công tác bảo đảm chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu khi mới tập trung hướng dẫn triển khai bảo đảm chất lượng bên ngoài (để phục vụ công tác kiểm định chất lượng), thiếu các văn bản hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Phó giáo sư Phương Nga chia sẻ đôi điều về tác động của kiểm định chất lượng |
Mặc dù công tác đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng được triển khai mạnh mẽ nhưng đa số các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, tại nhiều đơn vị, công tác bảo đảm chất lượng được xác định đơn giản là thực hiện tự đánh giá và tham gia đánh giá ngoài theo quy định.
Thêm vào đó là đội ngũ cán bộ triển khai công tác bảo đảm chất lượng nhìn chung chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng. Công tác tập huấn cho nhân sự làm bảo đảm chất lượng bên trong chưa được quan tâm đúng mực.
Đồng thời, việc kiểm soát chất lượng bên trong tại nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được thực hiện do chưa định kỳ thực hiện các hoạt động đánh giá nội bộ để cải tiến chất lượng trước khi đăng ký đánh giá ngoài chính thức.
Ngoài ra, Trung tâm này cũng chỉ ra là, kế hoạch số 118/BGDĐT ngày 23/02/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự phù hợp với bối cảnh thực tế khi yêu cầu tất cả các cơ sở giáo dục phải được kiểm định vào năm 2020, trong khi thiếu hướng dẫn và xác định lộ trình cho các đơn vị xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Hệ quả là tính đến tháng 9/2019 mới chỉ có chưa tới 50% số cơ sở giáo dục được kiểm định. Trong thời gian còn lại khó có thể đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra. Công tác kiểm định cũng chưa tạo được sự yên tâm, tín nhiệm từ các cơ sở giáo dục và từ xã hội.
Hơn nữa, Bộ tiêu chuẩn kiểm định được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA, thiên về đánh giá theo nguyên lý (Principles Based), do đó có ưu điểm là hướng dẫn tốt giúp các cơ sở giáo dục xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Tuy nhiên lại khó áp dụng cho công tác kiểm định trong bối cảnh hệ thống bảo đảm chất lượng tại đa số các cơ sở giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn mới hình thành, năng lực của các kiểm định viên còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, một số Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã được thành lập và hoạt động, tuy nhiên lại có phương thức tổ chức khác nhau (thuộc hiệp hội, trường đại học, đại học vùng, đại học quốc gia), hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính hoàn toàn, hoặc được hỗ trợ một phần về tài chính và cơ sở vật chất. Kinh phí hoạt động của các Trung tâm chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ hoạt động kiểm định, vì vậy có nguy cơ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
Từ bối cảnh công tác bảo đảm chất lượng trong cả nước, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới và thực tiễn phát triển bảo đảm chất lượng tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo đưa ra một số kiến nghị, đề xuất.
Chuyên gia lưu ý 7 vấn đề liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục đại học |
Thứ nhất, về phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cơ quan quản lý cần sớm xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học, trước mắt có thể căn cứ Khung bảo đảm chất lượng ASEAN để xây dựng quy chế về bảo đảm chất lượng và để áp dụng thống nhất trong cả nước, cụ thể hóa các nội dung về bảo đảm chất lượng đã được quy định trong luật giáo dục đại học.
Thứ hai, tăng cường các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác bảo đảm chất lượng. Xem xét xây dựng chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ bảo đảm chất lượng bên trong; quy định đội ngũcán bộ làm công tác bảo đảm chất lượng tại các cơ sở giáo dục phải tham gia đào tạo và đạt chứng chỉ này (thay cho yêu cầu về chứng chỉ kiểm định viên).
Thứ ba, có lộ trình đánh giá, kiểm định phù hợp giúp các cơ sở giáo dục từng bước xây dựng và kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong vững chắc, sau đó mới tiến hành kiểm định.
Với các cơ sở giáo dục đã hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, có thể thực hiện kiểm định ngay.
Với các cơ sở giáo dục đang trong quá trình hình thành và xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng cần thực hiện công tác đánh giá nhằm xác định thực trạng và hướng dẫn phát triển (chưa kèm theo biện pháp chế tài) trong giai đoạn 3-5 năm đầu, sau đó mới thực hiện kiểm định với những chế tài cụ thể.
Thứ tư, xem xét xây dựng quy chế về tự kiểm định (self accreditation) cấp chương trình đào tạo cho các cơ sở giáo dục có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong mạnh, đủ kinh nghiệm và năng lực triển khai như các đơn vị thành viên AUN của Việt Nam.
Nhà nước có thể quản lý chất lượng của các cơ sở giáo dục này thông qua các hoạt động giám sát như định kỳ hàng năm cơ sở giáo dục gửi báo cáo về công tác đánh giá, công nhận chất lượng, kiểm tra công tác đánh giá của cơ sở giáo dục,…